Mô hình giáo dục thanh thiếu niên vi phạm pháp luật ở phường Duy Tân:Tình thương đã "vực dậy" các em

11/06/2017 14:01

​Nhằm giúp thanh thiếu niên hư ở địa phương không tiếp tục lầm lỡ, vi phạm pháp luật, Hội Cựu chiến binh phường Duy Tân (thành phố Kon Tum) đề xuất với cấp ủy, chính quyền xây dựng mô hình phối hợp giáo dục, cảm hóa thanh thiếu niên hư. Mô hình này đã thật sự mang lại hiệu quả thiết thực trên địa bàn phường…

Tiếp chuyện chúng tôi tại văn phòng làm việc của Hội Cựu chiến binh phường Duy Tân là ông Văn Bá Bút - người đã hai nhiệm kỳ làm Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường, cũng là "hạt nhân" tích cực trong công tác giáo dục, cảm hóa thanh thiếu niên hư trên địa bàn.

Ông Bút kể, 10 năm trước, tình trạng thanh thiếu niên hư, vi phạm pháp luật trên địa bàn phường Duy Tân khá phổ biến và phức tạp. Các đối tượng này thường bỏ nhà đi lang thang, trộm cắp, quậy phá, một số sa vào tệ nạn xã hội…

Trước tình hình đó, Hội Cựu chiến binh phường Duy Tân đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng mô hình giáo dục, cảm hóa thanh thiếu niên hư hỏng. Theo đó, Hội Cựu chiến binh chủ động phối hợp với lực lượng Công an phường và các tổ chức đoàn thể tăng cường giáo dục, cảm hóa để những thanh thiếu niên này thấy được lỗi lầm của mình mà sửa chữa, phấn đấu thành những người "con ngoan, trò giỏi", trở thành công dân có ích.

Các hội viên Hội Cựu chiến binh phường Duy Tân và Hội Phụ nữ phường đang họp bàn giải quyết tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật

 

Năm 2008, mô hình giáo dục, cảm hóa thanh thiếu niên hư được cấp ủy và chính quyền phường Duy Tân đồng ý triển khai trên địa bàn. Hội Cựu chiến binh phường chọn tổ dân phố 2 làm điểm để thực hiện mô hình nhằm tạo sự đột phá đem lại hiệu quả ngay từ đầu, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng; bởi đây là địa bàn tập trung nhiều thanh thiếu niên hư, đã từng vi phạm pháp luật (chiếm 17/26 em) trên địa bàn phường.

Để nắm chắc tình hình và các đối tượng vi phạm, Hội Cựu chiến binh phường phân công từng hội viên có uy tín, có kinh nghiệm ở khu dân cư phối hợp với các ban bảo vệ dân phố, tổ tự quản… trực tiếp kiểm tra, kiểm soát ở những khu vực trọng điểm như ngã ba Duy Tân - Phan Đình Phùng; khu vực Bến xe liên tỉnh, khu vực Thảo cầm viên…, kịp thời phát hiện và ngăn chặn tình trạng gây rối trật tự công cộng, quậy phá của thanh thiếu niên trên địa bàn phường.

Các hội viên Hội Cựu chiến binh được phân công trực tiếp theo dõi, giúp đỡ các em là đối tượng thanh thiếu niên hư, đã tích cực phối hợp với các thành viên khác trong "Tổ giáo dục cảm hóa thanh thiếu niên hư" (gồm các đoàn thể và lực lượng công an) trực tiếp đến từng nhà cùng với gia đình vận động, tuyên truyền, phân tích cho các em biết những việc làm của mình là sai trái…

Công tác tuyên truyền giáo dục luôn được các thành viên trong nhóm sử dụng uyển chuyển, kết hợp giữa "tình và lý", luôn "thấu tình, đạt lý" nhằm lay động những tình cảm sâu kín trong các em nên đã mang lại hiệu quả. Với cách thức giáo dục, cảm hóa linh hoạt và kiên trì theo kiểu “mưa dầm, thấm lâu”, dần dà các em cũng đã nhận thức được các việc làm của mình là sai trái, từ đó quyết tâm sửa chữa.

Ông Văn Bá Bút chia sẻ: Việc giáo dục, cảm hóa tại gia đình thật sự mang lại hiệu quả. Bằng tình thương và trách nhiệm của những người đi vận động, giáo dục, nhiều em đã nhận thức được vấn đề và có những chuyển biến rõ nét trong thay đổi hành vi…

Thông qua công tác giáo dục, cảm hóa, nhiều đối tượng thanh thiếu niên trước đây vi phạm pháp luật, thậm chí nghiện ngập… đã thực sự tu chí, phấn đấu rèn luyện để trở thành công dân tốt. Nhiều em nhận ra người thân và cộng đồng không hề bỏ rơi mình nên họ đã thật sự biết ơn và quyết tâm sửa chữa lỗi lầm. Nhiều thanh thiếu niên đã thật sự thay đổi, tiến bộ; có thanh niên đăng ký thực hiện nghĩa vụ quân sự và sau đó trở về địa phương chăm lo làm ăn, xây dựng kinh tế gia đình vững chắc…

Ông Trần Văn Đáo - Tổ trưởng tổ dân phố 2 cho biết: Khi mô hình triển khai, chúng tôi được Công an phường Duy Tân bàn giao danh sách 17 trẻ em hư trên địa bàn để có biện pháp quản lý, theo dõi. Mỗi hội viên chúng tôi được phân công trực tiếp phụ trách từng em, đến từng nhà các em tuyên truyền, vận động. Công việc lúc đầu rất khó khăn, nhưng nhờ sự kiên trì phối hợp cùng gia đình các em vận động, dần dà các em cũng đã nhận ra lỗi lầm và sửa chữa…

Ông Đặng Minh Biên - Chủ tịch UBND phường Duy Tân khẳng định: Từ khi triển khai mô hình giáo dục, cảm hóa thanh thiếu niên hư hỏng trên địa bàn phường, tình trạng thanh thiếu niên hư đã giảm rõ rệt, hạn chế tình trạng tái phạm; nhiều địa bàn được coi là “sạch” về thanh thiếu niên vi phạm pháp luật. Nhiều đối tượng trước đây thuộc diện “thanh thiếu niên hư”, nay đã là trụ cột kinh tế gia đình, nhiều người còn tham gia quân đội, ban bảo vệ dân phố… Tình thương của gia đình và xã hội đã "vực dậy" các em!

Bài ảnh: Dương Đức Nhuận

Chuyên mục khác