Mất tiền vì tin lời “công an” giả

17/10/2023 06:04

Mới đây, ông L.V.L (thôn 2, xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà) đã có đơn trình báo gửi đến cơ quan chức năng về việc bản thân bị các đối tượng giả mạo công an gọi điện để lừa đảo, chiếm đoạt 1,1 tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng đứng tên bản thân.

Theo đơn trình báo, vào khoảng 9h ngày 5/10/2023, một đối tượng sử dụng các số điện thoại di động: 0822659317, 0814212060, 0848652788, 0856862780, 0813496679 gọi điện thoại cho ông L.V.L xưng là “Trung úy công an tỉnh Kon Tum Nguyễn Văn Tài” và nắm được thông tin số căn cước công dân của ông L.V.L. Sau đó, đối tượng thông báo có người đánh cắp thông tin số căn cước công dân của ông L.V.L giả mạo lập số điện thoại 0942880444 để mở tài khoản ngân hàng buôn bán ma túy bất hợp pháp tại Hà Nội và đã bị phát hiện, thu giữ được rất nhiều heroin và tài khoản ngân hàng 20 tỷ.

Một phần nội dung đơn trình báo của ông L.V.L. Ảnh: VT

 

Lúc đầu, ông L.V.L vẫn bình tĩnh và định đến trình báo với Công an huyện Đăk Hà để làm rõ. Sau đó, đối tượng thông báo vụ án này do Bộ Công an điều tra không giao cho địa phương và đề nghị ông L.V.L khai báo với Bộ Công an. Một lúc sau, có một đối tượng tự xưng là người của Bộ Công an gọi đến đề nghị ông L.V.L kiếm một nhà nghỉ để đối tượng gọi làm việc vào sáng ngày 6/10/2023.

Tại buổi làm việc, đối tượng ăn mặc chỉnh tề, nói năng dứt khoát, nghiêm túc. Đối tượng đã hỏi ông L.V.L về nghề nghiệp, gia đình, thu nhập. Sau đó, đối tượng tự xưng là người của Bộ Công an thông báo “tội danh đứng tên căn cước công dân trong hồ sơ án 017486 và hồ sơ này do Tổng Bí thư chỉ đạo Bộ Công an xử lý, không giao cho công an huyện và tỉnh xử lý với lý do rằng, tại huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum một số cán bộ công an, ngân hàng đang trong phạm vi điều tra”.

Đối tượng yêu cầu ông L.V.L không cho ai biết để có thể minh oan rằng ông L.V.L không phạm tội. Đối tượng thông báo sẽ giám sát, bảo vệ ông L.V.L và yêu cầu ông L.V.L phải luôn luôn mở điện thoại. Đối tượng đề nghị ông L.V.L mua một điện thoại mới và một sim mới để làm việc riêng, không ảnh hưởng đến điện thoại của ông đang dùng.

Đối tượng đã đưa ra 2 phương án để minh oan cho ông L.V.L. Phương ánh 1, nhóm đối tượng yêu cầu ông L.V.L phải nộp 1 tỷ đồng vào tài khoản của Bộ Công an để thanh minh tài sản và sẽ trả lại sau 3 ngày, gồm cả tiền lãi.

Phương án 2 là nếu không có tiền nộp, ông L.V.L sẽ bị bắt vì có liên quan đến căn cước công dân đang giao dịch với ngân hàng. Đối tượng đe dọa sẽ thông báo đến cơ quan ông L để đình chỉ công việc và niêm phong tài sản làm liên lụy đến gia đình ông, thời gian bắt giữ điều tra là 90 ngày để điều tra.

Người dân cần cảnh giác với các đối tượng giả mạo công an gọi điện chiếm đoạt tài sản. Nguồn Internet

 

Sau thời gian suy nghĩ, ông L.V.L lựa chọn phương án 1 để minh oan cho bản thân. Sau đó, theo sự hướng dẫn của đối tượng, ông L.V.L đi mua điện thoại và sim mới; hướng dẫn viết bản tường trình là không có liên quan đến vụ án ma túy; thực hiện chuyển tiền vào thẻ ngân hàng Vietcombank mà ông L.V.L đang hưởng lương và buộc ông L.V.L không được đăng nhập vào số tài khoản ngân hàng của ông trong 3 ngày. Vì không đủ tiền, ông L.V.L đã vay 1,1 tỷ đồng gửi vào tài khoản của mình.

Sau đó, các đối tượng tiếp tục gọi ông L.V.L phải nộp thêm 200 triệu đồng để thuê luật sư minh oan, lúc đó ông L.V.L bế tắc không biết vay ai và từ chối, đồng thời thông báo cho vợ ông. Lúc này, ông L.V.L mới  phát hiện, tiền trong tài khoản mình không còn, bản thân đã bị lừa.

Trao đổi với phóng viên, ông L.V.L buồn bã: “Tôi không nghĩ tiền nạp vào chính tài khoản của mình mà vẫn bị người khác chiếm đoạt. Tôi mong các cơ quan chức năng có thể giúp tôi điều tra vụ việc, đồng thời tuyên truyền đến nhiều người để họ cảnh giác trước chiêu trò này”.

Trước tình trạng trên, cơ quan Công an đã khuyến cáo, người dân trên địa bàn tỉnh cần nâng cao tinh thần cảnh giác với các cuộc gọi lạ vào số điện thoại của mình; bình tĩnh, tỉnh táo đánh giá thông tin, không lo sợ mà cung cấp thông tin cá nhân hoặc nghe, làm theo yêu cầu của đối tượng.

Một vấn đề quan trọng người dân cần chú ý rằng, cơ quan Công an cũng như các cơ quan tố tụng, các cơ quan bảo vệ pháp luật khác luôn nêu cao tinh thần làm việc theo nguyên tắc nghề nghiệp, trách nhiệm, có căn cứ pháp lý, trình tự, thủ tục rõ ràng, công minh, đảm bảo bí mật nên không bao giờ có hành động gọi điện thoại để trao đổi công việc, yêu cầu người dân nộp tiền hoặc chuyển tiền qua tài khoản cá nhân nếu như người dân đó thực sự có liên quan đến một vụ án nghiêm trọng đang điều tra. 

Văn Tùng

Chuyên mục khác