Lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật

09/11/2022 09:32

Một trong những ý nghĩa mà Ngày Pháp luật Việt Nam đem lại là tạo lập thói quen tự giác thực hiện, ứng xử theo pháp luật của mỗi người, qua đó lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật.
Tăng cường hơn nữa tuyên truyền trực quan về Ngày Pháp luật Việt Nam. Ảnh: TH

 

Điều 8, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật 2012 quy định, từ năm 2012, ngày 9/11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Ngày Pháp luật Việt Nam được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn Hiến pháp, pháp luật cho mọi người, góp phần xây dựng lối sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật, tạo lập thói quen tự giác thực hiện, ứng xử theo pháp luật và nâng cao nhận thức pháp luật của mỗi người.

Việc tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam cũng là dịp để đánh giá kết quả đã đạt được; những tồn tại, hạn chế trong xây dựng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật; định hướng triển khai trong thời gian tới; tôn vinh, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác này.

Ngày 9/11 năm nay là Ngày Pháp luật Việt Nam lần thứ 10. Và là năm đầu tiên tôi tự tay cắt chữ dán một câu khẩu hiệu treo trước cổng nhằm hưởng ứng theo cách của mình.

Đó là một câu khẩu hiệu hết sức quen thuộc: “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”. Tôi đã thuộc lòng từ khi còn nhỏ, dù chưa hiểu gì. Sau này lớn lên, tôi luôn phấn đấu thực hiện theo.

Và tôi để ý, tại một số nút giao thông và tuyến phố chính ở thành phố Kon Tum, như Phan Đình Phùng, Phạm Văn Đồng, Bà Triệu, Nguyễn Huệ, Lê Hồng Phong, Trần Hưng Đạo, Hùng Vương, đã có treo pa nô, băng rôn, áp phích tuyên truyền về Ngày Pháp luật Việt Nam.

Một trong những ý nghĩa mà Ngày Pháp luật Việt Nam đem lại là tạo lập thói quen tự giác thực hiện, ứng xử theo pháp luật và nâng cao nhận thức pháp luật của mỗi người, qua đó lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật.

Đây là một hành trình dài, đòi hỏi sự nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội cho đến mỗi người dân.

Trước hết, phải làm cho người dân và xã hội biết một cách rộng rãi về Ngày Pháp luật Việt Nam. Sau đó là tìm hiểu, học tập và tự giác chấp hành pháp luật; tin tưởng mọi vi phạm pháp luật đều được phát hiện, xử lý kịp thời, công bằng, nghiêm minh.

Nhưng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, thật khó để người dân biết nhiều hơn về Ngày Pháp luật Việt Nam, khi các hoạt động tuyên truyền còn hình thức, chưa đi vào thực chất.

Cách thức tổ chức, chỉ đạo thực hiện Ngày Pháp luật có nơi chậm đổi mới, thường gói gọn ở các cuộc gặp mặt hay hội nghị tại cơ quan chuyên ngành, hoặc qua pano, áp phích, băng rôn.

Ngay cả số pano, áp phích, băng rôn tuyên truyền trực quan treo trên đường phố hay công sở cũng ít đến đáng thương. Sáng 9/11, chạy lòng vòng trên phố, dù cố ý tìm, nhưng tôi cũng chỉ đếm được số pano, áp phích, băng rôn trên đầu ngón tay.

Vì vậy, các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam cần tổ chức thường xuyên, liên tục trong cả năm, không phải đến ngày mới thực hiện. Chú trọng đánh giá, nhìn lại công tác xây dựng pháp luật, thi hành pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Các hình thức tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam cũng cần linh hoạt, phong phú, có sức lan tỏa rộng, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị trong lĩnh vực, phạm vi quản lý cụ thể, bảo đảm hiệu quả, thiết thực và phù hợp điều kiện thực tế.

 Tích cực đưa hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật ở cơ sở. Ảnh: TH

 

Để nâng cao nhận thức pháp luật của người dân và toàn xã hội, cần đổi mới công tác phổ biến pháp luật, trong đó phát huy vai trò của hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp trong công tác tham mưu, hướng dẫn, quán triệt, phổ biến, nâng cao nhận thức của mỗi người dân về vị trí, vai trò, ý nghĩa của Hiến pháp, pháp luật.

Nghiên cứu, triển khai các giải pháp mới nhằm nâng cao khả năng tiếp cận pháp luật, hỗ trợ thông tin pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với từng đối tượng.

Xây dựng, triển khai các sáng kiến, mô hình hiệu quả trong hỗ trợ tiếp cận pháp luật và nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật của người dân. Đặc biệt quan tâm đến các nhóm đối tượng yếu thế, người nghèo, người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào DTTS.

Nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả, tiên tiến để hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, trong tuyên truyền, phổ biến, thực thi pháp luật. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân tiêu biểu, gương người tốt, việc tốt trong xây dựng, thi hành, bảo vệ pháp luật.

Từ những hạt nhân nòng cốt này sẽ lan tỏa giá trị tích cực, củng cố niềm tin, tăng cường sự đồng thuận của nhân dân với các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm, hình thành thói quen tìm hiểu, sử dụng và tuân theo pháp luật của người dân. Trong đó, quán triệt, thông tin, truyền thông thường xuyên, liên tục về tầm quan trọng của pháp luật đối với đời sống xã hội; sự cần thiết của việc chủ động nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật của người dân.

Cung cấp, hướng dẫn các kiến thức, kỹ năng tìm hiểu, khai thác pháp luật bằng các hình thức phù hợp. Chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác xây dựng, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và tổ chức thực hiện pháp luật ở cộng đồng.

Kiện toàn đội ngũ nhân lực có kiến thức pháp luật, kỹ năng hỗ trợ thông tin pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn, trợ giúp pháp lý; xây dựng, triển khai các chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn, trợ giúp pháp lý phù hợp với từng đối tượng.

Và cuối cùng, hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, mỗi chúng ta hãy bằng hành động cụ thể, thiết thực, góp phần đưa Hiến pháp và pháp luật thực sự thấm sâu vào ý thức và hành động của mỗi người dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức và toàn xã hội.

Có như vậy, thượng tôn pháp luật mới dần trở thành nếp nghĩ, cách làm, thành văn hóa thực sự, chứ không chỉ là hô khẩu hiệu.

Thành Hưng

Chuyên mục khác