07/10/2018 07:05
Hội Nông dân huyện thường xuyên phối hợp với các ban ngành tổ chức các lớp tập huấn thực hiện Quyết định 81/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Về việc phối hợp giữa các bộ, ngành, UBND các cấp và các cấp Hội Nông dân Việt Nam trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân”.
Nhờ đó, trong 5 năm qua (2013-2018), Hội đã mở được 5 lớp tập huấn với 445 học viên tham gia; thường xuyên duy trì hoạt động tổ hoà giải ở cơ sở được thành lập tại 89 thôn trên địa bàn huyện. Hội cấp phát 2.500 ấn phẩm tuyên truyền về pháp luật và các chính sách của Nhà nước như Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và gia đình, các quy định xử phạt hành chính về an toàn giao thông...
Hiện nay, Hội đang phối hợp với Hội Nông dân tỉnh xây dựng mô hình điểm “Hội Nông dân tham gia tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân gắn với thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và tham gia giám sát, phản biện xã hội” tại xã Măng Cành. Theo đó, chỉ đạo Hội Nông dân xã tham mưu cho UBND xã ra quyết định thành lập Câu lạc bộ nông dân với pháp luật gồm 50 thành viên; xây dựng quy chế hoạt động của câu lạc bộ; quy chế phối hợp giữa UBND xã và Hội Nông dân xã trong việc thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở.
|
Hội Nông dân huyện tổ chức các buổi tuyên truyền, tập huấn, qua đó đã nâng cao nhận thức về pháp luật trong cán bộ, hội viên, nông dân, ý thức sống và làm việc theo pháp luật trong cộng đồng dân cư; nâng cao năng lực giám sát của cộng đồng trong việc chấp hành pháp luật trên địa bàn.
Hội Nông dân huyện thường xuyên phối hợp với Thanh tra huyện và các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Cụ thể, đã tổ chức được 280 buổi tuyên truyền cho 8.650 lượt người dân; hòa giải thành công 29/30 vụ tranh chấp, chủ yếu là tranh chấp đất đai, giống cây trồng, khiếu kiện đền bù thủy điện. Đáng chú ý, Hội Nông dân xã Pờ Ê tham gia giải quyết 5 vụ tranh chấp đất đai giữa các hộ dân của thôn Vi Ô Lăk; Hội Nông dân xã Đăk Ring tham gia giải quyết tranh chấp về rẫy, ruộng; Hội Nông dân xã Đăk Nên tham gia giải quyết khiếu nại đất đai tại các thôn Xô Luông, Xô Thác; Hội Nông dân xã Đăk Long tham gia giải quyết khiếu kiện về việc cấp giống cà gai leo chậm; Hội Nông dân xã Hiếu hòa giải thành công vụ bồi thường đền bù tại thôn Vi Glơng...
Ông A Thắng – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kon Plông cho biết: Việc phối hợp giải quyết khiếu nại tố cáo đã giúp cho bà con nhân dân yên tâm sản xuất; kịp thời phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Tiêu biểu như vụ khiếu nại của ông A Đẩy (thôn Xô Thác, xã Đăk Nên) liên quan đến số diện tích đất, nhà ở, cây cối hoa màu bị ảnh hưởng của Dự án Thủy điện Đăk Đrinh chưa được đền bù và một số chính sách hỗ trợ theo quy định khi Nhà nước thu hồi đất chưa được thực hiện. Qua xem xét đơn khiếu nại, Hội Nông dân huyện phối hợp với UBND huyện và các ban ngành đã chuyển đơn đến Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng xây dựng huyện giải quyết đúng các quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân...
Có thể nói, việc tham gia giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, cũng như các tranh chấp trong cộng đồng dân cư, tổ chức Hội Nông dân đã phát huy vai trò của mình trong việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của hội viên, nông dân; góp phần hạn chế tình trạng khiếu kiện kéo dài, vượt cấp, ổn định tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Thảo Nguyên