Khốn đốn vì “chị em kết nghĩa”

17/07/2017 08:08

​Quen biết nhau qua làm ăn buôn bán, bà Nguyễn Thị Chính (thôn 6, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) dùng chiêu thức "kết nghĩa chị em" với một số người trên địa bàn tỉnh Kon Tum để tạo niềm tin. Sau đó, bà Chính nói cần số lượng tiền lớn để mua thiên thạch và mở công ty đầu tư làm ăn nên vay mượn tiền của những người này. Khi thủ đoạn “lừa tiền” của bà Chính bại lộ, đòi lại tiền không được, những người “chị em kết nghĩa” đã làm đơn gửi đến cơ quan chức năng để nhờ can thiệp giải quyết...

Thời gian gần đây, nhiều người bàn tán xôn xao chuyện vợ chồng ông Ngô Duy Thông và bà Nguyễn Thị Chính đã lừa mượn tiền nhiều tỷ đồng của người dân trên địa bàn tỉnh Kon Tum rồi “quỵt nợ”, khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh nợ nần và có nguy cơ mất nhà, mất đất vì vỡ nợ.

Do ham lãi suất cao mà nhiều người đã mang hết tài sản, đất đai đem thế chấp, gom góp tiền bạc để đưa cho vợ chồng Thông - Chính vay đầu tư làm ăn, để bây giờ, những gương mặt thất thần vì mất của này chỉ còn biết “than vắn thở dài”, gõ cửa khắp các cơ quan chức năng nhờ can thiệp.

Bà Lĩnh trình bày với Phóng viên Báo Kon Tum. Ảnh: Đ.V

 

Bà Hà Thị Lĩnh ở thôn Ngọc Tiền, xã Đăk Xú (huyện Ngọc Hồi) kể trong nước mắt: Chồng chết đã lâu, gia đình làm nông nghiệp, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nhưng chẳng dư dả là bao. Thấy nhiều người buôn bán hàng nông sản khá giả, tôi chuyển sang buôn bán, thu mua hàng nông sản. Trong quá trình làm ăn, tôi có quen biết với vợ chồng ông Ngô Duy Thông và bà Nguyễn Thị Chính - lúc bấy giờ hộ khẩu ở cùng thôn, cũng làm nghề đi thu mua nông sản như tôi và chúng tôi kết nghĩa chị em. Trong quá trình làm ăn chung, vợ chồng Thông - Chính có đặt vấn đề hiện đang cần một số tiền lớn để mua thiên thạch bán lấy lãi nên muốn vay tiền. Nghĩ chỗ chị em và trót tin những lời tỉ tê của bà Chính rằng sẽ trả lãi hàng tháng, tôi đã vận động người thân trong gia đình gom hết tiền để đưa cho vợ chồng Thông - Chính làm ăn.

“Tính đến thời điểm này, vợ chồng Thông - Chính đã nợ gia đình tôi trên 4 tỷ đồng. Để có tiền cho vợ chồng Thông - Chính vay mượn, gia đình tôi không chỉ đi thế chấp ngôi nhà mới xây ở xã Đăk Xú mà còn về quê ở tận tỉnh Thái Bình thế chấp hết toàn bộ nhà cửa, đất đai ở quê, lấy tiền cho họ vay. Thời gian đầu, vợ chồng Thông - Chính đều trả lãi đầy đủ, đúng hẹn. Nào ngờ, chỉ một thời gian sau đó vợ chồng Thông - Chính đã “quên” trả lãi và gốc, tôi thường xuyên nhắc nhở và hối thúc nhưng họ quyết không chịu trả. Hiện nay, vợ chồng Thông - Chính đã rời thôn Ngọc Tiền, xã Đăk Xú mà chuyển về ở xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai). Hàng tháng, gia đình tôi phải trả lãi ngân hàng gần 7 triệu đồng, đó là chưa kể “tiền nóng” mà vợ chồng Thông - Chính đã nhờ tôi đứng ra vay hộ trước đó. Giờ sự việc vỡ lở, ngân hàng đòi siết nhà, tôi cũng chẳng dám nhìn mặt bà con dòng họ, nhiều khi nghĩ mà chua xót” - bà Lĩnh cho biết thêm.

Tương tự, gia đình bà Nguyễn Thị Tươi (thôn 1, xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà) cũng đang rơi vào tình cảnh khốn cùng khi bị vợ chồng Thông - Chính lừa đảo chiếm đoạt 3 tỷ đồng.

Bà Tươi kể: Vì là chỗ đồng hương, năm 2009, vợ chồng Thông - Chính có đặt vấn đề cho con gái là Ngô Thị Trang (sinh năm 2000) được làm con nuôi gia đình tôi nhằm tạo thêm mối quan hệ khăng khít giữa hai gia đình và gia đình tôi đã đồng ý nhận Trang làm con nuôi. Sau đó, vợ chồng Thông - Chính than phiền với gia đình tôi là hiện đang gặp khó khăn về tài chính để mở công ty giống cây trồng tại Ngọc Hồi và cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai và mở công ty ở quê tỉnh Bắc Ninh.

“Nghĩ giữa hai gia đình đã kết nghĩa với nhau như người một nhà, ai ngờ vợ chồng Thông - Chính đã lợi dụng sự cả tin, nhờ vợ chồng tôi đi huy động, vay mượn bạn bè và người thân cùng với số tiền tôi tích góp được từ trước đến nay để đưa cho họ làm ăn. Vợ chồng Thông - Chính vay của gia đình tôi số tiền khá lớn và 17 tấn cà phê tươi vừa mới thu hoạch. Từ đó, vợ chồng Thông - Chính ít quan hệ và "lánh" dần gia đình chúng tôi. Tôi đã nhiều lần liên lạc với họ để đòi lại tiền; nhưng vợ chồng Thông - Chính thường xuyên đổi số điện thoại và tìm cách "khất lần khất lữa" hết lần này đến lần khác. Có lần vợ chồng Thông - Chính hẹn tôi ra tận tỉnh Bắc Ninh để trả nợ nhưng tôi ra đó đợi cả tháng trời nhưng vẫn không chịu trả như đã hứa. Hiện nay gia đình đã lâm vào cảnh nợ nần và đã rất nhiều lần “xã hội đen” đến nhà tôi hăm dọa, đòi nợ vì trước đó tôi đã đi vay mượn để đưa cho vợ chồng Thông - Chính…” - bà Tươi kể lại “quy trình” bị vợ chồng lừa gạt và “bỗng nhiên” gia đình mình trở thành con nợ của nhiều người.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, trên địa bàn tỉnh Kon Tum không chỉ có bà Lĩnh, bà Tươi bị vợ chồng Thông - Chính lừa tiền tỷ mà còn nhiều người khác cũng đang rơi vào cảnh tương tự. Theo Chủ tịch UBND xã Bờ Y (huyện Ngọc Hồi) - Nguyễn Duy Cường cho biết, trong số những người bị vợ chồng Thông - Chính vay mượn tiền nhưng sau đó không trả thì có người đã “trót” cho vợ chồng này vay mượn đến 9 tỷ đồng…

Điều đáng nói, vợ chồng Thông - Chính đã vay mượn rất nhiều tiền để mở công ty, đầu tư kinh doanh cây xăng, mua ô tô đắt tiền và để con cái, người thân đứng tên số tài sản này. Thêm nữa, chẳng những không trả nợ, họ còn thách thức các chủ nợ, khiến các nạn nhân càng thêm “dậy sóng”...

Thêm một bài học đắt giá cho những người ham cho vay lãi suất cao để rồi bị kẻ xấu lừa gạt.

Hành vi lừa tiền của vợ chồng Thông- Chính cần được các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xử lý nhằm ổn định tình hình an ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Đắc Vinh

Chuyên mục khác