Khó quản chuyện hóa vàng ở khu dân cư

02/03/2018 07:06

​Việc đốt vàng mã một cách tùy tiện, lạm dụng, không đúng nơi, đúng chỗ không chỉ gây ra khói bụi, hao tốn tiền của mà còn tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn. Dù Chính phủ đã có quy định xử phạt cụ thể, dù Giáo hội Phật giáo Việt Nam có công văn đề nghị… nhưng mọi chuyện dường như chỉ có tác dụng ở các đình chùa, lễ hội, còn khu dân cư vẫn khó quản.

Lạm dụng, dễ gây họa

Nhìn những đám lửa, khói từ đốt vàng mã cháy rừng rực ngay các góc đường, trước cổng của nhiều gia đình…  trong những ngày đầu xuân này, không ít người chép miệng, đúng là dễ gây họa.

Không dễ gây họa sao được nếu như trước đây, người dân chỉ đốt một ít giấy, tiền… mang tính tượng trưng; thì nay, “phú quý sinh lễ nghĩa”, không ít nhà đốt vàng mã với số lượng nhiều, lớn như: hình nhân, voi, ngựa… và cả xe hơi, xe máy, nhà lầu, điện thoại, đô la… - những vật dụng đắt tiền của thời hiện đại. Bởi, không ít người tâm niệm, đốt càng nhiều, càng tiện nghi thì càng tốt, càng thể hiện được tấm lòng và những mong muốn dành cho người đã khuất…

Đốt vàng mã gây nên lãng phí tiền của, ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ…

 

Vậy là, những ngày đầu xuân này, từ các buổi tổ chức tân niên của các xóm làng, đến các buổi cúng đầu năm, cúng cầu an, cúng rằm… của các hộ gia đình…, không khó để bắt gặp hình ảnh vàng mã được đốt cháy rừng rực ở góc đường, trước cổng nhà, cạnh gốc cây… mà không hề có vật che chắn.

Đáng nói ở chỗ, nếu như phần lớn các hộ gia đình khi hóa vàng đều có sử dụng lư, lò hóa vàng, có che chắn thì ở các khu dân cư khi tổ chức tất niên, tân niên…  cứ thế mà đốt rừng rực ngay vỉa hè, lòng đường.

Không ít người khi thấy như vậy cũng cảm thấy lo lo. Vì thực tế trong cả nước đã xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn từ chuyện vàng mã này. Gần đây nhất là vụ cháy từ một cửa hàng vàng mã ở đền Mẫu Đồng Đăng (Lạng Sơn) mùng 5 tết khiến 10 gian hàng bán đồ lễ, vàng mã bị thiêu rụi. Rồi, trên địa bàn tỉnh dù chưa xảy ra vụ cháy lớn do đốt vàng mã nhưng thực tế cũng đã có những gia đình không khỏi hú hồn chỉ vì chút bất cẩn.

Anh P, ở phường Trường Chinh, TP Kon Tum kể rằng, gia đình anh suýt gặp họa lớn từ chuyện đốt vàng mã này. Dù gia đình đã mua lò thiếc nên khi hóa vàng khá yên tâm. Nhưng năm đó, vào dịp tết có gió lớn, vàng mã đang đốt bung bay ra ngay gần chiếc xe máy bị nhỉ xăng, vậy là lửa bám vào số xăng đó bùng lên, may mà có người đứng hóa vàng ngay đó thấy dập tắt kịp thời.

Chuyện dễ gặp họa từ hóa vàng như gia đình anh P có lẽ không phải là hiếm. Theo tỷ lệ thuận, khi đốt vàng mã càng nhiều thì đám lửa, khói bụi càng lớn và nguy cơ xảy ra hỏa hoạn càng tăng. Có người còn than phiền rằng, chỉ cần quanh xóm có gia đình đốt vàng mã thì nếu không để ý đóng chặt cửa nẻo, trong nhà sẽ có lớp bụi tro…

 Đã thế, số tiền dùng để mua vàng mã không phải là ít, đơn sơ cũng gần trăm nghìn đồng, cầu kỳ hơn có khi lên đến cả chục triệu đồng. Với những gia đình khấm khá, có điều kiện thì có lẽ cũng chỉ là như “muối bỏ bể”, còn với gia đình khó khăn thì mỗi lần mỗi ít, nhiều dịp như vậy, nhẩm lại cả năm cũng tiêu tốn số tiền khá lớn.

Tuyên truyền nâng cao nhận thức

Về vấn đề này, Nghị định 28/2017/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 158/2013/NĐ-CP xử phạt hành chính về văn hóa, thể thao, du lịch, quảng cáo ban hành ngày 20/3/2017 đã quy định cụ thể: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200 - 500 nghìn đồng đối với hành vi thắp hương hoặc đốt vàng mã không đúng quy định của Ban tổ chức lễ hội, Ban quản lý di tích. (Trước đây, Điều 18, Nghị định 75/2010/NĐ-CP quy định hành vi đốt vàng mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa, nơi công cộng khác sẽ bị phạt cảnh cáo hoặt phạt tiền từ 500 nghìn đồng - 1 triệu đồng).

Và mới đây, ngay đầu mùa lễ hội xuân này, Giáo hội Phật giáo Việt Nam ban hành Công văn 31 đề nghị loại bỏ đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam.

Những quy định này đang rất được nhiều người tán thành, ủng hộ. Vì như đã nêu, việc đốt vàng mã là phong tục xưa nay nhưng nếu như quá lạm dụng sẽ gây nên lãng phí tiền của, ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ…

Tuy nhiên, những quy định này có lẽ mới có tác dụng ở nơi đình chùa, lễ hội… và chưa vươn tầm ảnh hưởng đến khu dân cư. Bởi, thói quen luôn khó bỏ. Ai phạt, phạt ai vẫn là câu hỏi lớn. Đã thế, lại còn đụng chạm đến vấn đề tâm linh của mỗi người. Nói cách khác, đốt vàng mã với nhiều người như là một cách gửi gắm chút lòng thành với ông bà, tổ tiên. Nhưng, với quan điểm “trần sao âm vậy”, khi đã trở nên lạm dụng, đốt quá nhiều, đốt đủ thứ, đốt ở nhiều nơi, nhiều lúc… đã dần trở nên mê tín, mất đi ý nghĩa ban đầu của tục này.

Chủ tịch UBND một phường chia sẻ rằng, chỉ biết trông chờ vào ý thức của người dân chứ không thể nhắc nhở, xử phạt. Vì chưa có quy định xử phạt cụ thể, với lại chẳng thể đủ cán bộ để chờ người dân hóa vàng ở những nơi không đúng quy định mà phạt được.

Để chấn chỉnh, giúp cho hoạt động tâm linh nói chung và chuyện đốt vàng mã nói riêng đi vào nền nếp hơn có lẽ nên bắt đầu từ việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục. Một khi người dân có quan niệm đúng về hóa vàng thì nhất định sẽ biết cân nhắc để sao cho tiết kiệm, tránh được những rủi ro không đáng có.

Bình Toàn

Chuyên mục khác