Khó khăn trong xử lý tang vật ở các vụ án lâm nghiệp và ma túy

18/07/2023 06:06

Mới đây, tại Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa XII (nhiệm kỳ 2021-2026), các đại biểu đã chất vấn một số tồn tại trong việc xử lý tang vật một vụ án lâm nghiệp và ma túy trên địa bàn, Công an tỉnh có báo cáo giải trình cụ thể nêu những khó khăn, nguyên nhân và đề ra hướng giải pháp xử lý thời gian tới.

Theo báo cáo của Công an tỉnh, từ năm 2015 đến nay, cơ quan điều tra các cấp đã thụ lý, điều tra 132 vụ án liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp, thiệt hại hơn 6.737m3 gỗ các loại. Trong đó, số tang vật đã thu gom, bán đấu giá hơn 3.169m3 gỗ, số còn lại hơn 3.567m3 chưa được xử lý. Đến nay, có 44/132 vụ án đã được đưa ra xét xử, với tổng khối lượng tang vật hơn 1.421m3 gỗ các loại.

Theo Công an tỉnh, đối với số gỗ tang vật thuộc các vụ án đang trong giai đoạn điều tra, tạm đình chỉ, việc kéo, bảo quản gỗ chưa thể thực hiện được do khó khăn, vướng mắc về quy định của pháp luật. Theo quy định tại Bộ luật tố tục hình sự, số vật chứng trong các vụ án tạm đình chỉ và đang được điều tra chỉ được bán khi có căn cứ xác định vật chứng mau hỏng, khó bảo quản. Sau khi bán, số tiền thu được phải nộp toàn bộ vào tài khoản tạm giữ, không được trích trừ các chi phí hợp lý như, kéo gỗ, trông coi, bảo quản và thuê thẩm định giá.

 
Khó khăn trong việc xử lý gỗ tang vật của vụ án ở Đăk Tô. Ảnh: H.N

 

Trong khi đó, số tiền phải chi trả cho các hoạt động xử lý vật chứng là rất lớn, cơ quan điều tra không có kinh phí để thực hiện. Do đó, việc bán đấu giá vật chứng trong các vụ án tạm đình chỉ, các vụ án đang điều tra ít khi được thực hiện.

Đơn cử như đối với vụ việc xử lý gỗ vật chứng của vụ án: “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” xảy ra ngày 29/2/2020 tại khoảnh 3-Tiểu khu 227 (xã Đăk Rơ Nga, huyện Đăk Tô). Vụ án đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh) kết thúc điều tra, đề nghị truy tố và đã được TAND đưa ra xét xử sơ thẩm, phúc thẩm. Tuy nhiên, hơn 26m3 gỗ tang vật của vụ án chưa được xử lý, dẫn đến mối mọt, mục ruỗng.

Khi xảy ra vụ án, UBND tỉnh có văn bản giao Công an tỉnh tổ chức thực hiện việc thu gom, vận chuyển vật chứng vụ án. Cơ quan CSĐT đã tiến hành làm việc với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô và xây dựng phương án thu gom, báo cáo UBND tỉnh. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, xác định chi phí kéo gom là rất lớn, cao hơn giá trị của vật chứng thu được sau khi bán đấu giá, gây lãng phí ngân sách nhà nước, vì vậy, việc kéo gom là không khả thi và không hiệu quả.

Công an tỉnh đề xuất hướng xử lý, thời gian tới, tham mưu Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra đánh giá, xác định chất lượng gỗ tang vật tại hiện trường. Đồng thời, tiếp tục làm việc với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô để trao đổi, thống nhất việc kéo gom số gỗ tại hiện trường, bàn giao cho Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Đăk Tô.

Trường hợp chi phí kéo gom cao hơn giá trị vật chứng khi bán đấu giá, Công an tỉnh đề xuất UBND tỉnh bàn giao cho Chi cục THADS huyện Đăk Tô số gỗ tang vật tại hiện trường vụ án; hoặc giao cho đơn vị có nhu cầu sử dụng tự trang trải chi phí kéo gom và sử dụng; nếu không còn giá trị sử dụng thì tiêu hủy gỗ vật chứng trên.

Không những tang vật gỗ trong các vụ án lâm nghiệp, hiện hoá chất trong vụ án ma tuý lớn nhất tại Tây Nguyên cũng chưa được xử lý do vướng mắc nhiều vấn đề.

Cụ thể, tháng 9/2019, lực lượng Công an phá vụ án “Thái Tự Lục và đồng bọn sản xuất trái phép chất ma túy tại huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum”. Tang vật thu giữ 16 tấn hóa chất và thiết bị máy móc. Hiện, số vật chứng trên đang được lưu giữ tại kho vật chứng của Phòng Cảnh sát cơ động (Công an tỉnh). Tuy nhiên, do thời tiết nắng nóng, các bình đựng hóa chất rò rỉ, thấm xuống nền nhà gây hư hỏng chân móng, tường của kho vật chứng và kho chứa vũ khí của Công an tỉnh. Hóa chất chảy ra còn bốc mùi hôi, gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến sức khỏe cán bộ, chiến sĩ và nhân dân xung quanh, ảnh hưởng đến vệ sinh an toàn thực phẩm của bếp ăn tập thể đơn vị và tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy nổ, mất an toàn.

Công an tỉnh đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Cục THADS tỉnh khẩn trương di dời, xử lý toàn bộ 16 tấn hóa chất và thiết bị máy móc thu giữ.     

Hà Nam

Chuyên mục khác