14/10/2018 18:08
Tại khu vực bờ nam sông Đăk Bla đoạn qua thành phố Kon Tum, đoạn cuối bờ kè, cả một đoạn lan can dài đã bị phá hoại. Tất cả lan can, là sắt đúc bị đập phá. Theo đó, mỗi lan can cao khoảng 60cm, dài 3m đã bị phá, không còn sắt. Qua đo đếm, có tất cả 119 lan can bị lấy trộm.
Theo em A Bình, người sống quanh khu vực trên cho biết, thủ đoạn bọn trộm là dùng chân đạp lan canh gãy, dùng búa phá. “Em thấy một người già, hai người trẻ dùng chân đạp, lấy búa đập để lấy sắt. Họ làm đầu giờ chiều. Sắt lấy bỏ vào bao đưa đi bán đại lý tên bà Lý. Trong làng, mọi người nói người ta lấy sắt, đừng lại gần mấy người đó” - A Bình kể.
Trong khi đó, ông Trương Cảnh Vinh - Trưởng phòng Kế hoạch Kinh doanh, Công ty CP Môi trường đô thị Kon Tum, đơn vị quản lý công trình thừa nhận các lan can bị mất suốt thời gian qua. Ông Trương Cảnh Vinh cho biết: Đối tượng thực hiện trộm cắp phá hoại chủ yếu trẻ em, thiếu niên do điều kiện khó khăn, phá hoại tài sản để bán ve chai tăng thêm thu nhập. Thời gian trộm cắp chủ yếu ngoài giờ hành chính, ban đêm và các ngày cuối tuần.
|
Theo quan sát, vị trí phá hoại là điểm cuối của bờ kè, cạnh khu vực trồng mía của dân. Đây là khu vực ít người dân qua lại, việc phát hiện sớm, ngăn chặn tình trạng phá hoại rất khó khăn với lực lượng chức năng.
Không chỉ lấy lan can sắt, các đối tượng trộm cắp còn cạy các tấm đan đậy trên cống thoát nước bờ kè để phá lấy sắt. Cả 2 bên cống thoát nước, tấm đan bị lấy rất nhiều. Hiện trường còn lại rất ngổn ngang. Ngoài việc lấy, kẻ trộm còn đủ thời gian phá đan ngay trên lối đi bờ kè để lấy ruột (sắt).
Ở cuối bờ kè, các vị trí mất tấm đan đã cũ, cỏ mọc nhiều. Ở đầu tuyến, gần khu vực dân cư, hiện trường cho thấy việc trộm cắp vừa diễn ra. Bê tông phá từ tấm đan còn mới nhưng sắt không còn. Phóng viên không thể đếm hết số tấm đan đã mất, có nhiều đoạn, số nắp tấm đan mất chạy dài cả trăm mét.
Trước thực trạng trên, Công ty CP Môi trường đô thị Kon Tum vẫn chưa có giải pháp ngăn chặn triệt để vấn đề trên. Ông Phạm Văn Hải - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Kon Tum thừa nhận bờ kè bị phá rất nhiều. Phá thời gian dài. Công ty đã báo và phối hợp với lực lượng công an nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra thủ phạm.
Ông Phạm Văn Hải cho biết: Tài sản ngoài trời nên rất khó quản lý. Tôi mong các cơ quan thực thi pháp luật vào cuộc điều tra làm rõ để răn đe, giảm bớt tình trạng mất cắp. Việc mất cắp kéo theo hệ lụy, làm hình ảnh khu vực không đẹp. Việc trộm cắp khung sắt là hủy hại tài sản Nhà nước.
Cao Nguyên