Huyện Sa Thầy: Kịp thời giải quyết những vụ việc bức xúc, nổi cộm

17/07/2018 18:00

​Điều dễ nhận thấy trong công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo ở huyện Sa Thầy là tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, chuyển đơn thư vòng vo, vượt cấp đã được hạn chế, giảm được phiền hà cho người dân. Trong xử lý, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo bảo đảm kịp thời, đúng thời gian, tránh được tình trạng “ngâm đơn”, không có đơn thư tồn đọng kéo dài và khiếu kiện vượt cấp...

Điều ghi nhận ở huyện Sa Thầy là ngay khi Luật Tiếp công dân có hiệu lực thi hành (từ ngày 1/7/2014), UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến Luật và các văn bản liên quan trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Song song với việc thành lập Ban Tiếp công dân, phân công Phó Chánh Văn phòng HĐND-UBND huyện làm Trưởng Ban tiếp công dân, huyện Sa Thầy còn bố trí địa điểm làm trụ sở tiếp công dân thuận tiện cho việc đi lại của người dân. Nơi tiếp công dân được bài trí nghiêm túc, lịch sự, phân công cán bộ trực thường xuyên để mọi người dân được tiếp xúc, bày tỏ những tâm tư, nguyện vọng cũng như những phản ánh, bức xúc của mình.

Một buổi tiếp công dân tại huyện Sa Thầy. Ảnh: D.Đ.N

 

Ngoài những buổi tiếp công dân định kỳ hàng tuần, hàng tháng vào các ngày 5 và 19 hàng tháng, Chủ tịch UBND huyện cùng với đại diện Thường trực Huyện ủy, HĐND và các cơ quan có liên quan còn trực tiếp tổ chức tiếp công dân, đối thoại để trực tiếp giải quyết kịp thời những vụ việc phát sinh, nổi cộm hoặc là những vấn đề mà người dân bức xúc.

Qua các buổi đối thoại, trực tiếp tiếp công dân, người dân thấu đáo được vấn đề nên đã hạn chế đơn thư khiếu nại kéo dài, vượt cấp hay tạo thành những “điểm nóng”.

Chia sẻ với chúng tôi về công tác tiếp công dân trên địa bàn, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Ngọc Sâm cho biết: Kể từ khi thực hiện Luật Tiếp công dân, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân cơ bản được kiểm soát ổn định, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Mọi công dân khi đến trụ sở tiếp công dân đều được cán bộ tiếp đón, hướng dẫn chu đáo, tận tình. Những vụ việc mà người dân phản ánh có liên quan đều được hướng dẫn, giải thích cặn kẽ, cụ thể, đầy đủ. Nhờ đó, nhiều vụ việc, người dân đã tự nguyện rút đơn hoặc được hướng dẫn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Để công tác tiếp công dân ngày càng được chu đáo, trong năm 2018, huyện đã đầu tư kinh phí gần 1 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp trụ sở tiếp công dân.

Cũng theo ông Sâm, thời gian vừa qua, huyện Sa Thầy nảy sinh một số vụ việc liên quan đến các vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng, tranh chấp đất đai… Nhưng qua tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo huyện với người dân, qua tuyên truyền, vận động, giải thích pháp luật… đã tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, tránh nảy sinh những “điểm nóng” và đơn thư kéo dài, vượt cấp.

Qua tìm hiểu, chúng tôi còn được biết, đối với những vụ việc phức tạp, huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tìm ra cách giải quyết tốt nhất. Tuy nhiên vẫn còn một số ít người dân lợi dụng những thiếu sót của một số cán bộ chuyên môn trong thực hiện nhiệm vụ, nên vẫn cố tình gửi đơn thư kéo dài, vượt cấp phát sinh sau khi đã được huyện giải quyết. Trong thời gian tới, huyện sẽ có giải pháp giải quyết dứt điểm, thấu tình, đạt lý.

Song song với công tác tiếp công dân, công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân cũng được huyện hết sức quan tâm, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên.

Ông Nguyễn Ngọc Sâm cho hay: Ở lĩnh vực này, cách đây hơn hai năm, huyện Sa Thầy đã thành lập Tổ tư vấn giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo gồm Viện Kiểm sát, Tư pháp, Công an, Tòa án, Thi hành án dân sự, Mặt trận Tổ quốc, Thanh tra... để cùng tham gia, đóng góp ý kiến, giúp huyện giải quyết những đơn thư.

Đối với đơn thư kiến nghị người dân gửi về huyện, đều được chuyển cho tổ xử lý, phân định loại đơn đồng thời báo cáo huyện và đề xuất xử lý. Sau đó, huyện sẽ giao cho các cơ quan liên quan giải quyết, ấn định thời gian giải quyết và báo cáo huyện. Còn đơn thư khiếu nại, tố cáo được cơ quan Thanh tra giải quyết theo quy trình và có kết luận cụ thể theo quy định của pháp luật.

Điều dễ nhận thấy trong công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo ở huyện Sa Thầy là tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, chuyển đơn thư vòng vo, vượt cấp đã được hạn chế, giảm được phiền hà cho người dân. Trong xử lý, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo bảo đảm kịp thời, đúng thời gian, tránh được tình trạng “ngâm đơn”, không có đơn thư tồn đọng kéo dài và khiếu kiện vượt cấp.

 Tuy nhiên, trên địa bàn huyện Sa Thầy tình hình đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo vẫn còn phát sinh. Một số xã, thị trấn và các ngành chức năng của huyện chưa nâng cao nhận thức về công tác tiếp công dân, giải quyết vụ việc ngay từ cơ sở, nên phát sinh việc công dân gửi đơn về huyện. Bên cạnh đó, công tác hòa giải ở cơ sở tuy có tiến bộ nhưng vẫn chưa toàn diện, đồng bộ, phương pháp hòa giải chưa phong phú, chưa đáp ứng nhu cầu của người dân, nên phát sinh kiến nghị, khiếu nại…

Trong thời gian tới, huyện Sa Thầy tập trung rà soát giải quyết dứt điểm kịp thời, chất lượng các vụ việc, nhất là các vụ việc được coi là bức xúc, nổi cộm. Bên cạnh nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ tiếp công dân, huyện tiếp tục tăng cường đối thoại giữa chính quyền các cấp với các tổ chức, công dân nhằm đảm bảo sự đồng thuận trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; thường xuyên đôn đốc, nắm bắt thông tin về tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn để có giải pháp xử lý kịp thời. Qua đó giúp người dân hiểu, đồng thuận, tránh khiếu kiện không đúng, vượt cấp, kéo dài…

Dương Đức Nhuận

Chuyên mục khác