Hồi sinh những vùng đất chết

25/03/2016 07:56

Chúng tôi một lần may mắn được theo cán bộ, chiến sĩ Đại đội Công binh Bộ CHQS tỉnh trong đợt rà phá bom, mìn, vật liệu nổ trên địa bàn thành phố Kon Tum. Đây chỉ là một trong nhiều đợt dò tìm như thế. Những quả đạn đã bị rỉ sét qua thời gian, có thể phát nổ bất cứ lúc nào.

Có thâm niên gần 10 năm trong nghề rà phá bom mìn Thiếu uý Vũ Tiến Khánh – cán bộ rà phá bom mìn, vật liệu nổ Đại đội Công binh, Bộ CHQS tỉnh đang tỉ mỉ, cẩn trọng với công việc dò gỡ. Dù dạn dày kinh nghiệm nhưng với anh không một giây phút nào lơ là chủ quan, bởi chỉ cần một chút sơ suất thì hậu quả sẽ rất khó lường. Khánh cho biết: Dò tìm trên mặt đất thế này không ngại, sợ nhất là những loại bom khoan của Mỹ khi thả xuống không nổ, nó chui xuống đất cả hàng chục mét. Năm 2013, tôi cùng đồng đội xử lý một quả bom như thế tại tổ 2, phường Ngô Mây, thành phố Kon Tum, khi người dân đào giếng xuống độ sâu hơn 10m phát hiện báo cho đơn vị, anh em phải đào thêm một cái giếng ngay bên cạnh rồi dùng Pô lăng, kéo tời nhích quả bom lên từng tý một, sau hơn một tuần mới đưa được quả bom lên mặt đất đưa đi xử lý an toàn. Cái khó ở đây là vừa đào, vừa tránh không để giếng sập để giữ lại giếng cho gia đình; không gian dưới giếng hẹp, một lần xuống chỉ được một người nên rất khó xử lý...

Chiến sĩ Công binh Bộ CHQS tỉnh đang dò gỡ bom mìn trên địa bàn thành phố Kon Tum. Ảnh: Trung Kiên

 

Từ năm 2000 đến nay lực lượng Công binh Bộ CHQS tỉnh đã tiến hành rà phá bom mìn, vật nổ với diện tích hơn 1.600 ha. Trong đó có một số nơi như trung tâm huyện lỵ Kon Plông, đồi Sạc Ly (huyện Ngọc Hồi), sân bay Phượng Hoàng (huyện Đăk Tô) và từ năm 2009 đến nay đã tiến hành thu gom và hủy nổ hơn 13 tấn bom, đạn các loại như: bom 250LBS đến 1.000 LBS, bom bi, các loại mìn, đạn M79, lựu đạn, pháo cối, đầu đạn các loại rất nhạy nổ, hết sức nguy hiểm.

Những năm qua, theo điều tra sơ bộ thực tế trên địa bàn tỉnh, các tai nạn thương tâm do bom mìn, vật nổ gây ra chủ yếu là: Do nhân dân lao động cuốc rẫy để sản xuất, đi đào phế liệu sau chiến tranh, một số vụ trẻ em đi chăn trâu, bò nhặt được bom bi, đầu đạn M79 do không biết đã nghịch, gây nổ chết người. Những vụ việc như thế đã để lại nhiều hậu quả nặng nề cho gia đình và xã hội. Từ thực tế đó, năm 2011, Bộ CHQS tỉnh phối hợp cùng Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn, Bộ Tư lệnh Công binh tiến hành khảo sát, hoàn thành xong bản đồ ô nhiễm bom mìn, vật nổ trên địa bàn toàn tỉnh Kon Tum. Theo kết quả khảo sát tổng số diện tích bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ còn khoảng hơn 467.848ha.

Những vất vả, nhọc nhằn, nguy hiểm luôn rình rập đến tính mạng nhưng với người lính xử lý bom mìn, vật liệu nổ trong bất cứ tình huống nào, dù đó là bom đạn trên bờ hay dưới nước, bom còn nguyên kíp và thuốc nổ đến những hố chôn dày đặc các loại đạn pháo, những vùng đất ô nhiễm bởi hoá chất độc hại đều không làm các anh chùn bước. Niềm vui lớn nhất của các anh là khi những vùng đồi, những mảnh đất một thời dày đặc bom đạn, cùng những cái chết thương tâm được đẩy lùi, thay vào đó là những cánh rừng được phủ xanh bởi bạt ngàn cây trái.

Trung Kiên

Chuyên mục khác