Hành trình truy quét ổ nhóm tội phạm liên tỉnh

08/01/2024 18:10

Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao vừa phối hợp Phòng Cảnh sát Hình sự (Công an tỉnh Kon Tum) triệt phá nhóm đối tượng lừa đảo liên tỉnh bằng hình thức giả danh bác sĩ khám chữa bệnh và bán thuốc.

Qua công tác nắm tình hình trên không gian mạng, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao tiếp nhận thông tin về việc nhiều nạn nhân trên địa bàn tỉnh Kon Tum bị một nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đáng chú ý, có nạn nhân bị lừa đảo số tiền lên đến gần 1 tỉ đồng dưới hình thức gọi điện thoại mua bán thuốc đông y và tham gia các chương trình thăm khám sức khỏe miễn phí.

Xác định đây là thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản mới, cần phải tập trung đấu tranh ngăn chặn; ngay sau khi nhận được báo cáo, lãnh đạo Công an tỉnh đã chỉ đạo đơn vị tập trung triển khai các biện pháp nghiệp vụ để xác định tội phạm.

Các đối tượng có liên quan. Ảnh: Phòng An ninh mạng cung cấp

 

Sau hơn một tháng ròng rã kể từ khi tiếp nhận thông tin, các tổ trinh sát đã tỏa đi các tỉnh, thành phía Bắc, trong đó tập trung vào Nam Định, Hưng Yên, Hà Nội để thu thập thông tin về các đối tượng nghi vấn. Cụ thể hóa kết quả xác minh, tổ công tác đã nhanh chóng khoanh vùng, xác định thủ đoạn chiếm đoạt tài sản của nạn nhân, phác họa được sơ bộ chân dung một ổ nhóm tội phạm hoạt động chuyên nghiệp, móc nối với nhau trên phạm vi nhiều tỉnh thành, có phân chia vai trò rõ ràng, gồm một nhóm chuyên thu thập thông tin dữ liệu các bệnh nhân (con mồi tiềm năng của bọn chúng), một nhóm chuyên thực hiện việc quảng cáo các loại sản phẩm; số nhân viên còn lại là người trực tiếp gọi điện thoại lừa đảo.

Bên cạnh đó, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi phạm tội đều là những kẻ am hiểu về tin học, luôn tìm cách xóa các dấu vết, việc lần tìm ra manh mối không hề dễ dàng, vì thế áp lực công việc càng nặng nề hơn.

Thế nhưng, bằng các biện pháp nghiệp vụ, với quyết tâm không bỏ lọt tội phạm, từ những cái tên giao dịch ảo trên mạng, đơn vị đã từng bước xác định ra tên thật của các đối tượng lừa đảo. Lực lượng chức năng đã khoanh vùng nhóm đối tượng liên quan, nổi lên 7 đối tượng, gồm: N.V.G (sinh năm 2004),  N.V.T  (sinh năm 2002), D.V.T (sinh năm 2000), N.V.T (sinh năm 2000),  N.V.L (sinh năm 1993), đều có quê quán: Yên Nhân, Ý Yên, Nam Định; T.T.T (sinh năm 1994, quê quán: Lệ Xá, Tiên Lữ, Hưng Yên),  N.T.A (sinh năm 2000, quê quán: Tiến Dũng, Yên Dũng, Bắc Giang).

Các tang vật được thu giữ. Ảnh: Phòng An ninh mạng cung cấp

 

Ngày 26/12, tổ công tác do Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao chủ trì phối hợp với Công an các tỉnh Nam Định, thành phố Hà Nội và Hưng Yên triệu tập, đấu tranh với các đối tượng liên quan. Qua khám xét nơi ở, nơi làm việc của nhóm đối tượng, lực lượng chức năng đã thu giữ nhiều điện thoại di động các loại, máy tính xách tay, nhiều sổ ghi chép kịch bản lừa đảo và nhiều loại tang vật liên quan khác (như data dữ liệu các bệnh nhân; các sản phẩm mà nhóm đối tượng lừa bán).

Trước những chứng cứ, tài liệu mà cơ quan Công an thu thập được, nhóm đối tượng đã phải cúi đầu nhận tội. Tại cơ quan Công an, các đối tượng khai nhận đã thuê 03 căn hộ (tại Chung cư Ecopark, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên; VinHome Ocean Park, Gia Lâm, Hà Nội; Tòa nhà Nam Định Tower, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định) để làm nơi ăn ở cho nhân viên cũng như địa điểm thực hiện việc gọi điện lừa đảo chiếm đoạt tài sản của những người già cả, thường xuyên ốm đau, bệnh tật, nhẹ dạ, cả tin bằng hình thức mua bán thuốc đông y và tham gia các chương trình thăm khám sức khỏe không có thật.

Với vai trò là người cầm đầu, D.V.T đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng người; trong đó N.V.T là người quản lý tài khoản ngân hàng giả để nhận tiền lừa đảo; một số đối tượng thực hiện việc quảng cáo (marketing) các loại sản phẩm; số còn lại là người trực tiếp gọi điện thoại lừa đảo các bị hại như trường hợp của bà P (trú tại thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum).

Theo tường trình của bà P, các đối tượng đã gọi điện cho bà, tự xưng là nhân viên Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương. Đầu tiên người này hỏi tên, tuổi, địa chỉ và giới thiệu bà P mua thuốc điều trị xương khớp. Sau khi bà P mua 01 đơn thuốc với giá 1.500.000 đồng, đối tượng nói với bà P là Nhà nước có chính sách trợ cấp cho những người điều trị bệnh lâu năm mà không khỏi và yêu cầu bà P chuyển tiền để làm thủ tục như: phí hồ sơ, phí mua bảo hiểm, phí làm thủ tục để nhận sổ hộ nghèo.

Các đối tượng dụ dỗ: sau khi làm xong thì sẽ nhận lại được số tiền Nhà nước trợ cấp (theo như đối tượng nói với bà P là 800.000.000 đồng) và 80% số tiền đã chuyển nên bà P đã tin tưởng và chuyển tiền nhiều lần vào các số tài khoản do đối tượng cung cấp với tổng số tiền lên đến hàng tỉ đồng; thế nhưng sau đó bà P không liên lạc được với các đối tượng, không nhận được tiền trợ cấp, cũng không được hoàn lại số tiền.

Đáng chú ý, sau khi chiếm đoạt được tiền của các nạn nhân, đối tượng lừa đảo chuyển tiền qua nhiều tài khoản ngân hàng với tên chủ tài khoản khác nhau nhằm che giấu hành vi.

Căn cứ kết quả điều tra và các tài liệu chứng cứ thu thập được, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kon Tum đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khỏi tố bị can đối với các đối tượng có liên quan về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự; tiếp tục củng cố tài liệu, xử lý các đối tượng liên quan.

Cơ quan Công an cũng khuyến cáo người dân phải nâng cao ý thức cảnh giác là trên hết. Cần cảnh giác với những cuộc gọi lạ, người lạ tự xưng là cán bộ Nhà nước yêu cầu chuyển tiền hay hăm dọa; cảnh giác với việc tự dưng được thông báo trúng thưởng, được người quen trên mạng xã hội gửi tặng quà giá trị cao và yêu cầu chuyển tiền để nhận quà; tuyệt đối không cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng cho người khác.      

Nguyễn Ban

Chuyên mục khác