“Hám của rừng rưng rưng nước mắt”

14/03/2021 06:04

Vì hám lợi trước mắt, nhanh chóng muốn kiếm tiền mà các bị cáo đã tự đưa mình vào con đường tội lỗi. Cái giá phải trả khi “hám của rừng” là bản án 15 năm 6 tháng tù giam dành cho các bị cáo.

Thời gian qua, ngành Tòa án trong tỉnh kịp thời mở nhiều phiên tòa xét xử các vụ án vi phạm lâm luật, thể hiện được sự nghiêm minh của pháp luật đối với những hành vi phá rừng.

Qua theo dõi các phiên tòa, hầu hết các bị cáo đều có hành vi cố ý khai thác lâm sản trái phép, với mục đích nhanh chóng có tiền để tiêu xài. Nhưng có một vụ án, tuy rằng các bị cáo không trực tiếp tàn phá rừng, nhưng vì hám lợi trước mắt mà đã vi phạm các quy định về Luật Lâm nghiệp, cái giá phải trả là ngồi “bóc lịch” trong tù. Khi đó họ mới thật sự thấm thía câu nói của người xưa “hám của rừng rưng rưng nước mắt”.

Vào khoảng giữa tháng 2/2020, Phạm Ngọc Quang (sinh năm 1996)- cư trú tại làng Bi De, xã Ia Krái, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đến khoảnh 3, tiểu khu 279 thuộc lâm phần Lâm trường Đăk Tô quản lý, mua một cây gỗ phay (nhóm VI) đã bị cưa hạ trước đó của một đối tượng chưa xác định được nhân thân, lai lịch với giá tiền 20 triệu đồng. Sau đó, Quang tự mình dùng cưa cắt thành 5 lóng để vận chuyển về, nhưng vì không quen tay và không có người phụ giúp nên Quang chỉ xẻ được 1 hộp với khối lượng 1,568m3 (đã quy tròn) thì đi về tìm thuê người xẻ.

Các bị cáo trước phiên tòa. Ảnh: Đ.N

 

Trong các ngày 16, 18, 19/4/2020, Quang đã tìm thuê và cùng các bị cáo Chu Văn Hợp (sinh năm 1976)- cư trú tại xã Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai; Tô Văn An (sinh năm 1982)- trú tại xã Tơ Tung, huyện K’Bang, tỉnh Gia Lai; Đặng Vũ Tú (sinh năm 1971) - cư trú tại xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi; Nguyễn Văn Khường (sinh năm 1976)- cư trú tại xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi để tiến hành cưa xẻ và vận chuyển cây gỗ nói trên ra khỏi hiện trường, tìm người tiêu thụ.

Vào khoảng 22h ngày 19/4/2020, trong lúc các bị cáo đang tiến hành vận chuyển số gỗ khai thác trái phép nói trên ra khỏi hiện trường thì bị cơ quan chức năng của huyện Đăk Tô phát hiện, bắt giữ. Như vậy, tổng hai đợt từ giữa tháng 2/2020 và tháng 4/2020 số gỗ mà các bị cáo cưa xẻ và vận chuyển là 17,0598m3 gỗ phay nhóm VI (đã quy tròn) tại khoảnh 3, tiểu khu 279, thuộc địa giới hành chính xã Đăk Rơ Nga, huyện Đăk Tô.

Tại bản kết luận định giá tài sản ngày 12/6/2020 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện Đăk Tô xác định tổng giá trị số gỗ bị khai thác trái phép nói trên là 68.236.000 đồng.

Tại phiên tòa vào tháng 1/2021 vừa qua, các bị cáo đều nhận thấy được hành vi của mình là sai trái, là vi phạm pháp luật nên đã thành khẩn khai báo, tỏ rõ sự ăn năn hối lỗi và cũng mong muốn Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân huyện Đăk Tô xem xét, giảm nhẹ tội trạng để họ có cơ hội giáo dục, cải tạo.

Qua phân tích, hành vi của các bị cáo nói trên tuy không trực tiếp tàn phá rừng, nhưng hành vi của các bị cáo là lỗi cố ý xâm phạm đến các quy định của Nhà nước về công tác quản lý, bảo vệ rừng và lâm sản; xâm hại trái phép đến tài nguyên rừng.

Bản thân bị cáo Phạm Ngọc Quang đã có 1 tiền án về tội trộm cắp tài sản nhưng khi thi hành xong bản án vẫn không tìm cho mình một con đường làm ăn chân chính mà vẫn chọn con đường phi pháp, nên bản án 4 năm tù giam dành cho Quang là thích đáng. Những mong rằng Quang có đủ thời gian để giáo dục, cải tạo và hoàn lương trở về thành người có ích cho xã hội.

Các bị cáo khác như Chu Văn Hợp, Tô Văn An, Đặng Vũ Tú, Nguyễn Văn Khường là những người làm thuê, bất chấp các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng và lâm sản đã trợ giúp đắc lực để cùng với Quang cưa xẻ, vận chuyển số gỗ nói trên ra khỏi hiện trường. Bởi vậy, các bản án từ 2 năm đến 3 năm 6 tháng tù dành cho các bị cáo thể hiện được sự răn đe và giáo dục các bị cáo trở thành người có ích sau này.

Phiên tòa kết thúc, các bị cáo bị dẫn giải về trại giam, nhưng nhìn những giọt nước mắt của các bị cáo khi lầm lũi bước lên xe áp giải, tôi không khỏi nao lòng. Bởi một lẽ, vì hám lợi trước mắt, vì nhanh chóng muốn kiếm tiền mà các bị cáo đã phải trả cái giá quá đắt. Đúng thật vậy, người xưa nói không sai “hám của rừng rưng rưng nước mắt.”

ĐỨC NHUẬN

Chuyên mục khác