30/05/2017 17:19
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh (gọi tắt là Ban chỉ đạo 389 tỉnh), thời gian qua, tình hình buôn bán thuốc lá lậu diễn ra khá phức tạp và công tác đấu tranh, ngăn chặn buôn lậu thuốc lá trên địa bàn tỉnh vẫn còn không ít gian nan.
Thuốc lá ngoại nhập lậu đưa vào thị trường tỉnh bằng nhiều con đường. Các đối tượng thường dùng nhiều phương tiện khác nhau như xe tải, xe khách, xe máy... để vận chuyển thuốc lá qua các tuyến quốc lộ 14, 24 rồi đưa vào thị trường trong tỉnh để tiêu thụ. Các loại thuốc nhập lậu chủ yếu là Jet, Hero, Esse...
Nguyên nhân là do lợi nhuận từ buôn bán thuốc lá lậu rất cao nên nhiều đối tượng buôn lậu không ngừng tìm cách, thay đổi chiêu thức tinh vi như: chia nhỏ, xé lẻ, cất giấu hàng trong cabin, mui, gầm xe hoặc trà trộn với các hàng hóa khác rồi gửi qua các phương tiện vận tải hành khách theo hình thức gửi hàng.
|
Thuốc lá lại khá dễ vận chuyển, để tránh bị khởi tố khi các cơ quan chức năng phát hiện ra, các đối tượng vi phạm thường chia nhỏ gói hàng dưới 500 bao một lần vận chuyển, buôn bán; trên kiện hàng không ghi rõ địa chỉ rõ ràng mà chỉ ghi mỗi số điện thoại nên rất khó xác định chủ hàng khi bị bắt giữ…
Các đối tượng buôn bán thuốc lá lậu còn rất chú ý nắm bắt thời gian làm việc của cơ quan chức năng để tìm cách né tránh. Đồng thời, các chủ kinh doanh thường cất giữ, phân tán hàng tại nhiều địa điểm khác nhau, trong khi đó nguồn tin cung cấp việc vận chuyển, buôn bán thuốc lá lậu không nhiều nên việc nắm bắt đối tượng đầu nậu còn nhiều hạn chế, khó khăn, ảnh hưởng đến hiệu quả trong công tác đấu tranh, phòng ngừa.
Ông Lê Tuấn – Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: Một phần vì gian thương hám lợi, phần khác do thói quen, nhu cầu tiêu dùng của một bộ phận khách hàng trên thị trường vẫn còn khá cao nên gian thương đã cố tình tuồn hàng về mà bất chấp vi phạm pháp luật. Nhiều hộ, cơ sở kinh doanh, bán lẻ dù đã biết rõ luật nhưng cũng vẫn cố tình vi phạm. Ở Kon Tum hiện nay, thuốc lá nhập lậu không còn bày bán công khai như trước mà các đối tượng chủ yếu bán lén lút trong các nhà hàng, quán ăn, khách sạn, quán cà phê, cửa hàng tạp hoá... Các cơ sở này thường cất giấu hàng rất kỹ, chỉ khi khách hàng có yêu cầu thì họ mới mang ra bán với số lượng chỉ từ một vài bao đến vài chục cây thuốc. Muốn phát hiện được các hành vi vi phạm đòi hỏi các cán bộ quản lý thị trường phải trinh sát, theo dõi nhiều thời gian, song vì lực lượng mỏng lại quản lý nhiều vấn đề của thị trường nên không thể kiểm soát nổi. Chính vì vậy, kết quả công tác đấu tranh chống buôn lậu còn rất khiêm tốn.
Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng mới chỉ phát hiện, xử lý được 19 vụ buôn bán thuốc lá ngoại nhập lậu; xử phạt vi phạm hành chính 19 vụ với tổng số tiền 31 triệu đồng; tịch thu để tiêu hủy 429 bao thuốc lá ngoại nhập lậu các loại với tổng trị giá hàng hoá vi phạm ước tính gần 10 triệu đồng. Con số này quả thực khác xa so với tình hình thực tế.
Để đấu tranh với các hành vi buôn bán thuốc lá lậu, đưa thị trường thuốc lá từng bước đi vào trật tự là một việc khó đòi hỏi sự vào cuộc của nhiều cấp, nhiều ngành và cả người tiêu dùng. Cùng với trách nhiệm, sự cương quyết trong quản lý thị trường của ngành chức năng thì việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người kinh doanh chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước cũng là một việc làm cần được chú trọng. Bên cạnh đó, mỗi người tiêu dùng cũng cần nâng cao nhận thức để không tiếp tay cho thuốc lá lậu...
Thiên Hương