Gian nan “cuộc chiến” giữ rừng trắc

12/08/2016 17:11

Rừng đặc dụng Đăk Uy nằm trên địa bàn huyện Đăk Hà được xem là quý hiếm nhất trên cả nước với nhiều cây gỗ trắc to lớn. Khu rừng này đã và đang là mục tiêu “tấn công” của lâm tặc, vì vậy “cuộc chiến” bảo vệ khu rừng trắc này càng trở nên gian nan, vất vả...

Khu rừng đặc dụng Đăk Uy chỉ nằm cách trung tâm thị trấn Đăk Hà (huyện Đăk Hà) khoảng vài ki lô mét. Khu rừng này có diện tích 546ha nằm sát tuyến đường Hồ Chí Minh trên địa bàn hai xã Đăk Mar và Đăk Hring của huyện Đăk Hà.

Trước đây tại khu rừng này, hàng ngày luôn nóng tình trạng lâm tặc săn lùng triệt hạ những cây gỗ trắc quý hiếm. Thậm chí, có thời điểm nóng nhất, tỉnh ta phải yêu cầu Huyện đội, Công an huyện Đăk Hà cử lực lượng dựng lán và thường xuyên tuần tra trong rừng ngăn lâm tặc.

Để bảo vệ rừng trắc này, từ năm 2014, Ban Quản lý rừng đặc dụng Đăk Uy bắt đầu triển khai biện pháp bảo vệ rừng khá lạ, bằng cách kéo dây, mắc bóng điện ra tận từng gốc trắc để bảo vệ.

“Rừng trắc biết bao nhiêu cây làm sao mắc đèn điện cho hết?” – tôi thắc mắc.

Ông Nay Y Riu - Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng Đăk Uy nói: Thắp sáng được cây nào hay cây đó. Ở trong vùng lõi, sâu hơn không có bóng đèn, điện không tới thì kiểm lâm phải thường xuyên tuần tra mà canh giữ. Không có ở nơi nào mà kiểm lâm phải thắp bóng đèn dưới gốc cây để bảo vệ cây như ở Đăk Uy. Nói như thế để thấy mức độ nóng, áp lực lớn thế nào ở đây.

Để thực mục sở thị, một đêm cuối tháng 7, chúng tôi tìm đến cánh rừng trắc này và được chứng kiến cảnh những chiếc bóng điện lấp lánh trên những cành cây ngay giữa rừng. Những cây có bóng điện treo chính là những cây gỗ trắc quý hiếm còn lại trong khu rừng này. Giữa rừng sâu ẩm ướt, lực lượng kiểm lâm phải túc trực 24/24h trong những ngôi lán được dựng tạm bợ bằng tôn để canh chừng lâm tặc.

Tại lán trại số 1, chúng tôi thấy một cán bộ kiểm lâm ngồi trong lán luôn để ánh mắt về khu vực cây có bóng đèn. Ở khu vực này có 3/13 cây trắc khá to được treo đèn lủng lẳng. Theo lời những người đang canh giữ tại đây, để giữ những cây gỗ trắc quý hiếm còn sót lại, nhất là những cây nằm ở vị trí “nhạy cảm”, cây to lớn, hoặc là gần đường điện đều được bố trí một bóng điện thắp sáng dưới gốc. Còn cán bộ kiểm lâm phải mắc võng, ăn ngủ giữa rừng 24/24h để canh giữ.

Thắp đèn bảo vệ rừng trắc. Ảnh: Phúc Nguyên

 

Tâm sự với chúng tôi, kiểm lâm viên Lê Khắc Tùng - phụ trách lán 1 giãi bày: Chúng tôi ở đây ban đêm gần như không ngủ, chỉ có thể tranh thủ chợp mắt được ít tiếng vào ban ngày, vì vậy, chúng tôi thèm nhất là được ngủ. Rừng trắc nằm sát quốc lộ, ở vị trí trống rỗng bốn bề nên bất cứ giờ nào lâm tặc cũng có thể lẻn vào để cưa cây mà không phát ra một tiếng động nào. Công việc của chúng tôi khá vất, ít có thời gian cho gia đình. Dù nhà ở ngay thị trấn Đăk Hà nhưng cũng ít có thời gian về thăm nhà. Lương thấp nhưng trách nhiệm thì nặng nề, hơn nữa lại nguy hiểm đến tính mạng bởi sự hung hãn, đe dọa của lâm tặc. Vì thế, cũng có một số người chịu áp lực không nổi đã xin nghỉ việc.

Tiếp tục đi sâu vào trong rừng, chúng tôi đến lán trại số 4 thuộc khu vực quản lý của kiểm lâm Phan Nhật Bắc. Theo anh Bắc, khu vực này có 11 cây gỗ trắc nhưng cũng chỉ 1- 2 cây có thể treo bóng điện, số còn lại do xa nên chưa thể kéo được. Kiểm lâm Bắc tâm sự: Những cây gỗ ở xa bóng điện chúng tôi phải thường xuyên dùng đèn pin đi tuần tra để bảo vệ. Chúng tôi gần như phải thức trắng đêm không chỉ để bảo vệ những cây gỗ trắc quý hiếm mà bảo vệ cả những loại cây khác trong khu vực quản lý. Công việc rất vất vả nhưng mỗi chúng tôi đều cố gắng hết mình...

“Để bảo vệ rừng trắc và dễ phát hiện lâm tặc, hầu như mỗi lán trại chúng tôi đều nuôi chó nhưng hầu hết chó đều bị chúng bắt hoặc đánh bả chết. Từ trước đến nay, đã có hàng chục con chó chúng tôi nuôi để cùng canh giữ rừng bị lâm tặc bắt và đánh bả”- kiểm lâm Hải ở lán trại số 3 cho biết thêm.

Xây tường rào bảo vệ rừng trắc. Ảnh: Phúc Nguyên

 

Mặc dù đã có nhiều biện pháp, giải pháp, kể cả việc thắp đèn canh rừng, nhưng việc bảo vệ những cây trắc còn lại trong khu rừng đặc dụng Đăk Uy vẫn khá gian nan. Thỉnh thoảng, tại khu rừng này vẫn xảy ra những trường hợp lâm tặc lẻn vào rừng chặt gỗ trắc, thậm chí chúng còn tấn công cả lực lượng bảo vệ.

Bản thân ông Nay Y Riu – Giám đốc Ban quản lý rừng phòng đặc dụng Đăk Uy cũng bị lâm tặc tấn công, một phần ngón tay trỏ của ông đã nằm lại giữa rừng gỗ trắc trong một lần ông vây bắt lâm tặc hồi trung tuần tháng 4 năm nay.

Để bảo vệ khu rừng trắc quý hiếm này, hiện tại tỉnh đang đầu tư 27 tỉ đồng xây dựng tường ngăn bê tông kết hợp kẽm gai bao quanh khu rừng; tuy nhiên dự báo công tác này sẽ còn không ít gian nan, vất vả. Chỉ có sự chung sức, chung lòng của các cấp chính quyền và tinh thần trách nhiệm cao hơn nữa của lực lượng chức năng, thì khu rừng trắc có một không hai trong cả nước này mới được bảo vệ chu toàn.

Phúc Nguyên

Chuyên mục khác