Giả danh công an lừa đảo qua điện thoại

13/09/2021 05:47

Hiện nay, tình trạng gọi điện thoại nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản ngày càng phổ biến. Trong đó, thủ đoạn sử dụng điện thoại tự xưng là người trong ngành Công an để đe dọa những người dân có tâm lý yếu, nhẹ dạ cả tin, sau đó “dắt mũi” họ chuyển tiền vào tài khoản rồi chiếm đoạt không mới, nhưng mới đây một người phụ nữ ngụ tại huyện Sa Thầy đã bị lừa gần 300 triệu đồng.

Theo thông tin từ Công an huyện Sa Thầy, ngày 23/8, bà N.T.L (59 tuổi, trú tại huyện Sa Thầy) nhận được cuộc gọi từ một số điện thoại lạ với đầu số 808. Khi nghe máy, bà L được đầu dây bên kia thông báo bà có liên quan đến một vụ vi phạm an toàn giao thông và yêu cầu nhấn phím 9 để được thông tin cụ thể vụ việc.

Làm theo hướng dẫn, bà L được kết nối với một người đàn ông tự xưng là Trung úy Nguyễn Thành Nam, Công an thành phố Hà Nội. Người này thông báo rằng, Công an thành phố Hà Nội đang điều tra bà L vì có liên quan đến 1 vụ tai nạn giao thông gây chết người trên địa bàn thành phố Hà Nội rồi bỏ trốn.

Bà L liên tục phủ nhận sự việc vì nhiều tháng nay không ra khỏi địa phương do tình hình dịch bệnh nhưng “Trung úy” Nam cho biết sẽ báo cáo sự việc lên lãnh đạo. Ngay sau đó, 1 số điện thoại khác gọi tới cho bà L và tự xưng là Đại tá Hoàng – Trưởng ban chuyên án điều tra. Người này nói đã xem hồ sơ của bà L, sau đó tiếp tục khai thác thêm các thông tin về tài sản, số thẻ căn cước công dân, số tài khoản ngân hàng của bà L. Khi đã có đủ thông tin thì người này cúp máy.

Các đối tượng giả danh là cán bộ trong ngành Công an để lừa đảo, chiếm đoạn tài sản. Ảnh: V.T

 

Sau đó ít phút, vị đại tá tự xưng tiếp tục gọi điện lại cho bà L. Người này cho biết đang điều tra về việc bà L liên quan đến vụ buôn bán ma túy có số tiền gần 7 tỷ đồng. Bà L tiếp tục phủ nhận các cáo buộc trên. Sau đó người này cho biết nếu bà L muốn chứng minh mình trong sạch thì phải gửi tất cả số tiền đang sở hữu vào số tài khoản của vị “đại tá” kia để tạm giữ, sau này điều tra xong sẽ hoàn trả lại. Đồng thời, người này cũng cho biết vì vụ việc đang trong quá trình điều tra nên yêu cầu bà L phải tuyệt đối giữ bí mật ngay cả với chồng, con và gia đình. Ngoài ra để uy hiếp bà L, vị “đại tá” này còn gửi ảnh quyết định tạm giam có đóng dấu đỏ, ghi tên bà L cùng địa chỉ tạm trú qua mạng xã hội Zalo. Với lý do để đảm bảo bí mật chuyên án, người này yêu cầu bà L sau khi đọc xong thì phải xóa ngay hình ảnh trên.

Vì quá lo lắng và muốn minh oan cho mình, bà L liền bán vàng, rút tiền trong thẻ tiết kiệm rồi gửi vào 2 số tài khoản của vị đại tá tự xưng. Bà L đã 5 lần gửi vào 2 số tài khoản trên với tổng số tiền lên đến 292 triệu đồng. Sau khi đã chuyển hết số tiền đang có, bà L liên hệ lại với các số điện thoại trên thì không thể liên lạc được.

Biết mình đã bị lừa, bà L liền đến cơ quan công an trình báo. Ngay sau đó cơ quan Công an huyện Sa Thầy liền đưa bà L đến ngân hàng làm các thủ tục phong tỏa 2 tài khoản ngân hàng của đối tượng lừa đảo. Tuy nhiên các đối tượng lừa đảo đã kịp thời chuyển toàn bộ số tiền trên vào 5 tài khoản khác nhau gây khó khăn cho việc điều tra.

Trung tá Phan Tiến Dũng - Trưởng Công an huyện Sa Thầy cho biết: Hiện đơn vị đang tích cực điều tra vụ án lừa đảo trên. Đây là thủ đoạn lừa đảo không mới, nhưng nhiều người nhẹ dạ cả tin vẫn mắc phải. Thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với nhiều cơ quan để thông tin, tuyên truyền để người dân cảnh giác trước những thủ đoạn lừa đảo trên. Ngoài ra, người dân cần nâng cao cảnh giác, không nhẹ dạ cả tin để mắc bẫy của những kẻ lừa đảo.

Trước tình trạng trên, Công an huyện Sa Thầy khuyến cáo người dân không nên để lại thông tin cá nhân, số điện thoại, số căn cước công dân trên mạng xã hội, nhất là khi mua hàng online, tuyệt đối không cung cấp quá nhiều thông tin cá nhân cho người lạ. Khi nhận được những cuộc gọi từ các số điện thoại lạ yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, cáo buộc liên quan đến các vụ án thì cần nhanh chóng trình báo cơ quan công an nơi gần nhất để được hướng dẫn cách xử lý.

Thanh Tùng

Chuyên mục khác