Gánh nợ vì tin con

29/08/2016 13:57

Mấy hôm nay, kể từ ngày nhận được giấy báo nợ 4 tỉ đồng từ ngân hàng, vợ chồng bà H, ông P ở phường Thống Nhất (TP Kon Tum) suy sụp, rầu rĩ, ngất lên ngất xuống.

Không thất thần, không sốc sao được khi đang yên đang lành, ngôi nhà 3 tầng ở mặt đường Nguyễn Trãi của ông bà sắp bị ngân hàng đến siết nợ. Bà H đau khổ nói trong tiếng nấc: Chết đi sống lại tôi cũng không thể tin con gái đã mang sổ đỏ của vợ chồng tôi đi vay số tiền lớn như thế và để xảy ra cơ sự như thế này.

Ông P, bà H có với nhau 6 mặt con (4 trai, 2 gái). Ngoại trừ một người con bị bệnh tật thì 5 người còn lại đều có công ăn việc làm ổn định. Cách đây một vài năm, người con gái thứ 4 của ông bà (khi ấy đang là giáo viên của một trường trên phường Trường Chinh) ngỏ ý muốn mượn sổ đỏ của ông bà đi vay ngân hàng để… làm ăn. Nghĩ con có ăn có học sẽ biết tính toán đàng hoàng nên ông bà chỉ hỏi qua loa về dự định của con. Nghe con nói làm ăn chính đáng, dù không biết rõ là làm việc gì, song hai ông bà yên tâm đưa sổ đỏ và cùng đi đến phường chứng thực.

“Hồi đó con gái bảo vợ chồng tôi đến UBND phường kí vào giấy để làm thủ tục vay 200 triệu đồng. Tin con nên vợ chồng tôi kí vào giấy chứ mắt mũi kèm nhèm có thấy gì đâu. Mãi sau này không thấy con đưa sổ đỏ về, vợ chồng tôi cũng có hỏi nhưng nó cứ lơ đi. Giờ mới hay giấy tờ sổ đỏ của vợ chồng tôi đã bị sang tên cho nó từ bao giờ. Và nó đã vay với số tiền hơn 4 tỉ đồng rồi” – bà H nhòe mắt, kể lại sự tình.

Giấy báo nợ, báo lãi đã đưa đến, bà H xỉu ngay lúc đó còn ông P chỉ chực đập đầu vào tường. Mọi người can ngăn, động viên mãi, ông bà mới lấy lại bình tĩnh. Theo giấy tờ đến tháng 2/2017 sẽ hết hạn trả tiền gốc lẫn lãi. Ông đã 84 tuổi, bà cũng đã 70 tuổi, biết phải làm gì ra số tiền lớn như vậy để trả? “Gia đình tôi bàng hoàng, đau đớn lắm cô ơi! Chúng tôi phải khăn gói, tìm một chỗ nào đó để ở tạm, chứ nay mai ngân hàng lấy nhà rồi, chúng tôi biết phải làm sao?” – bà H đấm thùm thụp vào ngực mình.

Câu chuyện xảy ra đâu chỉ khiến gia đình bà H bàng hoàng mà còn làm xôn xao cả xóm nhỏ. Ai biết chuyện đều đến động viên, khuyên nhủ ông bà giữ bình tĩnh để vượt qua. Những người con còn lại thì trách ông bà tại sao không bàn bạc với các thành viên trong gia đình trước khi đưa sổ đỏ cho em, cho chị? Sao lại tin tưởng, im lặng đi kí vào giấy tờ mà không biết rõ nội dung là gì? Vì sao ông bà không tìm hiểu rõ ngọn ngành công việc con mình làm đã tin tưởng giao cả gia tài cho con?... Ngẫm đi ngẫm lại, vừa thông cảm, vừa thương gia đình bà H nhưng cũng vừa giận, vừa trách.

Điều đáng buồn hơn là trước đây bà H đã từng biết một trường hợp tương tự - người cháu họ hàng của ông bà đã mượn sổ đỏ của bố mẹ đi vay ngân hàng và cũng để bố mẹ phải gánh số nợ lên đến 17-18 tỉ đồng. Quá sốc trước sự việc xảy ra, người bố đã mất ngay sau đó. Tại sao đã biết, đã thấy vết xe đổ như vậy mà ông P, bà H vẫn “giẫm” vào? Ông bố, bà mẹ nào chẳng tin con, ai chẳng mong muốn con mình có thể làm ăn khấm khá, kinh tế gia đình bền vững. Nhưng, niềm tin phải có cơ sở, và ít ra, trước một việc lớn, bà H phải bàn bạc với tất cả các thành viên trong gia đình.

Trách bà H một phần nhưng trách người con của bà H đến trăm phần. Dù biết công việc làm ăn có thể thua lỗ, nhưng không thể dựa vào niềm tin của bố mẹ để lừa lọc chính người đã sinh thành ra mình. Liệu người con ấy có biết rằng, chỉ vì sự lừa lọc của mình mà khiến ba mẹ trở nên bất hạnh, không thể an phận khi về già?

Một đời chắt chiu dành dụm xây được căn nhà, ấy vậy mà giờ đây, khi ở tuổi xế chiều, ông H, bà P phải đi tìm một căn chòi, một chỗ ở tạm bợ nào đó để ở trong suốt quãng đời còn lại. Và có riêng gì ông P, bà H, nhiều trường hợp khác, cũng vì tin tưởng, giao toàn bộ của cải, tài sản và thậm chí là sổ hưu, sổ tiết kiệm cho con, để rồi đổi lại một cái kết không có hậu là bố mẹ chết tức tưởi vì biết con lừa lọc mình.

Tôi viết ra câu chuyện này, một phần là sự chia sẻ, cảm thông đối với gia đình bà H nhưng một phần cũng là lời cảnh tỉnh với những gia đình khác. Bố mẹ ai chẳng tin tưởng vào con cái nhưng tin tưởng để động viên các con làm ăn, giúp đỡ một phần lúc các con khốn khó chứ không phải tin tưởng để rồi giao tất cả tài sản, của cải của mình cho con.

Để tránh được những bi kịch trên, dù tin con, song bản thân các bậc cha mẹ phải giữ cho mình những điều kiện để sống độc lập, không phụ thuộc vào con, bởi “Một mẹ có thể nuôi được mười con, nhưng mười con chưa chắc đã nuôi nổi một mẹ”.

Câu chuyện tôi nói ra không phải để các bậc bố mẹ không được tin, đề phòng con cái hoặc không có một chút niềm tin nào vào cuộc sống mà chỉ nhắc mọi người cần hết sức cẩn trọng, đặc biệt là quan hệ mua, bán, trao đổi bằng tiền bạc, của cải... để tránh gánh lấy những bi kịch sai lầm, bi kịch của niềm tin.  

B.A

Chuyên mục khác