13/05/2017 14:27
Dù đã được một số người dân thôn Kon Klor (phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum) miêu tả trước, nhưng khi theo chân Bí thư chi bộ thôn A Brưk ra hiện trường, tôi vẫn hoài nghi có phải mình đi nhầm đường đến công trình đập thủy lợi (hoặc thủy điện) nào đó hay không.
Bởi, trước mắt tôi là một con đập lớn vươn gần hết chiều ngang sông Đăk Bla, được đắp bằng đá, sỏi, cát; vài nơi xung yếu còn có đóng cọc gỗ. Nhìn bằng mắt thường cũng thấy mặt đập được lu lèn kỹ, hằn đầy vết bánh xe tải cỡ lớn. Phía trên đập khoảng 200m là công trường khai thác cát của Công ty TNHH MTV Xuân Tài với 2 thuyền hút cát, 2 máy xúc đang miệt mài hoạt động.
|
Cùng chúng tôi đi hết con đập “hoành tráng”, bà K’Dân H’Je (một người dân thôn Kon Klor) cho biết: Sông Đăk Bla chảy đến địa phận thôn Kon Klor thì bị chia thành 2 nhánh do một bãi bồi khá lớn ở giữa sông. Bao đời nay, người dân trong thôn vượt sông trồng rau, bắp, mỳ trên bãi bồi. Nhưng từ khi Công ty TNHH MTV Xuân Tài được cấp phép khai thác cát tại khu vực này thì mọi chuyện dần thay đổi. Công ty này đã đắp đập chặn một nhánh sông, dồn dòng chảy của sông Đăk Bla về nhánh sông phía bên trái.
Trong khi phía trên đập, nước sông Đăk Bla dâng lên như một hồ chứa thủy lợi thì phía dưới đập, nhánh sông từng là dòng chảy chính đã cạn trơ đáy, bị đào bới nham nhở, dài hàng trăm mét, không khác gì những cái ao tù.
Bà K’Dân H’Je xót xa: Bị con đập chặn nước rồi, nhánh sông này thành sông chết mất thôi. Đất bãi bồi bị đào bới thế kia thì bà con trồng trọt sao được. Hơn nữa, do dòng chảy dồn về một phía nên nguy cơ sạt lở đất rất cao. Bà con đang lo lắng mai mốt mưa lớn, nước lũ về sẽ cuốn trôi hết đất canh tác dọc bờ sông phía xã Đăk Rơ Wa.
Theo biên bản kiểm tra hiện trường ngày 11/5 của Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường, chiều dài con đập là 84 m, rộng khoảng 5m, cao khoảng 2m, diện tích chiếm đất khoảng 420m2; khu vực bị đào bới có dấu hiệu khai thác cát, sỏi có diện tích 7.015m2; khối lượng cát, sỏi đã khai thác là 3.630m3.
Đặc biệt, vị trí Công ty TNHH MTV Xuân Tài đào đắp cũng như làm đập chặn dòng nằm cách mốc giới khu vực doanh nghiệp được UBND tỉnh cấp Giấy phép khai thác khoáng sản (số 119/GP-UBND ngày 16/3/2015) là 241m. Theo nhận định của ông Trần Công Hậu- Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường đây là sai phạm nghiêm trọng.
Từ quy mô của con đập, cũng như hiện trạng bị tàn phá bừa bãi trên nhánh sông có thể thấy việc đào đắp phải được thực hiện trong một thời gian dài, công khai, rầm rộ với nhiều máy móc hiện đại chứ không phải lén lút làm trong ngày một ngày hai. Nhưng điều khiến dư luận khó hiểu là vì sao việc đào đắp đập trái phép công khai, kéo dài như vậy mà chính quyền phường Thắng Lợi lại không có động thái ngăn chặn.
Trong khi ông Vũ Xuân Mạnh - cán bộ địa chính phường Thắng Lợi cho rằng “khi sự việc xảy ra, chính quyền không nắm được” thì ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch UBND phường Thắng Lợi cũng thừa nhận mới nắm được vụ việc sau đợt giám sát của HĐND thành phố Kon Tum. Và sau khi nắm được thông tin, UBND phường đã chỉ đạo cán bộ địa chính kiểm tra, yêu cầu doanh nghiệp phá dỡ đập, khơi thông dòng chảy, san lấp hố đào, hoàn trả lại hiện trạng ban đầu.
Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Xuân Tài - Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuân Tài thừa nhận việc đào đắp đập nắn dòng chảy là sai luật, nhưng biện minh rằng, do mùa này nước cạn, ông phải đắp đập chặn dòng để tích nước mới có thể hút cát, việc đắp đập cũng không gây sạt lở bờ sông.
“Trước khi đào đắp đập, tôi đã thỏa thuận với bà con làng Kon Klor và bà con đồng ý bởi đây cũng là làm đường cho bà con qua bãi bồi canh tác thuận lợi. Hơn nữa, cát sỏi đào được, tôi không bán mà dùng cho việc đắp đập, hàng nghìn mét khối chứ không ít đâu”- ông Tài nói.
Nhìn cả khúc sông bị đào bới nham nhở, hằn sâu vệt bánh xe, nhìn mấy chục đống cát sỏi cao như những quả đồi lừng lững đứng ven sông, liệu có ai tin con đập này được đắp để phục vụ người dân đi sản xuất ngoài bãi bồi. Nếu như ông Tài nói, doanh nghiệp không hề lấy cát sỏi dưới nhánh sông cạn kia, chỉ phục vụ đắp đường cho dân đi thì những “quả đồi” kia ở đâu ra? Càng không thể lý giải là do doanh nghiệp khai thác ở khu vực được cấp phép, bởi doanh nghiệp chỉ khai thác bằng hình thức bơm hút.
|
Theo thông tin mà chúng tôi thu thập được, loại cát sỏi đào lên từ lòng sông này thường được dùng để san lấp mặt bằng, đổ nền công trình xây dựng, được bán với giá 100.000-120.000 đồng/m3. Không ai có thể biết được trong thời gian qua, với cách làm bất chấp pháp luật ấy, doanh nghiệp này đã bỏ túi bao nhiêu tiền từ bán cát sỏi khai thác trái phép.
Sáng 12/5, ông Phạm Đức Hạnh- Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đã trực tiếp đi kiểm tra hiện trường và cũng bất ngờ trước độ “hoành tráng” của con đập. “Đây rõ ràng là hành vi vi phạm nghiêm trọng, cho thấy vì lợi ích của doanh nghiệp mà bất chấp pháp luật”- ông Hạnh bức xúc.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về hình thức xử lý những sai phạm trên, ông Phạm Đức Hạnh cho hay, cơ quan chức năng sẽ xem xét kỹ mức độ vi phạm cũng như các quy định của luật pháp, từ đó tham mưu UBND tỉnh có hướng xử lý nghiêm và đúng luật. Nhưng chắc chắn rằng, với mức độ sai phạm của doanh nghiệp, sẽ không dừng lại ở hình thức phạt hành chính được.
Bài và ảnh: Hồng Lam