Đồ chơi trẻ em bạo lực: Vẫn lén lút bày bán trong ngày tết

19/02/2018 17:58

Súng, kiếm, gươm... là những loại đồ chơi mang tính bạo lực nằm trong danh mục hàng hóa cấm lưu thông trên thị trường. Tuy nhiên, trong mấy ngày tết, các loại đồ chơi này vẫn được bày bán rất nhiều.

Từ mùng 2 tết, trên một số tuyến đường lớn của thành phố Kon Tum như Lê Hồng Phong, Trần Hưng Đạo, Phan Đình Phùng... mặt hàng đồ chơi trẻ em được bày bán khá nhiều.

Phần lớn là các sạp hàng lưu động do những người bán rong bày bán ngay dưới lòng lề đường.

Điều đáng nói, các loại đồ chơi mang tính bạo lực như súng nhựa, kiếm, gươm vẫn được bày bán khá nhiều. Các loại đồ chơi này được che giấu tương đối kín đáo, người bán thường để xen lẫn hoặc giấu sau các loại đồ chơi thông thường, khi có khách hàng ghé lại thì người bán hàng sẽ lập tức chào mời, chèo kéo.

Trong vai một người đi mua đồ chơi, vừa ghé lại một sạp hàng trên đường Lê Hồng Phong, tôi được một người phụ nữ đon đả chào hỏi “chị mua gì?”. Thấy tôi có vẻ ngập ngừng, người phụ nữ liền tiếp lời “ở đây em có bán các loại súng nhựa, dao, kiếm, chị có muốn xem không?”.

Rồi chị lật mấy hộp đồ chơi xe đua, bộ dụng cụ nấu ăn, búp bê để lộ ra bên dưới những khẩu súng đủ kích cỡ, màu sắc. Chị tiếp thị: Bọn em chỉ để sẵn một số mẫu phòng khi khách hàng hỏi còn có để giới thiệu, chứ mặt hàng này không được phép bán trên thị trường, bày ra lỡ bị bắt thì mất cả vốn. Nếu khách yêu cầu loại nào chúng em sẽ lấy ra.

Theo lời giới thiệu của chị thì ngày tết, thông thường, các cậu choai choai thích chơi các loại súng cỡ lớn có đạn bi, còn những em nhỏ thì lại thích các loại súng nhỏ, kiếm, gươm nhựa có gắn các âm thanh, đèn...

Ghé qua một số sạp hàng khác, chúng tôi quan sát thấy, có chỗ người bán rất khéo léo trưng bày các loại đồ chơi mang tính bạo lực này ra ngoài bằng cách sắp xếp chúng nằm ở giữa hoặc xen lẫn với các loại đồ chơi khác. Nếu nhìn thoáng qua thì sẽ khó thấy, nhưng chỉ cần dừng xem hàng thì sẽ thấy ngay các loại đồ chơi này.

súng nhựa được bày bán kín đáo sau các loại đồ chơi khác

 

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài những khẩu súng lục, súng bắn nước loại nhỏ, hầu như tất cả các sạp hàng bán đồ chơi trẻ em đều có bán các loại súng AK, tiểu liên bắn đạn nhựa.

Tuy là súng đồ chơi, nhưng nhìn bề ngoài nó khá giống các loại súng thật, các chi tiết đều được thiết kế rất bài bản. Các loại đồ chơi này có giá dao động khoảng từ 50.000 – 250.000 đồng/sản phẩm tuỳ loạị, thậm chí có loại súng có giá tới 2 – 3 triệu đồng và giá càng đắt thì sản phẩm càng  giống hàng thật hơn.

Hầu hết các loại đồ chơi nguy hiểm này đều có xuất xứ Trung Quốc và không hề có các tem nhãn phụ bằng tiếng Việt. Những loại súng đồ chơi này có khả năng gây tổn thương lớn vì sức công phá mạnh. Tuy nhiên, những người bán luôn biết cách trấn an, củng cố niềm tin về tính an toàn của loại đồ chơi này để thu hút các khách hàng nhí.

Một điểm đáng chú ý là khi phóng viên giơ máy lên định chụp hình thì những người bán hàng lập tức tìm các loại đồ chơi khác để đậy hoặc nhanh tay giấu các loại súng, dao... vào trong các thùng giấy. Điều đó cho thấy, những người bán hàng đều biết rất rõ việc bán những loại đồ chơi mang tính bạo lực này là vi phạm quy định của Nhà nước, nhưng vì lợi nhuận họ vẫn tìm đủ cách để bán.

Có thể nói, bất kể một loại đồ chơi nào cũng ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ em. Một món đồ chơi thông minh sẽ giúp trẻ vừa giải trí, vừa phát triển trí tuệ, nhưng đồ chơi bạo lực không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn gây tác động tiêu cực đến sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. 

Vì vậy, để hạn chế việc trẻ con tiếp xúc với các đồ chơi mang tính bạo lực, ngành chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra và có chế tài xử lý, xử phạt mạnh tay hơn nữa đối với hoạt động mua bán các loại đồ chơi nguy hại này. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng cần chú ý hơn trong việc chọn lựa, định hướng đồ chơi cho con em mình để phát huy được hiệu quả của các món đồ chơi.

Bài, ảnh: Thiên Hương

Chuyên mục khác