Diên Bình: Rắc rối từ hành lang an toàn giao thông đường bộ

14/09/2016 14:07

Sau khi tuyến đường Hồ Chí Minh ngang qua xã Diên Bình, huyện Đăk Tô được sửa chữa và nâng cấp, hành lang an toàn giao thông đường bộ dọc tuyến cũng có sự thay đổi theo. Chính sự thay đổi này và sự rối rắm trong quy định đất hành lang an toàn giao thông đã gây ra không ít rắc rối trong việc xây dựng nhà ở, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho những hộ dân trên địa bàn

Nhiều văn bản không đồng bộ

Gia đình bà Huỳnh Thị Lan ở thôn 1, xã Diên Bình bắt đầu xây dựng nhà mới từ năm 2015. Khi ngôi nhà với cổng tường, mái vòm vừa được hoàn thành thì bà Lan được UBND xã Diên Bình thông báo rằng đã xây dựng trong phần đất thuộc hành lang an toàn giao thông đường Hồ Chí Minh và buộc phải tháo dỡ các công trình trong diện tích 9 md (mét dọc) vi phạm.

Theo đó, bà Lan phải đập cổng và cắt đi một phần mái vòm. “Thực tâm thì tôi không nắm chắc các văn bản quy định về hành lang đường bộ. Khi làm nhà, thấy các hộ dân bên cạnh xây dựng nhà ở vị trí nào, tôi xây dựng ngang bằng vị trí đó để tránh kẻ nhô ra, người thụt vào. Tôi và 2 nhà kề bên xây dựng ngang bằng nhau so với mặt đường nhưng họ xây dựng trước nên không bị vi phạm còn tôi thì phải tháo dỡ” – bà Lan chia sẻ.

Khi được chính quyền xã thông báo, bà Lan đã chấp hành và xây dựng lại cổng, lùi vào cách cổng đầu tiên khoảng 4m. Bà Lan ước tính việc xây dựng 2 lần cổng cùng với mái vòm đã gây thiệt hại cho gia đình trên dưới 70 triệu đồng.

Bà Lan phải xây dựng lại cái cổng thứ 2 để đảm bảo đúng quy định hành lang an toàn đường bộ. Ảnh: HT

 

Tương tự gia đình bà Lan, năm 2015, ông Huỳnh Ngọc Thọ ở thôn 3 xây dựng nhà cho con. Khi công trình đang còn dang dở thì được thông báo rằng ngôi nhà đã vướng hành lang an toàn giao thông đường bộ khoảng 1,9m (gồm mái hiên 1,5m và tường nhà 0,4m). Theo đó, ông phải cắt bỏ một phần phía trước ngôi nhà để đảm bảo đúng diện tích theo quy định. Cho rằng làm như vậy sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ cấu trúc nhà nên ông Thọ ngừng thi công gần 1 năm nay.

“Tôi không hiểu lắm về khoảng cách từ mặt nhà cho đến tim đường là bao nhiêu mét nên mới làm. Tôi chỉ thắc mắc rằng, tại sao khi gia đình tôi chuẩn bị xây dựng thì không có ai đi kiểm tra, chỉ ra, nhắc nhở để gia đình tôi hiểu rõ và chấp hành đúng, đến khi nhà tôi xây gần hoàn thiện thì bảo tôi đập bỏ” - ông Thọ bức xúc.

Ông Thọ trao đổi với phóng viên về diện tích ngôi nhà bị vi phạm quy định hành lang an toàn đường bộ. Ảnh: HT

 

Theo thống kê của UBND xã, ông Thọ, bà Lan chỉ là 2 trong số 50 trường hợp vi phạm quy định về an toàn hành lang đường bộ. Trong đó, 29 hộ đã có quyết định xử phạt và có 1 hộ chấp hành tháo dỡ. Ông Nguyễn Hồng Lĩnh – Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Hiện tại, xã cũng đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc xử lý những hộ vi phạm. Và, một trong những nguyên nhân chính là do sự không đồng bộ trong những văn bản quy định về hành lang an toàn giao thông và việc xử lý những vi phạm hành lang an toàn giao thông.

Ông Lĩnh cho biết, theo Điều 15, Nghị định 100 ban hành ngày 3/9/2013 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/2/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ nêu rõ: Giới hạn hành lang an toàn đường bộ đối với đường cấp III ngoài đô thị như đoạn đường Hồ Chí Minh qua xã Diên Bình là 13m. Thế nhưng, trong văn bản số 15 về việc xác định đất đường bộ, đất hành lang an toàn giao thông đường bộ của Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Đăk Tô gửi cho UBND 8 xã, thị trấn lại quy định “Đất hành lang an toàn giao thông đường bộ được xác định từ mép ngoài cùng của nền đường bộ ra mỗi bên mốc lộ giới đối với tuyến đường Hồ Chí Minh là 20m”. Và trên thực tế, khi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, UBND huyện Đăk Tô lại quy định hành lang này là 25m.

Không chỉ rối rắm trong việc quy định giới hạn hành lang an toàn giao thông mà việc ban hành các quy định xử lý vi phạm cũng khiến UBND xã Diên Bình gặp khó khăn.

Theo Quyết định số 994của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 19/6/2014 về việc phê duyệt Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014-2020, nêu rõ: “Đến hết năm 2017, thực hiện thu hồi hết phần đất bảo vệ, bảo trì đường bộ và bồi thường thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng đất, thiệt hại tài sản gắn liền trên đất đối với phần đất nằm trong hành lang an toàn đường bộ gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông của các tuyến quốc lộ từ cấp I đến cấp III, khu vực các nút giao, vị trí điểm đến, vị trí tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông; đồng thời lập kế hoạch, từng bước bồi thường thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng đất đối với những hộ dân nằm trong hành lang an toàn đường bộ có nhu cầu xây dựng mới nhà ở”.

Trong khi đó, tại Kế hoạch 110 ban hành ngày 21/1/2015 về việc lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ năm 2015, UBND tỉnh nhấn mạnh: “Kiên quyết xử lý triệt để (vận động tháo dỡ, cưỡng chế) đối với các trường hợp vi phạm trật tự hành lang an toàn giao thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ từ năm 2013-2014 trên địa bàn tỉnh trong năm 2015”.

Theo kế hoạch này, hiển nhiên, những hộ vi phạm hành lang an toàn đường bộ từ năm 2013 trở đi sẽ bị xử lý, còn trước đó thì không.

“Chính điều này đã làm khó trong việc xử lý. Nhiều hộ dân so bì bảo rằng, tại sao xây dựng cùng diện tích so với mặt đường nhưng nhà xây dựng năm 2012 thì không bị xử phạt, tháo dỡ mà năm 2013 lại bị. Chúng tôi cũng đã giải thích nhưng quả thật rất khó xử lý” – ông Lĩnh cho hay.

Không nhận sổ đỏ mới

Trao đổi với phóng viên, ông Lĩnh cho biết, một trong những nguyên nhân gây ra lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ trên địa bàn xã là do những tồn đọng từ trước để lại. Từ năm 1993 đến năm 1995, UBND huyện đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân sát mép đường, không tính đến phần đất dành cho hành lang an toàn đường bộ. Đến năm 2011, UBND xã tiến hành cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân (theo chương trình đo đạc địa chính chính quy). Điều đáng nói, giấy chứng nhận này bổ sung phần đất quy hoạch giao thông vào sơ đồ đất, kèm theo đó là những hạn chế về quyền sử dụng như không được xây dựng và trồng cây lâu năm trên diện tích đất này. Điều này đã khiến những hộ dân sống dọc đường Hồ Chí Minh của xã bức xúc bởi khi đổi giấy chứng nhận họ mặc nhiên mất đi một phần diện tích đất không nhỏ. Đặc biệt, giá trị của mảnh đất khi vay vốn ngân hàng hoặc mua bán thấp hơn rất nhiều so với giấy chứng nhận cũ. Chính vì vậy, nhiều hộ dân sau khi làm thủ tục cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã không đến UBND xã để nhận giấy chứng nhận mới.

Gia đình ông Tống Quang Sơn ở thôn 3, xã Diên Bình là một trong những trường hợp nhất quyết không nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới. Ông Sơn cho biết, khi bố mẹ ông mất đã để lại cho ông mảnh đất rộng 2.000m2.Theo sổ đỏ cũ từ năm 1995, diện tích đất này được tính ở sát mép đường Hồ Chí Minh. Khi đường được nâng cấp, ông Sơn chấp nhận lùi cổng và hàng rào vào gần 2m để đường thi công. Điều đáng nói, theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới, toàn bộ diện tích phòng khách và hơn 700m2 đất vườn của ông Sơn đều nằm trong hành lang an toàn giao thông.

“Nhà tôi xây dựng từ năm 2011-2012 trên chính phần đất theo sổ đỏ cũ, vậy tại sao lại nói nhà tôi xây dựng trong diện tích hành lang an toàn giao thông đường bộ? Còn nữa, tôi đã xem xét bìa hồng xã cấp mới. Theo đó, đất nhà tôi phải lùi từ tim đường vô 25m trong khi theo sổ đỏ cũ, đất của tôi cách tim đường chỉ 10m. Theo sổ mới thì nhà tôi mất diện tích đất quá nhiều mà không có 1 cơ quan nào bồi thường nên tôi không nhận” – ông Sơn lý giải.

Nhiều hộ dân không chịu nhận giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất mới

 

Ông Lĩnh cho biết, hiện tại, hầu hết đất của những hộ dân dọc bên đường Hồ Chí Minh của xã đều có sổ đỏ và cũng chưa có bất cứ văn bản nào yêu cầu thu hồi đất của các hộ dân để làm hành lang an toàn giao thông đường bộ. Bên cạnh đó, khi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới được cấp thì sổ đỏ cũ của người dân vẫn có hiệu lực. Và nghiễm nhiên, theo sổ đỏ này thì người dân hoàn toàn có quyền xây dựng trong phạm vi đất của mình. Cho nên nói người dân vi phạm hành lang an toàn đường bộ cũng đúng mà không vi phạm cũng đúng.

“Chúng tôi cũng có kiến nghị với các cấp nên thực hiện theo Quyết định 994 của Chính phủ để giải phóng đồng loạt hành lang đường bộ, dễ xử lý các trường hợp vi phạm, tránh tình trạng nhà xây trồi ra, thụt vào gây mất mĩ quan. Chúng tôi cũng mong các ngành chức năng cần tập trung phối hợp với xã để có chính sách, hướng giải quyết với những hộ xây dựng nhà ở trước năm 2012 để đảm bảo sự công bằng cho tất cả người dân trên địa bàn” – ông Lĩnh cho hay.

H.T

Chuyên mục khác