Đấu tranh, xử lý tin giả và thông tin xấu, độc trên không gian mạng

12/08/2024 13:17

Lợi dụng sự phát triển của công nghệ số, nhất là sự ra đời của trí tuệ nhân tạo AI, các đối tượng xấu đã đưa tin giả, sai sự thật và thông tin xấu, độc lên các phương tiện truyền thông, trong đó, mạng xã hội (Zalo, Fecebook) là công cụ đắc lực, hữu hiệu nhất.

Các tin giả, sai sự thật và thông tin xấu, độc được chia sẻ, phát tán trên mạng xã hội thời gian qua, ngoài sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân còn có các đối tượng xấu có ý đồ phá hoại việc xây dựng, thực thi các chủ trương, chính sách đối nội, đối ngoại, phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp.

Một ví dụ như sau vụ việc khủng bố tại tỉnh Đăk Lăk vào tháng 6/2023, một video được đăng tải trên Fecebook với nội dung xuyên tạc, sai sự thật về tình hình tại tỉnh Kon Tum, có tác động tiêu cực đến tâm lý xã hội. Công an tỉnh đã tiến hành gọi hỏi, buộc 34 chủ tài khoản tại các huyện Đăk Hà, Kon Rẫy, Đăk Tô và thành phố Kon Tum gỡ bỏ bài viết; riêng Công an huyện Đăk Hà đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 2 trường hợp 15 triệu đồng.

Công an tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao trách nhiệm cho người sử dụng mạng xã hội. Ảnh: D.N

 

Hay vào đầu năm 2024, tài khoản Facebook “T.H.V” (chủ tài khoản sinh năm 1978, hộ khẩu thường trú tại huyện Đăk Hà) thường xuyên bình luận, chia sẻ các bài viết của các trang Facebook có nội dung xuyên tạc, sai sự thật về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Công an tỉnh đã gọi hỏi, răn đe và đối tượng đã nhận biết được sai phạm, gỡ bỏ bài viết, cam kết không tái phạm.

Theo thông tin từ Công an tỉnh, từ năm 2021 đến tháng 7/2024, lực lượng Công an các cấp đã phát hiện 130 trường hợp vi phạm liên quan đến lĩnh vực an ninh mạng. Trong đó, 11 chủ tài khoản đăng sai sự thật về Covid-19; 7 chủ tài khoản đăng thông tin sai lệch về bầu cử; 2 trường hợp vi phạm về quy định bảo vệ bí mật nhà nước; 10 trường hợp cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia; 100 trường hợp đăng tải thông tin sai sự thật, chưa được kiểm chứng, có nội dung xúc phạm danh dự, uy tín của các cá nhân, tổ chức. Lực lượng Công an các cấp ra quyết định phạt tiền 7 trường hợp, cảnh cáo 10 trường hợp, khởi tố 1 đối tượng.

Cùng với đấu tranh, xử lý đối tượng, Công an tỉnh chú trọng triển khai nhiều hình thức tuyên truyền, “phủ xanh” thông tin tích cực, định hướng dư luận, tạo thế chủ động truyền thông, lấn át, đẩy lùi thông tin xấu, độc. Tiêu biểu như huy động các tài khoản cá nhân và các trang thông tin của lực lượng Công an các cấp đăng tải, chia sẻ trên 60.000 lượt tin, bài, hình ảnh, video về kết quả đấu tranh, xử lý đối tượng tạo dựng, tán phát, chia sẻ tin giả, sai sự thật. Phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông xây dựng hàng trăm tin, bài, phóng sự phục vụ tuyên truyền, đấu tranh, phản bác tin giả, tin sai sự thật, tin xấu, độc, chống phá Đảng, Nhà nước.

Đối với các vụ việc, vấn đề phức tạp, nhạy cảm thì chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí. Đồng thời, phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông định hướng dư luận đối với vụ việc, sự kiện trọng điểm và xử lý hoạt động đăng tải thông tin sai sự thật.

Ngoài ra, phát huy mạnh mẽ vai trò của lực lượng Công an xã, bám cơ sở, bám dân tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu, chấp hành và kịp thời phát hiện, đấu tranh, xử lý ngay các thông tin xấu, độc ngay từ cơ sở.

Lực lượng công an các cấp gần dân, sát dân để tuyên truyền, nâng cao nhận thức và xử lý vấn đề từ cơ sở. Ảnh: DN

 

Theo Công an tỉnh, để đẩy lùi tin giả, tin sai sự thật, thông tin xấu, độc trên không gian mạng, mỗi người dân phải suy nghĩ hai lần trước khi chia sẻ, tải (hoặc đăng), hoặc bình luận video, hình ảnh, tin tức; không thực hiện các thao tác trên nếu không chắc chắn về thông tin; kiểm tra, xem xét nguồn tin, tác giả, độ tin cậy của thông tin; thông báo cho cơ quan có thẩm quyền nếu phát hiện tin giả, sai sự thật; không quảng cáo, hợp tác đặt quảng cáo với các trang thông tin điện tử/tài khoản/kênh nội dung/trang cộng đồng (fanpage) vi phạm pháp luật.

Để tránh “bẫy” tin giả, Công an tỉnh lưu ý người sử dụng mạng xã hội không tin ngay vào mọi thứ thấy trên mạng; suy nghĩ kỹ trước khi chia sẻ; tham khảo ý kiến bạn bè, người thân khi chưa chắc chắn, hoặc chờ sự xác nhận thông tin từ cơ quan báo chí chính thống, cơ quan có thẩm quyền. Nếu đã lỡ đăng tải, chia sẻ thì gỡ bỏ thông tin ngay, đính chính, xin lỗi và hợp tác với cơ quan chức năng, nếu được yêu cầu.

Những tin giả, sai sự thật, thông tin xấu, độc được tạo ra một cách có tổ chức, có chủ đích, có nguồn lực hỗ trợ đã và đang gây hoang mang cho người dân, tiềm ẩn nguy cơ tạo thành “điểm nóng” gây mất an ninh chính trị. Vì vậy, hành động có trách nhiệm trên không gian mạng là cách duy nhất để mỗi cá nhân, tổ chức tự bảo vệ mình, những người xung quanh và góp phần xây dựng một môi trường mạng an toàn, xã hội văn minh.

Dương Nương

Chuyên mục khác