Đăk Hring: Nông dân khốn đốn vì gian thương lộng hành

16/08/2017 07:06

​Sau một thời gian rớt giá, giá chanh dây trên thị trường tăng cao trở lại. Tuy nhiên, chưa kịp mừng, người trồng chanh dây trên địa bàn xã Đăk Hring (huyện Đăk Hà) đã phải khốn đốn vì gian thương kéo “xã hội đen” đến tận vườn để ép giá, hăm dọa buộc họ phải bán sản phẩm cho mình…

Hơn nửa tháng nay, giá chanh dây bỗng nhiên tăng cao một cách bất ngờ, từ 6.000 đồng- 7.000 đồng/kg nhảy vọt lên 25.000 đồng- 30.000 đồng/kg (tăng hơn 4 lần). Các thương lái lùng sục đến tận vườn để tìm mua chanh dây; có người còn phải làm hợp đồng, đặt cọc tiền trước để tranh mua cho bằng được. Thế nhưng, không phải người nông dân và thương lái nào cũng "thuận mua, vừa bán", hệ lụy xấu cũng nảy sinh từ đây.

Trên địa bàn xã Đăk Hring (huyện Đăk Hà) có thương lái đã dùng cả “xã hội đen” để can thiệp nhằm mua chanh dây của nông dân với giá “bèo”. Người nào dám "cả gan" bán cho người khác thì sẽ bị thương lái này dẫn theo những đối tượng “đầu gấu” đến hăm dọa và nói "nếu không bán chanh dây cho họ thì sản phẩm này không chở được ra khỏi địa bàn".

Người trồng chanh dây ở Đăk Hring luôn nơm nớp lo sợ. Ảnh: M.Q

 

Các đối tượng này còn ngăn cản không cho các tài xế bốc hàng lên xe và hăm dọa các thương lái khác đến thu mua chanh dây trên địa bàn, với lý do rất vô lý rằng: đây là "địa bàn do mình quản lý"(?)

Bà con nông dân trồng chanh dây ở xã Đăk Hring phản ánh với phóng viên Báo Kon Tum rằng: Thời gian gần đây, hằng ngày ông Nguyễn Sơn - một thương lái thu mua chanh dây ở xã Đăk Mar (huyện Đăk Hà) dẫn theo những đối tượng xăm trổ đầy mình đến tận các vườn trồng chanh dây để gạ gẫm hỏi mua và hăm dọa. Nếu không bán cho ông Sơn thì toàn bộ số chanh dây người nông dân sau khi thu hoạch sẽ không chở được ra khỏi địa bàn xã Đăk Hring và cấm các tài xế xe vào địa bàn bốc chanh dây chở đi; tài xế nào dám đưa xe vào địa bàn chở đi thì sẽ bị nhóm người này “xử đẹp".

Sau khi nhận thông tin, chúng tôi tìm về thôn 9, xã Đăk Hring (huyện Đăk Hà) - nơi có diện tích trồng chanh dây khá nhiều với khoảng 120ha. Dạo vòng khu vực những rẫy chanh dây và tiếp xúc với người dân nơi đây, tôi cảm nhận được nỗi sợ hãi, hoang mang mà người nông dân phải âm thầm chịu đựng trước nhóm “xã hội đen”, họ không dám nói ra vì sợ bị trả thù.

Một nông dân trồng chanh dây ở thôn 9, xã Đăk Hring rụt rè cho biết, gia đình tôi đến đây thuê đất để trồng chanh dây với hy vọng đời sống kinh tế gia đình sẽ khấm khá hơn. Trước đây giá chanh dây thấp nhưng khoảng hơn nửa tháng nay giá đột ngột tăng cao; nghe đâu do nhu cầu thị trường chanh dây của Trung Quốc tăng mạnh. Giá chanh dây đã tăng lên gấp 4 lần, từ 6.000 – 7.000 đồng/kg quả chanh dây, đến thời điểm này giá lên đến 27.000 – 28.000 đồng/kg và sẽ tiếp tục tăng cao hơn nữa. Chúng tôi hưởng "niềm vui ngắn chẳng tày gang" thì bị tiểu thương tên là Sơn (nhà ở xã Đăk Mar) cùng với những đối tượng lạ mặt xăm trổ đầy người đi xe taxi vào đây hỏi mua chanh dây nhưng tôi không bán, vì trước đây tôi đã hứa bán có người khác với giá cao hơn. Khi tôi trả lời rằng không thể bán cho ông Sơn được thì nhóm người này liền hăm dọa tôi và tuyên bố toàn bộ số chanh dây gia đình tôi thu hoạch được sẽ không chở được ra khỏi địa bàn…

Người nông dân này than thở: Gia đình tôi thuê đất, trồng chanh dây phải chăm sóc, canh giữ 4 - 5 tháng trời mới bắt đầu cho thu hoạch. Thế mà giờ đây sản phẩm chính từ mồ hôi nước mắt của mình lại bị tư thương dùng “xã hội đen” cấm cản nhằm độc quyền thu mua để ép giá.  Mới đây, có một thương lái từ tỉnh Gia Lai lên thu mua chanh dây tại địa bàn bị nhóm đối tượng này chặn xe, hăm dọa. Sợ quá, thương lái này trở về Gia Lai, đến giờ vẫn không dám quay lại thu mua. Chúng tôi là người nông dân, ai mua giá cao hơn thì chúng tôi bán; hơn nữa chúng tôi cũng phải biết giữ chữ tín với bạn hàng thu mua, vì họ sẽ bao tiêu sản phẩm của chúng tôi kể cả lúc giá cả xuống thấp. Chúng tôi không muốn mua bán theo kiểu "chụp giật", khi giá lên cao thì vào tận trong rẫy thu mua, lúc giá xuống thấp thì “lặn” mất tăm chẳng thấy đâu…

Không chỉ người trồng chanh dây lo sợ tư thương tên Sơn hãm hại, ép giá, mua bán theo kiểu “xã hội đen” mà cánh các tài xế xe và các thương lái khác khi vào địa bàn này thu mua, bốc dỡ cũng bị nhóm của Sơn đe dọa.

Anh H. bức xúc cho biết: Tôi là người dân ở tại địa phương xã Đăk Hring, hôm ngày 7/8 trong lúc tôi đang phụ giúp người thân đưa 55 thùng chanh dây (tương đương 1,4 tấn) lên xe ở tại thôn 10 để chở đi thì có 2 đối tượng xăm trổ đầy mình đến, không cho chúng tôi tiếp tục bốc chanh dây lên xe. Các đối tượng này còn hăm dọa tài xế xe rằng: nếu chở đi thì sẽ bị “xử lý”. Do thấy các đối tượng này quá hung hăng nên tài xế không dám tiếp tục đưa chanh dây lên xe. Quá bức xúc, chúng tôi báo với chính quyền địa phương cử Công an xã Đăk Hring xuống can thiệp nhưng hình như các đối tượng này vẫn "không ngán” Công an xã Đăk Hring. Thấy không ổn, chúng tôi tiếp tục báo cho Công an huyện Đăk Hà; lúc lực lượng công an huyện có mặt thì các đối tượng trên mới chịu lên xe bỏ đi…              

Anh Nguyễn Trí Long - một chủ cơ sở thu mua chanh dây ở xã Đăk Hring cho biết, việc thu mua chanh dây cũng như nhiều loại mặt hàng nông sản khác phải cạnh tranh lành mạnh, giá cả hợp lý vừa có lợi cho thương lái nhưng cũng phải đảm bảo lợi ích chính đáng của người nông dân. Việc dùng “xã hội đen” đi dằn mặt, hăm dọa người lạ đến thu mua, lái xe chở chanh dây và người nông dân trồng chanh dây để o ép người nông dân, chia sẻ lợi nhuận với “xã hội đen” là điều không thể chấp nhận được.

Người dân lặn lội "một nắng, hai sương" cũng chỉ chờ vào những thành quả lao động chính đáng từ những giọt mồ hôi, nước mắt của mình làm ra, vậy mà những kẻ tiểu thương cạnh tranh không lành mạnh, cướp đi thành quả ấy bằng "xã hội đen” khiến người nông dân trồng chanh ở Đăk Hring sợ hãi, bất an. Rất mong các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc xử lý nghiêm khắc nhằm ngăn chặn triệt để tình trạng này, không chỉ đối với mặt hàng chanh dây trên địa bàn huyện Đăk Hà mà còn nhiều loại mặt hàng nông sản khác trên địa bàn toàn tỉnh, không để xảy ra kiểu mua bán “xã hội đen”, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nông dân...   

Minh Quang

Chuyên mục khác