18/04/2019 13:02
Để phát triển làng nghề, từ năm 2011, thành phố Kon Tum đã có phương án sắp xếp hoạt động khu sản xuất tiểu thủ công nghiệp tập trung trên địa bàn vào làng nghề H’Nor. Làng nghề này chỉ cách trung tâm thành phố khoảng 3km; cách đường Hồ Chí Minh chỉ 500m. Đây là vị trí rất thuận lợi cho sản xuất tiểu thủ công nghiệp…
Mặc dù đã có chủ trương triển khai mạnh mẽ, nhưng việc đầu tư nhân lực, tài chính chưa mang tính chiều sâu, lâu dài; vai trò quản lý làng nghề của cơ quan chức năng còn bất cập, dẫn đến những hệ lụy đến nay vẫn chưa giải quyết triệt để.
Một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thuê đất khu vực làng nghề H’Nor sau đó chuyển nhượng nhằm kiếm lợi nhuận, khiến cho những hộ, cá nhân cần có một địa điểm để sản xuất, lập cơ sở làm nghề truyền thống nhưng không thuê được bức xúc.
Chính những điều này tạo ra dư luận không tốt trong xã hội, phần nào tác động lên tình hình an ninh trật tự của địa phương. Trước thực tế đó, chính quyền thành phố Kon Tum kịp thời nắm bắt thông tin và tập trung chỉ đạo các ngành chức năng tích cực vào cuộc, giải quyết những vấn đề bất cập, bảo đảm an ninh trật tự, tạo điều kiện cho các hộ sản xuất kinh doanh hợp pháp làm ăn thuận lợi, góp phần đưa làng nghề H’Nor phát triển đúng hướng, tạo việc làm cho người lao động, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
|
Theo báo cáo của Trung tâm Phát triển cụm công nghiệp thành phố Kon Tum, năm 2018, UBND thành phố Kon Tum đã ra quyết định thu hồi 197 trong tổng số 256 hợp đồng cho thuê đất tại khu vực làng nghề H’Nor; giải quyết 21 trường hợp thu hồi đất, chuyển nhượng đất tại làng nghề này...
Bà Phan Thị Thanh Thảo - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển cụm công nghiệp thành phố Kon Tum cho biết: Trung tâm đang tiếp tục tham mưu trình UBND thành phố cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở có đủ điều kiện tại Cụm Công nghiệp – Tiểu thủ công nghiệp làng nghề H’Nor; phối hợp với Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy xây dựng phương án phòng cháy cho làng nghề và các cơ sở sản xuất; phối hợp với Công an phường Lê Lợi đảm bảo công tác an ninh trật tự tại làng nghề. Trước mắt, Trung tâm bổ sung, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn nhằm cụ thể hoá các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường phù hợp đối với các đối tượng sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tại khu vực làng nghề; tuyên truyền, vận động sự tham gia tích cực của chính các cơ sở sản xuất, người lao động tham gia công tác đảm bảo an ninh trật tự địa bàn.
Ông Vũ Thanh Hùng - Tổ trưởng tổ dân phố 2 phường Lê Lợi cho rằng dù làng nghề H’Nor thuộc tổ 2, chỉ mới có khoảng trên 10 cơ sở hoạt động nhưng đang dần vào ổn định sản xuất. Hai năm gần đây, làng nghề này rất bình yên. Người lao động đến đây làm việc chấp hành tốt chủ trương của Nhà nước đều đăng ký tạm trú, tạm vắng.
Ông Phạm Văn Cư chủ cơ sở Hoàng Cư ở đường N5-1 cũng xác nhận, tình hình an ninh trên địa bàn ổn định, không xảy ra trộm cắp. Cơ sở của ông ở đường Phạm Ngọc Thạch, phường Quang Trung dời qua đây gần 6 năm hoạt động vẫn không xảy ra mất mát. Có điều ông chưa an tâm với công tác phòng cháy chữa cháy, vì có cơ sở thu gom phế liệu hoạt động trong làng nghề.
Ông Cao Văn Bốn - Trưởng Công an phường Lê Lợi chia sẻ, hiện nay nhiều người dân ở thành phố Kon Tum rất quan tâm tới hoạt động của làng nghề H’Nor. Đây là làng nghề đầu tiên của tỉnh có quy hoạch xây dựng chi tiết và đang hoạt động. Trong tương lai, sự hoạt động ổn định và phát triển của làng nghề này sẽ tác động lan tỏa ra nhiều địa phương trong tỉnh. Vì vậy, những vấn đề về an ninh, vấn đề về môi trường, rất mong được người dân và các cơ sở ở làng nghề quan tâm đúng mức, hỗ trợ lực lượng Công an phường trong công tác đảm bảo trật tự an ninh, để làng nghề phát triển ổn định, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội chung của thành phố Kon Tum.
Dương Lê