17/11/2014 09:46
Vào một buổi tối cuối tuần, tôi ra phía đầu cầu Đăk Bla để đón xe về Plei Ku. Vì đã muộn giờ nên xe khách tuyến Kon Tum-Gia Lai không còn. Đang định ở lại thì bỗng có một chiếc taxi mang biển kiểm soát của Gia Lai trờ tới; tài xế chấp nhận chở tôi với giá 50 ngàn đồng.
Khi xe chuẩn bị chuyển bánh, một thanh niên đi xe gắn máy đến vẫy xe lại, đưa một gói nhỏ cho tài xế và nói là gửi về Gia Lai. Sau khi xin số điện thoại của lái xe, anh ta đưa một số điện thoại và bảo rằng đó là số của người nhận.
Tiếp đó, anh ta gọi vào số máy nọ và nói to để tài xế nghe: “Dạ, em gửi hàng cho xe taxi rồi anh. Anh đón ở ngã ba Hoa Lư nhé. Dạ… tiền cước anh gửi… dạ… 700 ngàn đồng hả anh?...”
Gọi xong, anh ta quay lại nói với lái xe: Về tới ngã ba Hoa Lư có người nhận, anh điện cho số máy này, người ta nhận hàng và trả tiền cước cho anh. Anh ấy nói anh đưa em mượn 700 ngàn đồng. Về tới đó anh ấy trả lại cho anh luôn.
Tưởng thật, người tài xế taxi móc túi định rút tiền đưa cho anh ta. Thấy khả nghi, tôi ngăn lại đồng thời bảo anh tài xế kiểm tra gói hàng thì anh ta giật lại gói hàng và chạy mất…
Mới đây, bạn gái của tôi đi rút tiền ở quầy ATM. Khi rút tiền xong, có cô gái chạy đến bảo: Chị ơi, em vừa nhặt được chiếc điện thoại “Ai phôn”, người mất máy điện vào và bảo gặp chị hoặc ai cũng được, chị nghe máy giùm.
Dù ngỡ ngàng, nhưng người bạn của tôi vẫn cầm máy nghe. Tiếng người đàn ông bên kia nhỏ nhẹ: Chị ơi, lúc nãy em làm rớt chiếc điện thoại, em điện lại thì có chị đây nhặt được, chị đòi tiền chuộc là 1 triệu đồng, nhưng bây giờ em đang ở xa nên không đến được. Hay là chị cho em mượn 1 triệu đồng đưa cho chị đó, chị cầm điện thoại giùm em. Chị cho địa chỉ nhà chị, lát nữa em đến trả tiền, lấy điện thoại và hậu tạ chị…
Như bị “thôi miên”, người bạn gái tôi lấy 1 triệu đồng đưa cho cô gái nọ, và cầm chiếc điện thoại về nhà. Đợi đến chiều, không thấy ai đến lấy điện thoại, cô bạn tôi bèn điện lại cho số máy mà người đàn ông đã cho ban sáng, nhưng chỉ có tiếng “ò…e”. Cô bạn tôi đem chiếc điện thoại ra tiệm hỏi mới biết đó là “Ai phôn”… rởm, giá chẳng tới 300 ngàn đồng…
Có những kẻ lừa đảo còn dựng lên những rủi ro (mà theo lẽ thường là điều tối kỵ) của người thân làm “mồi nhử” để kêu gọi lòng thương mọi người giúp đỡ nhằm chiếm đoạt tài sản.
Hôm Rằm tháng Bảy, gia đình tôi đi chùa dâng hương lễ Phật. Lúc mọi người đang hành lễ trang nghiêm, bỗng có một người con trai mặc đồ tang chạy vào khóc lóc thảm thiết. Khi mọi người hỏi thì anh ta bảo: Bố em mất năm ngoái vì tai nạn giao thông. Không may ngày hôm qua mẹ em bị bạo bệnh cũng qua đời. Bây giờ không có tiền lo tang cho mẹ, em cầu xin sư thầy tới nhà cúng cho linh hồn mẹ em siêu thoát...
Vì là ngày Rằm lớn báo ân cha mẹ, sư thầy bận việc chùa nên không thực hiện lời thỉnh cầu của người thanh niên ấy được đành hẹn khi khác. Anh ta càng khóc lớn hơn. Thế là, không ai bảo ai, mọi người tự nguyện quyên góp người 50 ngàn đồng, người 100 ngàn đồng, giúp chút ít tiền để anh ta về làm lễ cúng mẹ. Một số chị phụ nữ tốt bụng khác hỏi nhà anh ta để tí nữa quay về dâng hương và phúng điếu nhiều hơn… Khi tìm đến tận địa chỉ mà anh ta đã cho thì mọi người mới biết đã bị lừa.
Kể lại một số “chiêu thức” bọn lừa đảo từng sử dụng mà bản thân đã chứng kiến và nghe bạn bè, người thân kể lại, tôi mong muốn rằng mọi người hãy cảnh giác với bọn tội phạm này, đừng để bị lừa.
Dương Đức Nhuận