25/07/2021 06:10
Mới đây, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) đã phải phát đi thông báo về việc cảnh giác với một số đối tượng lấy danh nghĩa là cán bộ của Phòng đi đến các đơn vị, công ty, hộ cá nhân, thậm chí cả cơ quan nhà nước để lừa bán sách, tài liệu về công tác PCCC.
Thượng tá Đặng Việt Dũng- Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH cho biết, thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh xuất hiện một số đối tượng lấy danh nghĩa là cán bộ của Phòng gọi điện thoại đến các cơ sở, đơn vị, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân…để thực hiện hành vi lừa đảo bán sách, tài liệu về PCCC. Thủ đoạn mà đối tượng dùng là gọi điện thoại đến các cơ quan, đơn vị, hộ kinh doanh… tự giới thiệu là cán bộ của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an tỉnh) thông báo sắp tới có đợt tập huấn nghiệp vụ PCCC&CNCH, yêu cầu tham gia và mua các loại sách, tài liệu phục vụ tập huấn để trục lợi, với số tiền từ 800.000 đến 1.000.000 đồng. Thậm chí, các đối tượng còn đe dọa nếu không mua thì sẽ bị xử phạt hành chính và thu hồi giấy phép kinh doanh…Vì sợ bị phạt nên một số trường hợp đã đồng ý mua và được yêu cầu chuyển tiền sau đó, đối tượng gửi sách, tài liệu tới người mua qua dịch vụ chuyển phát. Sau khi giao dịch thành công, các đối tượng lập tức biến mất, số điện thoại không liên lạc được.
|
Thượng tá Dũng cũng khẳng định, đây là hành vi lừa đảo, trái với quy định của pháp luật, tạo dư luận không tốt trong nhân dân, làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của lực lượng Công an nhân dân nói chung và Cảnh sát PCCC&CNCH nói riêng.
Về công tác tập huấn, Thượng tá Dũng cho hay, thường khi đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu tổ chức tập huấn về công tác PCCC cho đơn vị đó, nếu các đơn vị chủ động huy động đủ người tham gia tập huấn, thì chúng tôi phối hợp cử cán bộ xuống giúp truyền đạt, hướng dẫn cách PCCC. Còn khi các đơn vị nhỏ lẻ muốn tập huấn thì đăng ký danh sách, sau đó Phòng sẽ tập hợp đủ số lượng tiến hành mở lớp tập trung. Các tài liệu phục vụ tập huấn cho công tác PCCC đều được phát miễn phí chứ không có việc bán lẻ như các đối tượng lừa đảo sử dụng.
“Khi phát hiện và nghi ngờ các đối tượng lừa đảo đề nghị các đơn vị thông tin, báo ngay với cơ quan Công an gần nhất hoặc Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an tỉnh) để phối hợp xử lý kịp thời” - Thượng tá Dũng nhấn mạnh.
Tương tự, cũng với hình thức lừa đảo qua điện thoại, thời gian qua, một số cơ quan đơn vị cũng bị các đối tượng lừa đảo dùng điện thoại tự xưng là cán bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum để “xin danh sách, cung cấp thông tin cấp uỷ viên để mở lớp tập huấn cho các đồng chí bí thư, phó bí thư”, “đề nghị chuyển tiền để được cung cấp tài liệu phục vụ hội nghị”, “mời chào mua các loại sách, báo, tài liệu”… Trước tình hình đó, ngày 22/7, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum đã có công văn khẳng định, đây là hình thức mạo danh, lừa đảo. Đơn vị không có chủ trương thực hiện các nội dung như các sở, ngành phản ánh.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề nghị các sở, ban, ngành, Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh; các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy hết sức cảnh giác với thủ đoạn nói trên, đồng thời có hình thức thông tin đến các chi bộ, đảng bộ cơ sở để đề phòng, tránh bị lừa đảo…
Trước những hình thức mạo danh, lừa đảo của các đối tượng ngày càng tinh vi, người dân và các đơn vị cũng cần nêu cao tinh thần cảnh giác, tỉnh táo với những chiêu trò lừa đảo qua điện thoại để tránh bị lừa. Đặc biệt, khi phát hiện các đối tượng nghi ngờ cần bình tĩnh, tìm cách thông tin và báo ngay cho cơ quan chức năng, cơ quan công an để bắt giữ, xử lý theo quy định của pháp luật.
PHÚC NGUYÊN