Cảnh giác với chiêu trò mạo danh để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản

18/04/2022 13:01

Thời gian vừa qua, trên địa bàn tỉnh ta nói riêng và cả nước nói chung đã xảy ra nhiều vụ việc người dân bị các đối tượng mạo danh là cán bộ cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án, cán bộ các cơ quan hành chính nhà nước, thậm chí cả các doanh nghiệp… để hù dọa, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Theo Công an tỉnh, các đối tượng lừa đảo thường sử dụng một số phương thức, thủ đoạn như sử dụng các dịch vụ có chức năng giả mạo đầu số, giả mạo số điện thoại, mạo danh cán bộ của cơ quan chức năng trong các cơ quan thực thi pháp luật như công an, viện kiểm sát, tòa án để gọi điện cho người dân nhằm gây sức ép, làm người dân hoang mang, sau đó yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản do các đối tượng này hoặc cung cấp thông tin đăng nhập vào tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt.

Điển hình như trường hợp của bà N.T.L (59 tuổi, trú tại huyện Sa Thầy). Bà L bất ngờ nhận được cuộc gọi từ một số điện thoại lạ với đầu số 808. Khi nghe máy, bà L được đầu dây bên kia thông báo bà có liên quan đến một vụ vi phạm an toàn giao thông và yêu cầu nhấn phím 9 để được thông tin cụ thể vụ việc. Sau khi làm theo hướng dẫn, bà L được kết nối với một người đàn ông tự xưng là Trung úy công an Công an thành phố Hà Nội. Người này thông báo bà L liên quan đến một vụ tai nạn giao thông gây chết người và liên quan đến vụ buôn bán ma túy trên địa bàn thành phố Hà Nội. Sau nhiều lần điện thoại qua lại, mặc dù bà L liên tục phủ nhận cáo buộc nhưng đối tượng liên tục hù dọa và yêu cầu bà chuyển tiền vào số tài khoản của vị cán bộ công an tự xưng. Vì quá sợ và lo lắng, bà L liền bán vàng, rút tiền trong thẻ tiết kiệm rồi gửi vào 2 số tài khoản của vị đại tá tự xưng với tổng số hơn 290 triệu đồng. Sau khi đã chuyển hết số tiền đang có, bà L liên hệ lại với các số điện thoại trên thì không thể liên lạc được. Khi ấy, bà L mới biết mình đã bị lừa.

Không chỉ giả danh cán bộ công an, viện kiểm soát, tòa án, mà các đối tượng còn giả danh là cán bộ nhà nước để lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản. Ông Đ.M.S - cán bộ Sở GTVT Kon Tum cũng là một trong những nạn nhân bị các đối tượng mạo danh, lừa đảo. Ông Đ.M.S cho hay, các đối tượng đã vào tài khoản Facebook, Zalo thật của ông, lấy hình ảnh của ông rồi thiết lập tạo một tài khoản Facebook, Zalo khác (tài khoản mạo danh) với tên tương tự và sử dụng hình ảnh thu thập được làm ảnh đại diện, hình nền. Sau đó, tài khoản mạo danh này gửi kết bạn với những người có trong danh sách bạn bè (chủ yếu là bạn bè trong nội bộ cơ quan, bạn bè thường xuyên tương tác, bình luận những hoạt động của tài khoản thật). Sau đó, tài khoản mạo danh đã chỉ đạo chuyển tiền phục vụ công việc cơ quan hoặc vay mượn tiền xử lý công việc gấp cá nhân để chiếm đoạt.

“Một hôm, trong giờ làm việc, tài khoản Zalo giả mạo này đã nhắn tin vào tài khoản của một người trong cơ quan nhờ mượn 300 triệu đồng để xử lý gấp việc cá nhân. Lúc ấy, tôi và mấy anh em trong cơ quan đang làm việc cùng nhau, nên người kia thấy vô lý liền hỏi tôi nên mới phát hiện tài khoản của mình bị mạo danh. Rất may là hôm đó, anh em đang cùng ngồi làm việc với nhau nên đã phát hiện kịp thời”- ông Đ.M.S cho biết.

Cũng với hình thức tương tự, một số đối tượng đã lập tài khoản giả mạo của cán bộ Công ty Bảo Việt để kết bạn với những bạn bè của tài khoản Facebook, Zalo thật rồi dùng đủ chiêu trò, thủ đoạn tinh vi để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Các cá nhân bị mạo danh đăng thông báo trên trang cá nhân để cảnh báo mọi người. Ảnh: PN

 

Trước những chiêu trò, phương thức, thủ đoạn lừa đảo trên mạng xã hội, Công an tỉnh, Sở GTVT, Công ty Bảo Việt Kon Tum và các cá nhân bị mạo danh đã phải đăng thông báo trên các trang thông tin điện tử, trên các mạng Facebook, Zalo của mình thông báo cho bạn bè biết và cẩn trọng để không bị lừa.

Để phòng tránh, không bị “sập bẫy” các đối tượng lừa đảo, người dân cần đề cao cảnh giác, đặc biệt, không nên cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở… cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa rõ nhân thân và lai lịch. Nhất là không nghe lời của các đối tượng chuyển tiền vào các tài khoản được chỉ định hoặc đăng nhập tài khoản ngân hàng trên các ứng dụng “lạ”. Đồng thời, cần tỉnh táo, xác minh từ người thân, bạn bè khi có đề nghị vay tiền, chuyển tiền… không để các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Phúc Nguyên

Chuyên mục khác