07/11/2014 09:24
|
Nhiều ngày nay, các hộ gia đình người dân tộc Ba Na ở làng Kon Hra Kơ Tu, xã Chư H’reng như ngồi trên đống lửa, khi 15 trong số 21 lao động trẻ trong làng được một người lạ đưa qua Lâm Đồng thu hoạch cà phê, đến nay không có hồi âm. Sự việc càng làm cho họ lo lắng khi có một số người đã trở về và kể lại cuộc sống cũng như công việc cực khổ ở Lâm Đồng.
Ngày 5/11, chúng tôi gặp một số lao động vừa mới trốn thoát trở về và được họ cho biết: Khi đến Lâm Đồng, những lao động trên được dẫn đến các trang trại trồng hoa, chế biến hoa quả, chứ không hề có việc hái cà phê như lời hứa ban đầu. Tại đây, họ không chỉ bị ép buộc lao động cực khổ, bị thu điện thoại, mà còn bị các chủ cơ sở giam lỏng và tuyên bố không ai có thể rời khỏi trang trại vì tất cả đã nợ tiền từ 1,8–2 triệu đồng.
Em Y Te - người bị lừa đi làm ở Lâm Đồng vừa trốn thoát trở về gia đình trao đổi với chúng tôi trong tâm trạng bất an: Họ bắt làm nặng nhọc quá nên làm được hai ngày thì em cùng bạn ở làng là Y Giang bàn nhau bỏ trốn. Hai đứa tìm cách ra khỏi vườn, bị chó đuổi dồn rồi cứ thế chạy mãi, tới mờ sáng thì được một người chạy xe ôm bắt xe cho về Kon Tum.
Bà H’Nhứt – mẹ của Y Te cho biết: sáng 28/10, một người làm nghề xe ôm đi vào làng giới thiệu tuyển thanh niên trẻ, người có sức khoẻ để qua tỉnh Đăk Lăk thu hoạch cà phê. Thấy có việc làm, ông A BLứt mời người này vào nhà rồi tự nguyện đi kiếm thanh niên trong làng tập hợp về nhà mình để giao cho người chạy xe ôm. Sau khi tập hợp được 21 thanh niên (gồm 9 nữ và 12 nam, độ tuổi từ 16 đến 22) cả trong làng và người ở xã Đăk Rơ Wa, những thanh niên này được đưa lên một chiếc xe 16 chỗ ngồi để đi hái cà phê. Người chạy xe ôm lúc này nhận tiền từ chủ xe rồi biến mất.
“Xe đi tới 2 giờ sáng thì tất cả được dồn vào một ngôi nhà và được giới thiệu là “trung tâm môi giới việc làm”. Sáng hôm sau, mỗi người được người lạ dẫn đi các nơi mà không biết đi về đâu, làm việc gì” – Y Te kể.
Y Te cho biết: Tất cả chúng em đều không biết phải xoay xở thế nào. Gọi điện cho người nhà thì không có điện thoại. Tranh thủ lúc giữa đêm, tụi em chạy thoát được. Còn những người khác thì bặt vô âm tín, có Y Thăm và Y Gian cũng bỏ trốn nhưng đến giờ không biết lạc đường ở đâu.
Theo Y Te, trước khi được dẫn đi về chỗ làm, người chủ xe soạn các hợp đồng và yêu cầu các lao động phải ký vào giấy nợ, mỗi người nợ từ 1,8-2 triệu đồng. “Chúng em hỏi nợ gì thì mấy người đó nói là nợ tiền xe, tiền ăn dọc đường. Không ký vào thì bị đánh nên ai cũng phải ký” – Y Giang nói thêm vào.
Tiếp xúc với chúng tôi ngày 5/11, hàng chục người dân có con lên chuyến xe đi “thu hoạch cà phê ở Đăk Lăk” đứng ngồi không yên, vì hiện tại còn 15 người trong số đó vẫn chưa liên lạc được với gia đình. Nhiều người sốt ruột đã báo Công an xã, nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin gì.
Bà Dem - mẹ của Y Gian lo lắng: Con tôi lần đầu đi xa nhà, từ hôm đi đến nay mới gọi được cho nó một lần duy nhất, cả tuần nay không có tin tức gì cả nên vợ chồng tôi chẳng biết phải làm gì ngoài ngồi đợi con về.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hùng- Chủ tịch UBND xã Chư Hreng cho biết: Sau khi nghe thông tin, UBND xã đã chỉ đạo Công an xã đến các gia đình nắm tình hình. Hiện đã có 6 lao động đã trở về nhà, một số lao động khác vẫn không thể liên lạc được.
“Do nắm được tâm lý cần việc làm, nên người môi giới, cò mồi lợi dụng, dụ dỗ với mức thu nhập cao và đưa những lao động này đi qua Lâm Đồng làm việc không đúng với lời hứa ban đầu, vì vậy, hiện tâm lý người dân đang rất bất an” – ông Hùng nói.
Trung tá Trần Ngọc Tuấn – Đội trưởng Đội điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Công an TP Kon Tum) cho biết: Khi nghe thông tin, chúng tôi đã cử lực lượng phối hợp cùng chính quyền xã xác minh, tìm kiếm những lao động chưa trở về địa phương. Qua xác minh ban đầu, đối tượng đi xe ôm vào làng tuyển lao động là một “cò” môi giới. Khi Công an mời lên làm việc, đối tượng này khai rằng chuyên nhận tuyển lao động để lấy hoa hồng cho một trung tâm giới thiệu việc làm tại tỉnh Đăk Lăk, cứ một lao động tuyển được, trung tâm này trả cho người môi giới từ 300.000-400.000 đồng.
“Chúng tôi sẽ tích cực phối hợp để đưa các lao động trở về nhà. Tuy nhiên việc xử lý hình sự các đối tượng cò mồi là rất khó. Điều quan trọng là chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là nêu rõ những thủ đoạn lừa đảo để người dân nâng cao nhận thức và cảnh giác, phòng ngừa” – Trung tá Tuấn nhấn mạnh.
Văn Phương