03/07/2023 06:10
Trong khi tôi còn đang tò mò tìm hiểu về cách thức lừa đảo mới thì chuông điện thoại vang lên. Đầu bên kia, cô em gái (hiện là sinh viên đại học năm đầu tại Đà Nẵng) nức nở: “Anh ơi! Cho em mượn 9 triệu được không? Em vừa bị người ta lừa hết tiền học phí kỳ này rồi! Bây giờ, em không biết phải làm sao nữa”. Sau khi trấn an cô em, tôi bắt đầu tìm hiểu về ngọn ngành vụ việc.
Chuyện là mới cuối tuần trước, cô nhận được tin nhắn SMS của một người tự nhận là “nhân sự cấp cao” của Lazada (một trang thương mại điện tử lớn). Nội dung của tin nhắn thông báo là cần tuyển dụng cộng tác viên không chính thức, với chiêu thức: “Hiện tại Lazada cần tuyển số lượng lớn nhân viên chuyên đặt hàng. Mỗi ngày bạn có thể dễ dàng kiếm tiền bằng điện thoại di động. Hiện tại, công ty chỉ còn 20 suất…”.
|
Người “nhân sự cấp cao” này đặt yêu cầu với người xin việc: Phải kết bạn trên ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tiện trao đổi, làm việc. Để tạo lòng tin, ngay từ đơn giao dịch thành công đầu tiên, người này đã “trả công” bằng cách chuyển vào tại khoản của cô em tôi 300 nghìn đồng. Cứ như thế thế, đơn hàng ngày một nhiều lên, cô dần lún sâu lúc nào chẳng hay.
Khoảng 3 ngày sau, cô bé nhận được thông báo của “công ty”. Nội dung thông báo, yêu cầu cô thông tin lại số tài khoản ngân hàng, ví điện tử, căn cước công dân… của mình để tiện việc hỗ trợ giải quyết các sự cố cho khách hàng trong quá trình làm việc. Đồng thời “công ty” yêu cầu cung cấp dãy số OTP được nhà mạng gửi đến điện thoại. Cho đến 2 ngày sau, khi không liên lạc được với công ty nữa, cô mới tá hỏa, phát hiện ra 9 triệu đồng trong tài khoản đã không cánh mà bay.
Thời gian gần đây, những vụ việc lừa đảo bằng cách mạo danh các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã được chia sẻ khá nhiều. Đặc biệt, chúng còn thường tạo ra các trang web giả mạo, rất giống với trang web chính thức của tập đoàn, sử dụng logo, hình ảnh và thông tin liên quan để dụ “con mồi” sa bẫy.
Đáng chú ý, các đối tượng còn có thể sử dụng thủ đoạn tinh vi, lợi dụng công nghệ Deepfake (công nghệ làm giả âm thanh, hình ảnh, vidieo) làm giả cuộc gọi video hoặc bắt chước giọng nói của người đại diện tập đoàn, doanh nghiệp để thực hiện cuộc phỏng vấn giả. Trong quá trình này, đối tượng yêu cầu ứng viên cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, hoặc thực hiện các giao dịch chuyển tiền tạm ứng cho một khoản chi phí.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Kon Tum, Công an tỉnh chưa ghi nhận về vụ việc nào được người bị hại trình báo. Tuy nhiên, điều này không hẳn là không có, bởi có thể người bị hại không khai báo, nói ra sợ bị dư luận cười. Trước yêu cầu đặt ra, các lực lượng chức năng và đơn vị liên quan hiện đang tích cực tuyên truyền, thông tin về chiêu thức lừa đảo này để người dân nắm bắt, cảnh giác.
Theo đó, từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng và đơn vị liên quan trực thuộc Công an tỉnh đăng tải, chia sẻ hơn 4.000 tin, bài viết, video clip tuyên truyền, cảnh báo về các thủ đoạn tội phạm lừa đảo không gian mạng; trong đó khoảng 1.500 tin bài tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội; thiết kế khoảng 350 sản phẩm inforgraphic hướng dẫn, phổ biến đến người dân kiến thức bảo vệ an toàn, an ninh thông tin, bảo vệ dữ liệu cá nhân, dữ liệu số trong khi tham gia các hoạt động trên không gian mạng; cảnh báo về các thủ đoạn lừa đảo của tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Để tránh thành “con mồi” của loại tội phạm này, người dân phải luôn đề cao cảnh giác khi nhận được bất kỳ tin nhắn, điện thoại, cuộc gọi video qua các ứng dụng mạng xã hội với nội dung tuyển dụng nhân sự, giao dịch. Trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay, người dân không nên chia sẻ thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, số điện thoại và địa chỉ của mình trên các trang mạng xã hội và cho những người không quen để tránh “tiền mất, tật mang”.
Tất Thành