Cảnh giác vay tiền online

25/05/2024 13:23

Lợi dụng tình hình kinh tế khó khăn, nhu cầu vay tiền của người dân để tiêu dùng và phục vụ kinh doanh tăng cao, nên các đối tượng đã tăng cường thực hiện hoạt động cho vay tiền qua app, vay tiền online để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Anh A.Tr (sinh năm 1980), trú tại xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy đăng ký vay 150 triệu đồng để giải quyết việc gia đình trên ứng dụng facebook.

Anh kể, khi vừa đăng ký vay online xong, có một đối tượng gọi cho tôi và nói tên là Nguyễn Văn Đô, nhân viên ngân hàng ACB. Mới đầu tôi cũng nghi ngờ và đề nghị anh ta gửi căn cước công dân và cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng qua zalo. Nói xong, anh ta gửi luôn nên tôi đã tin.

“Đối tượng yêu cầu đóng phí hồ sơ 4,5 triệu đồng, tôi thắc mắc sao đóng phí nhiều thế thì nói đây là quy định của công ty. Khi chuyển xong 4,5 triệu đồng, đối tượng lại bảo phải đóng phí bảo hiểm rủi ro gần 7,7 triệu đồng mới “đẩy” hồ sơ đi được và số tiền này sẽ được trả lại khi giải ngân khoản vay. Do cần tiền gấp nên tôi lại chuyển thêm số tiền đối tượng yêu cầu, nhưng nói tôi chuyển không đúng địa chỉ người nhận và số tài khoản, nên phải chuyển lại mới hoàn tất được hồ sơ. Tôi gọi lại số điện thoại đối tượng gọi cho tôi thì không liên lạc được nữa. Lúc này tôi mới biết mình bị lừa và lên công an xã trình báo” - anh A.Tr thông tin.

CCCD và bảng tên đối tượng gửi cho anh A Tr chứng minh là nhân viên của Ngân hàng ACB. Ảnh: DN

 

Theo Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh), với hình thức lừa đảo vay tiền qua mạng, chiêu thức các đối tượng sử dụng là mạo danh một số ngân hàng và công ty tài chính có thật tại Việt Nam tạo lập website, ứng dụng, chạy quảng cáo thông qua các nền tảng mạng xã hội để chào mời cho vay tín chấp với lãi suất đặc biệt thấp.

Ngoài ra, các đối tượng còn tạo lập hàng ngàn tài khoản facebook với các nguồn thông tin giả, tham gia vào các hội nhóm, diễn đàn, đăng bài quảng cáo cho vay tín chấp với lãi suất thấp, thủ tục vay đơn giản, không cần gặp trực tiếp, nợ xấu vẫn vay được; không thế chấp, không thẩm định, chỉ cần CMND hoặc CCCD và có tài khoản ngân hàng/thẻ ATM là có thể vay tiền.

Khi có người vay tiếp cận, các đối tượng sẽ dẫn dụ, yêu cầu người vay cung cấp thông tin cá nhân, như: họ tên, số điện thoại, ảnh chụp CMND, CCCD, ảnh chụp chân dung… phục vụ làm hồ sơ vay.

Hợp đồng vay tiền giả đối tượng gửi qua zalo cho anh A Tr. Ảnh: DN

 

Sau khi người vay chuyển tiền phục vụ hỗ trợ xác minh, duyệt khoản vay, các đối tượng tiếp tục viện dẫn hàng loạt lý do khoản vay không được giải ngân xuất phát từ lỗi khai hồ sơ của người vay và yêu cầu người vay phải nộp thêm các khoản tiền để đảm bảo khoản vay hoặc khắc phục lỗi hệ thống.

Đại uý Nguyễn Thanh Tùng - Phó đội trưởng Đội Phòng chống tội phạm sử dụng không gian mạng xâm phạm trật tự an toàn xã hội (Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao) cho biết: Sau khi khách hàng chuyển tiền cho các đối tượng, chúng tiếp tục viện dẫn rất nhiều lý do như khoản vay bị đóng băng, do khách hàng nhập sai số tài khoản, số CCCD, đưa sai họ tên… và yêu cầu khách hàng phải chuyển thêm tiền để bảo đảm khoản vay và giải ngân khoản vay.

“Đối tượng thường hứa sẽ trả lại số tiền khách hàng đã chuyển khi giải ngân khoản vay, nhưng sau khi chuyển tiền xong, chúng sẽ ngắt liên lạc và chiếm đoạt. Ngoài bị thiệt hại mất về tài sản thì những nạn nhân này còn có thể gặp những rủi ro, vì các đối tượng lợi dụng lấy thông tin cá nhân như CCCD, hình ảnh chân dung để đăng ký sim rác, tài khoản ngân hàng phục vụ hành vi vi phạm pháp luật khác, như chuyển tiền trong các vụ án lừa đảo, đánh bạc, cá độ trực tuyến” - Đại úy Nguyễn Thanh Tùng thông tin thêm.

Để tránh phương thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức vay vốn online, Công an tỉnh khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác; trước khi vay vốn cần tìm hiểu, xác định rõ thông tin công ty tài chính, ngân hàng cần vay vốn. Nếu có nhu cầu vay vốn nên trực tiếp đến những chi nhánh, trụ sở ngân hàng, tổ chức tín dụng để làm hồ sơ. Người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân như CCCD, họ tên, hình ảnh chụp chân dung vì những thông tin đó các đối tượng lấy để lợi dụng thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Tuyệt đối không chuyển tiền vào tài khoản cá nhân các đối tượng yêu cầu.

Cùng với hình thức lừa đảo vay tiền oline, một số hình thức lừa đảo khác cũng đang “nở rộ” như các đối tượng xấu đóng vai luật sư, nhân viên ngân hàng, kỹ sư công nghệ thông tin cung cấp “dịch vụ hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa” nhưng thực chất là để đưa nạn nhân “sập bẫy” thêm một lần nữa. Theo đó, Công an tỉnh khuyến cáo, khi là nạn nhân của các vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thì trước tiên người dân phải bình tĩnh và hết sức tỉnh táo. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thì cần kịp thời thông báo cho cơ quan công an gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.

Theo thống kê từ Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), trong năm 2023, tổng số tiền người dân bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt trên mạng khoảng 8.000 - 10.000 tỷ đồng, tăng 1,5 lần so với năm 2022.

Với sự phát triển của mạng xã hội, không thể phủ nhận đã mang lại rất nhiều tiện ích cho người sử dụng. Tuy nhiên, đây cũng là “mảnh đất” màu mỡ cho những đối tượng lừa đảo và đây cũng là cạm bẫy đối với những người thiếu hiểu biết, “nhẹ dạ cả tin”. 

Dương Nương

Chuyên mục khác