Cảnh giác các giao dịch bằng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả

08/01/2018 18:01

Tháng 12/2017, nhân viên Chi nhánh Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất đai thành phố Kon Tum (Phòng Tài Nguyên và Môi trường thành phố Kon Tum) đã phát hiện một trường hợp mang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (hay còn gọi là bìa đỏ) có dấu hiệu bị làm giả với yêu cầu xóa thế chấp vay vốn. Điều đáng nói là, bìa đỏ có nghi vấn giả này đã giao dịch trót lọt tại một ngân hàng thương mại trong tỉnh, hợp đồng vay vốn 300 triệu đồng với thời hạn kéo dài từ năm 2014 đến 2017.

Làm việc với phóng viên Báo Kon Tum, anh Đỗ Phú Huy - nhân viên Chi nhánh Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất đai thành phố Kon Tum cho biết, chiều 11/12/2017, có một công dân đến đề nghị xóa đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, hồ sơ gồm: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất mang tên H.T.H.L nơi thường trú xã Đăk Rơ Wa có số chứng minh 233081…

Chủ sở hữu này đưa ra bìa đỏ có số BR132…, số vào sổ cấp giấy chứng nhận CH012… do UBND thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum cấp ngày 21/6/2011. Vị trí của lô đất này nằm ở bản đồ số 21, địa chỉ phường Trường Chinh.

Bìa đỏ có dấu hiệu làm giả

 

Tài sản gắn liền với lô đất là Hợp đồng thế chấp: số 01/2014/HĐBĐ ngày 30/12/2014 tại một ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố Kon Tum.

Lý do bà L đưa bìa đỏ đến xóa thế chấp với nội dung: đăng ký bên vay vốn đã hoàn thành nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi cho một ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố Kon Tum.

Tuy nhiên, sau khi kiểm tra bằng mắt thường, anh Huy đã phát hiện bản gốc bìa đỏ số BR132… có nghi ngờ là giả với các dấu hiệu sau: màu giấy chứng nhận đậm hơn so với phôi giấy chứng nhận do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát hành (giấy chứng nhận mẫu); chữ ký người ký giấy chứng nhận không giống; mã vạch lưu hành không đúng năm cấp quyền sử dụng và sơ đồ thửa đất không in mà do phô tô…

Đặc biệt, kiểm tra đối chiếu bìa đỏ (nghi bị giả) từ sổ giao nhận phôi giấy chứng nhận từ cơ quan có thẩm quyền nhà nước năm 2010 đến 11/12/2017, thì trên địa bàn thành phố Kon Tum không có số BR132… Đồng thời nội dung của bìa đỏ ghi thể hiện thửa đất thuộc bản đồ số 21 là không đúng thực tế, vì hồ sơ địa chính khu vực này xác định là đất quốc phòng không có hộ gia đình, cá nhân sở hữu.

Trước dấu hiệu nghi ngờ giấy chứng nhận giả đối với bìa đỏ mang tên của bà H.T.H.L có số BR 132... bị làm giả, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Kon Tum đã có báo cáo số 42 đề xuất Sở Tài nguyên và Môi trường, cũng như UBND thành phố Kon Tum chỉ đạo Công an phối hợp ngành chức năng điều tra, làm rõ việc làm giả giấy tờ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nêu trên) và có biện pháp xử lý theo quy định pháp luật.

Anh Huy còn cho biết thêm, quá trình phát hiện và lập biên bản với nghi vấn làm giả bìa đỏ, bà L đã phân bua, năm 2014, một người chị họ đã nhờ bà đứng tên dùm 1 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này. Quá trình người chị họ tiến hành giao dịch vay vốn, hoặc các hoạt động khác có liên quan đến bìa đỏ số BR132… đều “nhờ” bà L đến ký hộ các loại giấy tờ kèm theo (do bà L đứng tên chủ sở hữu bìa đỏ).

“Bà L không ý thức được việc đứng tên giúp người khác đối với tài sản lớn có dấu hiệu làm giả là hành vi phạm pháp luật” - anh Huy nói.        

Tìm hiểu sự việc trên tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Kon Tum, cán bộ nơi đây cung cấp thông tin, không ít người dân thời gian gần đây đã phản ánh rơi vào trường hợp cho người thân, quen mượn chứng minh nhân dân để đứng tên mua đất, đăng ký quyền sử dụng đất , hoặc đứng tên dùm một số tài sản giá trị như xe ô tô, khế ước vay vốn... đã vô tình tiếp tay cho người xấu lợi dụng chuyển nhượng, chiếm đoạt, hoặc cầm cố. Khi chủ nợ tìm đến, người đứng tên giúp mới tá hỏa bị lừa, nhưng không thể tự minh oan vì trước pháp luật, các tài sản trên đều có tên người sở hữu hẳn hoi.

Theo anh Huy, trong tình huống của bà L, có thể đã cho người thân quen mượn tên đứng sổ đỏ và đưa sổ đỏ cho dạng cò ngân hàng để nhờ vay vốn. Người cầm sổ đỏ đã lợi dụng tên của bà L để vay vốn từ năm 2014 đến tháng 12/2017 hết thời hạn khế ước vay. Do đó, nhân vật giấu mặt - người sở hữu đích thực bìa đỏ đã nhờ bà L tiếp tục làm các thủ tục ở ngân hàng, rồi rút giấy chứng nhận (nghi làm giả) để hoàn tất xóa thế chấp.

Bà L còn cho anh Huy biết, người chủ thực sở hữu bìa đỏ này còn có ý định tiếp tục sử dụng nó vào mục đích chuyển nhượng cho người khác, sau khi xóa thế chấp nói trên; nhưng không may bị cán bộ chi nhánh phát hiện dấu hiệu giả mạo giấy tờ trên.

Trước trường hợp này, ngày 3/1/2018, phóng viên Báo Kon Tum đã đăng ký làm việc với Công an thành phố Kon Tum. Tại đây, ông Hàng Tuấn Dũng - Đội trưởng Đội điều tra tổng hợp (Công an thành phố Kon Tum) xác nhận: “UBND thành phố Kon Tum, Sở Tài nguyên và Môi trường Kon Tum có chuyển văn bản cuối tháng 12/2017, đề nghị đơn vị điều tra, làm rõ việc làm giả Giấy chứng nhận số BR132… nói trên và có biện pháp xử lý theo quy định pháp luật”.

Ông Dũng nói, bước đầu đơn vị mới tiếp nhận và giao cho đội tiến hành các công tác tiếp theo, chưa có thông tin mới cung cấp cho báo chí. Tuy nhiên, ông Dũng nhận định, trường hợp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BR132… mang tên bà L bị nghi làm giả, đã thực hiện giao dịch thành công vay vốn tại một ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố Kon Tum từ năm 2014 đến 2017. Do đó, tùy vào mức độ hành vi làm trái các quy định của pháp luật, người làm giả giấy tờ, con dấu của nhà nước và các cá nhân, tập thể, đơn vị  liên quan có dính líu và để xảy ra gây ra hậu quả nghiêm trọng có thể sẽ bị xử lý theo Bộ luật Hình sự hiện hành.  

Bài và ảnh: Mai Trâm

Chuyên mục khác