28/11/2021 13:01
Trong tình hình dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp, lợi dụng việc người dân ít ra ngoài, hạn chế tiếp cận thông tin, lại thường xuyên sử dụng mạng xã hội, nên các đối tượng phạm tội lừa đảo bằng công nghệ cao gia tăng hoạt động với phương thức tinh vi và đa dạng. Do không đề cao cảnh giác, không ít người đã bị “sập bẫy” của các đối tượng này.
Công an huyện Ngọc Hồi cho biết, đơn vị nhận được đơn trình báo của bà V (ở xã Đăk Kan, huyện Ngọc Hồi) về việc mất gần 100 triệu đồng vì tin vào việc làm trên mạng xã hội Facebook.
Theo đó, ngày 21/01/2021 bà V thấy trên mạng xã hội Facebook đăng tin “cần tuyển người làm thêm, lương 9 - 10 triệu một tháng, không cần bỏ vốn”, thế là bà V đã nhắn tin xin việc và được chấp nhận.
|
Công việc của bà V hàng ngày là tải App về điện thoại theo hướng dẫn của người tự xưng là lãnh đạo “công ty”. Sau khi tải App về, phía “công ty” hướng dẫn bà V vào chọn mua các mặt hàng, trên mỗi đơn hàng mua bà V sẽ được chuyển trả lại ngay 20% tiền hoa hồng thông qua tài khoản của bà V đã đăng ký.
Thấy việc dễ làm, hoa hồng lại cao nên lúc đầu bà V thử mua đơn hàng đầu tiên với giá 100.000 đồng và được phía “công ty” chuyển trả lại ngay 20.000 đồng tiền hoa hồng về tài khoản. Tiếp đó, bà V dần dần thử mua đơn hàng có giá trị cao hơn là 1 triệu đồng, rồi đến 2 triệu đồng… và tất cả các đơn hàng trên đều được “công ty” nhanh chóng chuyển lại tiền hoa hồng lần lượt là 200.000 đồng, 400.000 đồng theo đúng tỷ lệ 20% như đã cam kết về tài khoản của bà V. Riêng số tiền gốc đăng ký mua hàng còn lại vẫn ở trong tài khoản mở tại “công ty”, bà V có thể rút vốn ra bất cứ lúc nào.
Theo tính toán, mỗi ngày bà V chỉ cần bỏ ra 10 triệu đồng mua đơn hàng là dễ dàng kiếm được số tiền 2 triệu đồng tiền hoa hồng ngay lập tức. Chính điều này làm chobà V nảy sinh lòng tham, không chỉ dồn hết số tiền gia đình tích cóp được mà còn vay mượn người thân, bạn bè để “đầu tư”, mua thêm nhiều đơn hàng có giá trị cao và nghe theo hướng dẫn của “công ty” là phải nhanh chóng nạp tiền mua, vì mỗi đơn hàng khuyến mại chỉ tồn tại 5 phút là hết hạn; đơn hàng càng nhiều và bắt buộc phải để tiền gốc lại một thời gian nhất định rồi sau đó rút một lần thì lãi suất sẽ càng cao. Tuy nhiên, điều oái ăm là khi đến thời hạn như “công ty” quy định, bà V không thể rút lại được số tiền vốn mình đã bỏ ra.
Lúc này, quá sốt ruột, bà V chủ động gọi điện, nhắn tin đến các số điện thoại của “công ty” và những cá nhân trước đó tự giới thiệu mình là giám đốc, quản lý, kế toán, tài vụ... của “công ty” thì số điện thoại của bà đều bị các đối tượng chặn nên không liên lạc được. Biết mình bị “ăn quả lừa”, ngày 24/11/2021, bà V làm đơn gửi đến Công an huyện Ngọc Hồi nhờ can thiệp giải quyết.
Qua sự việc trên cho thấy, sự phát triển mạnh mẽ của internet và mạng xã hội bên cạnh việc mang lại nhiều tiện ích cho người dân, tuy nhiên đi kèm với đó cũng có không ít hệ lụy nếu người dùng không thật tỉnh táo cảnh giác, nhất là hiện tượng lừa đảo của các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo qua mạng xã hội đang ngày càng phổ biến và tinh vi hơn.
Nhiều người dân vì hám lợi nên bị dụ dỗ, truy cập vào các trang web kiếm tiền qua mạng với lợi nhuận cao, để rồi chẳng những không kiếm được tiền mà còn bị các đối tượng lừa đảo “sập bẫy” dẫn đến “tiền mất, tật mang”. Các đối tượng này đã dùng những lời quảng cáo hấp dẫn rằng, chỉ cần bỏ vài phút mỗi ngày xem, like video trên mạng là tiền tự chảy về túi, thực hiện nhiệm vụ theo ngày để hưởng tiền thưởng... làm không ít người tự “đưa chân” vào những “chiếc bẫy tinh vi” của những kẻ xấu giăng sẵn trên mạng xã hội.
Sau khi lấy được lòng tin của người tham gia, những đối tượng đứng sau các trang web mở bán các gói “VIP” với trị giá cao và yêu cầu người tham gia phải mua các gói này mới rút được tiền. Một số trang web còn dụ dỗ các thành viên mời người thân, bạn bè cùng tham gia để được nhận chiết khấu theo hình thức đa cấp.
Tuy nhiên, sau khi người tham gia nạp tiền vào các dịch vụ trên trang web hoặc chuyển khoản vào số tài khoản được chỉ định thì không liên lạc được với nhóm đại lý của trang web, cũng không thể truy cập vào các trang web trên, dẫn đến chủ tài khoản bị mất tiền.
Trước tình hình tội phạm lừa đảo sử công nghệ cao qua không gian mạng đang xảy ra ở một số nơi trên địa bàn, Công an tỉnh Kon Tum thường xuyên chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và Công an các huyện, thành phố tích cực tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn lừa đảo qua mạng để người dân nâng cao ý thức cảnh giác trước các chiêu trò của những kẻ lừa đảo. Đồng thời, tăng cường nắm tình hình, kịp thời giải quyết các tin báo, tố giác tội phạm, nhất là tội phạm lừa đảo sử dụng công nghệ cao.
Tuy nhiên, bên cạnh sự vào cuộc của các lực lượng chức năng, mỗi người dân cần phải đề cao cảnh giác, chủ động cập nhật thông tin, nâng cao hiểu biết để không bị “sập bẫy” lừa đảo qua internet và các trang mạng xã hội.
Đắc Vinh