Cảnh báo chiêu trò dụ học sinh, sinh viên mở tài khoản ngân hàng để lừa đảo

07/10/2024 06:18

Lợi dụng việc mở rộng lứa tuổi được cấp căn cước công dân của Chính phủ, các đối tượng xấu đã “rộ” lên phương thức lừa đảo mới. Đó là dụ dỗ học sinh, sinh viên mở tài khoản tại các ngân hàng, sau đó chuyển lại cho các đối tượng để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo cơ quan chức năng, phương thức, thủ đoạn lừa đảo phổ biến mà các đối tượng áp dụng là lôi kéo, dụ dỗ học sinh, sinh viên được cấp căn cước công dân mở tài khoản thanh toán và trả công cho người mở. Các đối tượng cung cấp cho học sinh, sinh viên một chiếc điện thoại có sẵn sim để đăng ký mở tài khoản thanh toán và dịch vụ Internet Banking, SMS Banking.

Sau đó, các đối tượng yêu cầu học sinh, sinh viên trả lại điện thoại, cung cấp thông tin tên, mật khẩu đăng nhập, mật khẩu xác thực (OTP). Các đối tượng cũng thu thập dữ liệu sinh trắc học (khuôn mặt) của các học sinh, sinh viên để phục vụ xác minh danh tính của khách hàng khi có yêu cầu. Các tài khoản này sau đó thường được lợi dụng vào các mục đích vi phạm pháp luật như rửa tiền, trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tài trợ khủng bố...

Công tác tuyên truyền trong trường học để nâng cao ý thức cảnh giác cho học sinh luôn được quan tâm. Ảnh: D.N

 

Gần đây nhất, ngày 15/5/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2024/NĐ-CP quy định về thanh toán không dùng tiền mặt, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP. Trong đó, bổ sung quy định về hành vi bị cấm trong mở và sử dụng tài khoản thanh toán như cung cấp không trung thực thông tin có liên quan đến việc cung ứng hoặc sử dụng dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán; mở hoặc duy trì tài khoản thanh toán, ví điện tử nặc danh, mạo danh; mua, bán, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, ví điện tử; thuê, cho thuê, mua, bán, mở hộ thẻ ngân hàng (trừ trường hợp thẻ trả trước vô danh); lấy cắp, thông đồng để lấy cắp, mua, bán thông tin tài khoản thanh toán, thông tin thẻ ngân hàng, thông tin ví điện tử.

Ông Hoàng Minh Tân – Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh cho biết: Theo khoản 5, 6, Điều 26, Nghị định 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng khi vi phạm một trong các hành vi là thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 1 tài khoản đến dưới 10 tài khoản; phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với vi phạm một trong các hành vi là thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 10 tài khoản thanh toán trở lên.

Từ những diễn biến của chiêu trò dụ học sinh, sinh viên mở tài khoản để lừa đảo và trước yêu cầu trên, UBND tỉnh có văn bản 2597/UBND-KTTH ngày 22/7/2024 đề nghị các cơ quan liên quan phối hợp ngăn chặn việc mua, bán tài khoản thanh toán của học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường các giải pháp về an toàn bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, chú trọng hoạt động quản lý tài khoản ngân hàng và tài khoản tín dụng có chức năng thanh toán.

Rà soát chặt chẽ các quy trình nội bộ đăng ký, kích hoạt sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử. Đối với khách hàng là học sinh, sinh viên đến mở tài khoản phải đăng ký bằng số điện thoại chính chủ. Khi phát hiện có dấu hiệu bất thường phối hợp với Công an tỉnh xác minh làm rõ, nhằm xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật có sử dụng công nghệ cao, lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Tuyên truyền mọi lúc, mọi nơi, nhất là cho giới trẻ luôn mang lại hiệu quả và lan tỏa. Ảnh: DN

 

Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các đơn vị trường học, cơ sở giáo dục phổ biến đến cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, sinh viên nắm rõ phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm công nghệ cao, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Ngoài ra, thông tin các hành vi bị cấm trong hoạt động mở, sử dụng tài khoản thanh toán và quy định xử phạt vi phạm hành chính nhằm nâng cao nhận thức về tuân thủ pháp luật cho học sinh, sinh viên về mối nguy hại và hậu quả của việc trao đổi, mua bán, công khai hóa thông tin về tài khoản ngân hàng; đồng thời, tích cực tham gia tố giác tội phạm khi bị các đối tượng xấu dụ dỗ, lôi kéo mua, bán thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng để cơ quan chức năng kịp thời xử lý.

Công an tỉnh tích cực phối hợp với các cấp, các ngành đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến phương thức, thủ đoạn, hậu quả do hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây ra và các quy định của pháp luật có liên quan hoạt động mua/bán tài khoản thanh toán để nâng cao ý thức cảnh giác của người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, triển khai quyết liệt các biện pháp tăng cường công tác nắm tình hình, chủ động phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các hành vi liên quan đến tội phạm công nghệ cao, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Để cảnh giác với thủ đoạn phạm tội mới, Công an tỉnh khuyến cáo người dân tuyệt đối không cho người lạ mượn, chụp, thuê, mua tài khoản ngân hàng nếu không có mục đích chính đáng; không đăng tải, chia sẻ hình ảnh căn cước công dân, tài khoản ngân hàng lên mạng xã hội; không cung cấp thông tin căn cước công dân cho những dịch vụ không thiết yếu; cảnh giác và bảo vệ thông tin cá nhân một cách cẩn thận. Nếu nghi ngờ thông tin tài khoản cá nhân lộ, lọt, phải liên hệ ngay với ngân hàng để chủ động khóa tài khoản để hạn chế rủi ro.

Dương Nương

Chuyên mục khác