26/01/2022 06:09
Qua tìm hiểu được biết, ông N. một cán bộ xã Đăk Hà của huyện Tu Mơ Rông đã vay qua app 3 triệu đồng từ dịp Tết Nguyên đán năm trước. Một thời gian sau, ông N. lỡ tay xóa app. Bên cạnh đó, do không có ai nhắc, đòi tiền nên ông N. quên số tiền đã vay. Bẵng đi một thời gian, mấy ngày gần đây ông N. liên tiếp nhận được nhiều cuộc gọi, tin nhắn đe dọa…buộc ông trả tiền.
Không chỉ đe dọa ông N., đối tượng đòi nợ còn nhắn tin đến một đồng chí lãnh đạo huyện, đồng thời, cắt ghép thông tin, hình ảnh của đồng chí lãnh đạo huyện này đăng tải lên mạng xã hội để bôi nhọ và gây sức ép buộc ông N. trả khoản tiền đã vay.
Chuyện người này vay tiền qua app, các đối tượng đòi nợ thuê khủng bố, đe dọa không chỉ cá nhân người vay mà còn cả người thân, bạn bè, đồng nghiệp không phải là mới. Báo chí đã có nhiều bài viết cảnh báo về tình trạng này. Bản thân tôi cũng đã từng có bài viết về trường hợp gia đình chị N.T.T. (ở xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà) vay tiền trên mạng mà lãi mẹ đẻ lãi con đến mức chóng mặt. Cũng vào dịp Tết Nguyên đán năm 2021, chị T. lên mạng gặp quảng cáo cho vay không lãi suất của app có tên là H5. Sau khi chị T. click vào đường link đó, thì được yêu cầu xác nhận cho phép truy cập vào danh bạ, zalo, facebook. Sau khi đồng ý và vài bước thủ tục đơn giản, chị T. quyết định vay gói 1,5 triệu đồng. Nhưng sau đó, chị T. chỉ nhận được 900.000 đồng vào tài khoản ngân hàng của cá nhân.
|
Khoảng một tuần sau, chị T. nhận được điện thoại của nhiều đối tượng khác nhau gọi đòi tiền. Lúc này, chị T. cũng không có đủ số tiền để trả. Điều đó càng làm chị lo lắng. Và cùng lúc này nhiều app cũng mời chào cho chị vay tiền nên chị T. quyết định vay tiếp để lấy tiền trả app kia. Cũng như app ban đầu, chị T. đăng ký vay gói 1,5 triệu đồng nhưng chị cũng chỉ nhận được 900.000 đồng, số tiền 600.000 đồng còn lại thì đối tượng đã trừ vào chi phí môi giới. Cứ như vậy sau khoảng 2 tháng, chị T. đã vay ở 16 app với tổng số tiền lên khoảng 60 triệu đồng. Từ đó, chị T liên tục bị điện thoại đòi nợ và hù dọa làm chị không dám nghe. Các đối tượng chuyển sang gọi điện cho chồng chị, người thân, thậm chí còn dùng hình ảnh con trai của vợ chồng chị T. dán lên cáo phó để gây sức ép.
Thời điểm Tết nguyên đán, mỗi gia đình đều có nhu cầu chi tiêu rất lớn, mua sắm, trả các khoản nợ nần từ trước…Nên hầu như ai cũng cần tiền nhiều hơn so với ngày thường. Tuy nhiên, thời điểm Tết Nguyên đán nhiều người thường kiêng vay mượn, hơn nữa không phải ai cũng dễ dàng vay mượn từ bạn bè, người thân. Còn nếu vay mượn các khoản tiền lớn từ các ngân hàng thì nhiều người không có tài sản để thế chấp, hoặc không thuộc đối tượng để tín chấp. Bởi vậy, nhiều người đành chuyển sang vay nóng hoặc vay qua app. Đặc biệt, thời gian gần đây hình thức vay qua app rất tiện lợi, không đòi hỏi quá nhiều thủ tục, ai cũng có thể vay nên rất nhiều người lựa chọn.
Tuy nhiên, những hệ lụy từ việc vay qua app rất khó lường. Mức lãi rất cao, như trường hợp chị T. vay 1,5 triệu đồng nhưng chị chỉ nhận được 900 nghìn đồng, mất 600 nghìn đồng chi phí môi giới, chưa kể lãi suất tăng qua từng ngày nếu chưa trả. Không chỉ vậy, nếu chậm trả, hoặc trả chưa đủ số tiền vay, người vay và cả những người thân, bạn bè, thậm chí cả lãnh đạo đơn vị người vay cũng bị vạ lây bằng hàng loạt các tin nhắn, việc làm bôi nhọ.
Một lãnh đạo huyện Tu Mơ Rông-trường hợp bị vạ lây do cán bộ vay tiền chưa trả, bị cắt ghép thông tin, hình ảnh đăng tải trên mạng xã hội mới đây - đã bày tỏ, mọi người nên cẩn trọng khi vay qua app hoặc những tổ chức tài chính trên mạng xã hội. Đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán, bà con nên cân nhắc các khoản chi tiêu, hết sức tiết kiệm để tránh tình trạng vay nóng, vay qua app lãi suất rất cao, khó có khả năng chi trả, cuộc sống đã khó khăn lại càng thêm khó khăn theo kiểu vay này.
Phúc Nguyên