Cẩn trọng khi mua hàng qua mạng

14/08/2017 20:49

​Internet phát triển và kéo theo đó là trào lưu mua bán hàng qua mạng trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Nhưng, cùng với các ưu thế: nhanh, tiện lợi, đa dạng các mặt hàng thì kiểu mua này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro…

Dù chuyện đã xảy ra mấy tháng nay nhưng mỗi khi nhắc tới, chị Hoa – đang công tác tại một cơ quan ở thành phố Kon Tum vẫn không khỏi bực mình. Số là, cả nhà chị chuẩn bị về quê, thời điểm đó khu vực miền Bắc đang rét, lo cho cô con gái đang học lớp 9 không có áo lạnh, chị cũng có đi mấy cửa hiệu bán áo quần ở thành phố Kon Tum để tìm mua áo, nhưng phần vì bận công việc, phần kén chọn, hai mẹ con mãi vẫn chưa chọn được.

Nghe đồng nghiệp bày, chị Hoa cũng lên mạng tìm hiểu và đặt hàng một chiếc áo dạ màu xám. Nhìn cô người mẫu mặc thôi, chị cứ tưởng tượng đến ngày con gái mình được mặc áo đó, chắc là đẹp lắm. Hàng chuyển về bằng bưu phẩm (qua bưu điện), chị trả tiền cho chiếc áo 1,2 triệu đồng. Mở gói bưu phẩm ra, chị không khỏi thất vọng khi khác nhau một trời một vực. Chiếc áo chị đặt trên mạng màu xám trông sang trọng là thế, còn chiếc áo chị cầm trên tay chẳng biết tả màu gì, chất liệu cứng đơ, kiểu dáng thì quá già so với bé gái học lớp 9. Gọi điện không được, chị bình luận, nhắn tin qua mạng cũng không nhận được phản hồi, chị Hoa đành ngậm bồ hòn làm ngọt đem chiếc áo về cho bà nội của bé. “Sau lần đó, dù có được chào mời, có thấy đẹp mấy mình cũng chẳng dám hỏi thăm nữa” – chị Hoa bảo.

Kiểu mua hàng trên mạng để rồi nhận “quả đắng” như chị Hoa không phải hiếm. Nhưng, chị Hoa còn may vì chưa ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Trường hợp anh Tr ở phường Lê Lợi, thành phố Kon Tum đáng lo ngại hơn. Thấy trên trang cá nhân một người bạn rao bán hũ rượu ngâm nấm lim xanh. Biết tác dụng tốt của loại nấm này, hỏi han thêm bạn, anh Tr bỏ mấy triệu đồng mua về. Nhưng tốt đâu chưa thấy, “tiền mất tật mang”, anh Tr đau bụng, nôn ói, chóng mặt ngay lần uống đầu tiên. Quá hoảng, anh bỏ luôn cả hũ rượu.

Ngoài bán quần áo, thực phẩm quen thuộc như trên, còn nhớ cách đây 1-2 năm, chiêu lừa được nhiều người đăng trên trang cá nhân  kiểu dạng như: “Mình có ông chú làm Viettel, ổng vừa tiết lộ một thông tin hót hòn họt, khuyến mãi siêu khủng (gấp 10 lần, 20 lần… giá trị thẻ nạp) dành cho nội bộ mà chỉ những người làm trong đó mới biết mà thôi….” để bán card điện thoại. Chiêu lừa này diễn ra công khai, thậm chí những đối tượng xấu còn đăng cả tin nhắn vào các hội, nhóm có đông thành viên.

Tinh vi hơn, kẻ xấu còn đánh cắp tài khoản của người khác sau đó gửi tin nhắn quảng cáo tới danh sách bạn bè của người đó để trục lợi. Không hiếm trường hợp người dùng được bạn bè, người thân hỏi xác nhận thông tin mới phát hiện tài khoản của mình đã bị đánh cắp để phát tán thông tin giả mạo. Dù kiểu lừa này qua thời gian trở nên tràn lan, dần lộ liễu nhưng trên thực tế vẫn khiến nhiều người “dính đòn” không chỉ một lần.

Sau chiêu lừa “ông chú làm Viettel” thì thời gian gần đây kiểu kẹt tiền cần bán gấp điện thoại (dạng iphone), máy tính mới mua với giá rẻ rất nhiều so với thực tế cũng khiến cho nhiều người ham. Nhưng rồi, đúng “tiền nào của nấy”, mua rồi chỉ sử dụng được thời gian ngắn bị hư hỏng. Ấm ức vì bị lừa, người mua liên lạc lại hầu như chỉ nhận được tiếng ò í e từ đầu máy kia.

Không chỉ vậy, gần đây, chiêu bán hàng theo kiểu “chia sẻ” có vẻ gì đó nhẹ nhàng hơn nhưng cũng khiến nhiều người ngán ngẫm. Chị H ở đường Phạm Văn Đồng, thành phố Kon Tum kể rằng, chị có trang cá nhân Facebook, dù số lượng bạn không nhiều (phải là người có quen) và  số lần truy cập cũng ít nhưng mỗi lần hễ chị mở ra là thấy hết người này lại đến người khác đăng tin rao bán hàng. Mà trong số đó, phần lớn đều được chào mời kiểu: Hỡi 500 anh em ơi, em không phải buôn bán gì đâu. Nhưng số là em có ông bạn/ ông chú/ bà cô/ ông, bà/ bà chị…  ở quê gửi cho (đủ các thể loại, từ các loại trái cây, đến mỹ phẩm, thực phẩm…) số lượng không nhiều, nhà dư dùng nên em muốn chia sẻ. Các mẹ, các thím có nhu cầu inbox em, yên tâm là hàng chất lượng như hình và giá vô cùng hạt dẻ, em sẽ ship đến tận nhà cho các mẹ. Số lượng có hạn và hàng về theo đợt nên các mẹ, các thím nhanh tay inbox nhé. Không lời lãi gì, chỉ là để chia sẻ một phần phí vận chuyển thôi mà vất vả thế đấy các mẹ ạ. Hình ảnh đây, 500 anh em, các mẹ các thím… xem và thoải mái lựa chọn nhé.

“Mới đầu mình cũng tưởng thật, gọi điện đặt hàng, đặc biệt là mấy loại trái cây, thực phẩm. Đặt hàng mua về chẳng thấy đúng là quà quê hay hàng xịn như giới thiệu; rồi thắc mắc số lượng có hạn sao ngày nào cũng rao bán… Nói ra cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì, từ đó mình tự nhủ lòng không đặt mua hàng kiểu bằng lòng tin này nữa” - chị H nói.

Trước “ma trận” người người, nhà nhà kinh doanh hàng hóa trên internet như hiện nay, để tránh bị lừa, nhận hàng kém chất lượng, người mua cần tỉnh táo, tránh ham rẻ so với giá trị thực tế, nên mua các mặt hàng đã có thương hiệu, địa chỉ uy tín và cần phải  kiểm tra hàng, hóa đơn chứng từ thật kỹ mới trả tiền...

Nguyên Phúc 

Chuyên mục khác