Cần triệt để ngăn chặn tình trạng tàng trữ, sử dụng vũ khí trái phép

18/04/2018 18:11

Đến bây giờ, người dân Kon Tum vẫn không thể quên được vụ nổ súng kinh hoàng tại quán bi-a Hải Sơn (đường Lê Quý Đôn, thành phố Kon Tum) vào trưa 27/3, hậu quả làm một người thiệt mạng và một người bị thương. Sự việc trên, thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng tàng trữ, sử dụng vũ khí trái phép nói chung và vũ khí quân dụng nói riêng.

Điều đáng nói, trong thời gian qua, nhiều vụ án gây xôn xao dư luận xảy ra liên tiếp ở các địa phương trong nước đều liên quan đến việc tàng trữ, sử dụng vũ khí trái phép.

Chỉ sau vụ nổ súng ở thành phố Kon Tum vài ngày, xảy ra vụ sử dụng vũ khí quân dụng làm chết một cô gái trẻ 18 tuổi tại một phòng trọ tại đường Lê Duẩn, thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai). Và, trong tối hôm đó, tại huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) cũng xảy ra một vụ án mạng do một nhóm người ngồi nhậu và nghịch súng săn, làm một người chết…

Liên quan đến đến tàng trữ, sử dụng vũ khí trái phép, vào ngày 4/4, hai nhân viên thuộc Đội trồng rừng- Bảo vệ rừng Đăk Tờ Kan, thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô, bị lâm tặc dùng báng súng đánh vào đầu làm một người bị thương; trước đó đối tượng nổ súng bắn xuống đất để đe dọa cán bộ kiểm lâm. Vụ việc đang được cơ quan chức năng địa phương điều tra, xử lý…

Có thể nói, việc tàng trữ, sử dụng vũ khí trái phép vẫn tồn tại trong cộng đồng và đã gây ra những hệ lụy khôn lường, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Điều đó đặt ra trách nhiệm với các cấp chính quyền và ngành chức năng, cần phải siết chặt hơn nữa công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ và các công cụ hỗ trợ khác. Bởi đây chính là những mầm mống gây ra tội ác.

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Văn Thắng - Trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh) cho biết: Nhà nước đã có một hệ thống hành lang pháp lý quy định rất rõ về quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Bộ luật Hình sự cũng có nhiều điều luật với chế tài đủ sức răn đe với từng hành vi liên quan đến mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ. Nhưng do ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân chưa nghiêm túc, lợi dụng kẽ hở của pháp luật để vi phạm pháp luật về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ…

Theo Đại tá Nguyễn Văn Thắng, đối với vũ khí tự chế (bao gồm các loại súng săn, súng hơi, súng cồn…) là chủ yếu do người dân tự chế tạo. Một số cơ sở sản xuất súng tự chế trong nước do một số đối tượng hám lợi, lén lút sản xuất sau đó bán cho những đối tượng có nhu cầu sử dụng. Đối với vũ khí quân dụng và công cụ hỗ trợ một số đối tượng đang sử dụng trái phép hiện nay, đều được “thẩm lậu” qua các đường biên giới, lọt vào Việt Nam. Ví như vụ nổ súng vào ngày 27/3 vừa qua tại thành phố Kon Tum, đối tượng sử dụng một loại súng mới, chưa từng được đăng ký tại Việt Nam…

Cũng theo Đại tá Nguyễn Văn Thắng, ngày nay các đối tượng phạm tội thường đặt mua một khẩu súng, một công cụ hỗ trợ thông qua các trang mạng xã hội rất dễ dàng. Điều đáng nói là việc chuyển giao các “hàng nóng” này đều do các dịch vụ chuyển phát của các cơ sở, dịch vụ không chính thống lén lút thực hiện. Chính vì vậy, việc kiểm soát của cơ quan chức năng trong việc mua bán, tàng trữ vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trái phép cũng gặp không ít khó khăn.

Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, kiểm soát, quản lý tại một số địa bàn, cửa khẩu biên giới và của một số ngành liên quan còn có những sơ hở, thiếu chặt chẽ và đồng bộ. Vì vậy, việc thẩm lậu các mặt hàng nguy hiểm này qua biên giới vẫn tiếp tục diễn ra, không gặp mấy trở ngại.

Hàng năm, Bộ Công an duy trì tổ chức hội nghị phòng chống tội phạm với các nước có đường biên giới chung với Việt Nam, trong đó có nội dung siết chặt quản lý việc buôn bán vũ khí quân dụng qua đường biên giới. Nhưng thực tế thì vũ khí quân dụng vẫn được đưa trái phép vào Việt Nam, và đã có một số vụ do sử dụng vũ khí quân dụng trái phép để gây án…

Hàng năm, tỉnh Kon Tum đều chỉ đạo ngành chức năng triển khai thực hiện Cuộc vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ ở các địa phương cơ sở. Chỉ tính riêng trong năm 2017, lực lượng công an các cấp đã vận động nhân dân giao nộp, thu hồi 470 khẩu súng các loại; trong đó có 22 khẩu súng tiểu liên, 8 súng ngắn, 8 súng trường và 432 súng tự chế. Ngoài ra, thu hồi 388 viên đạn các loại, 224 công cụ hỗ trợ các loại, 68 vũ khí thô sơ, 2 quả đạn và 1 lựu đạn…

Đối với những người dân tự chế ra súng để đi săn hoặc thu lượm được vũ khí tại các bìa rừng, nương rẫy… do chiến tranh còn sót lại, qua vận động của các địa phương và ngành chức năng, họ đã ý thức được sự nguy hiểm nên tự nguyện giao nộp. Tuy nhiên, vẫn còn một số người dân lén lút cất giấu tại các chòi rẫy, khe suối… mà không chịu giao nộp, điều này tiềm ẩn những nguy cơ gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội và sự an toàn tính mạng của cộng đồng.

Những đối tượng tự bỏ tiền ra mua vũ khí, nhất là súng quân dụng thường là những tay anh chị, bảo kê cho các vũ trường, quán bar, buôn lậu gỗ…, đây chính là những đối tượng gây ra mầm mống nguy hiểm cho xã hội và  chắc chắn không bao giờ giao nộp cho cơ quan công an. Bởi, họ mua vũ khí là có chủ đích để “tự vệ” trong làm ăn, khi nảy sinh mâu thuẫn trong kinh doanh hay cạnh tranh trên thương trường thì họ sẵn sàng thanh toán lẫn nhau…

Thực hiện pháp luật là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó có vai trò quan trọng của cả hệ thống chính trị trong việc thực thi và giám sát thực thi pháp luật. Nhưng thực tế hiện nay, việc quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ- ngoài lực lượng công an là nòng cốt- các ngành, các cấp, địa phương vẫn chưa quan tâm đúng mức mà xem đó là “việc” của lực lượng công an. Vì vậy, tình trạng thiếu đồng bộ trong phối hợp nắm bắt tình hình, trao đổi thông tin và xử lý vụ việc giữa các cơ quan, đoàn thể xã hội với lực lượng công an vẫn xảy ra, gây ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả công tác quản lý, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ...

Thiết nghĩ, trong thời gian tới, lực lượng chức năng cần tập trung tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân -nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, để người dân tự giác chấp hành, tích cực phát hiện, tố giác những đối tượng tàng trữ, mua bán, vận chuyển và sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng cố tình cất giấu vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để sử dụng trái phép…  

Đã đến lúc chính quyền và cơ quan chức năng các cấp cần phải nâng cao hơn nữa hiệu lực quản lý nhà nước trong kiểm tra, chấn chỉnh công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; kiên quyết không để tội phạm lợi dụng sơ hở, thiếu sót để tàng trữ, mua bán, vận chuyển và sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, gây ra tội ác, làm bất ổn xã hội.

Với sự quyết tâm vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của toàn dân, chắc chắn những hiểm họa từ việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái phép hoàn toàn được ngăn chặn. Tất cả vì cuộc sống bình yên của nhân dân!

Dương Đức Nhuận

Chuyên mục khác