Cần hiểu đúng tinh thần Nghị quyết 112/CP

29/11/2017 12:59

​Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị quyết 112, thông qua phương án của Bộ Công an về việc bỏ các thủ tục về sổ hộ khẩu, Chứng minh nhân dân trong quản lý dân cư để thống nhất việc quản lý bằng mã số định danh cá nhân. Tuy nhiên, kể từ khi Nghị quyết trên có hiệu lực, nhiều người đã hiểu sai về tinh thần của Nghị quyết…

Thực hiện công tác cải cách hành chính của Chính phủ, ngày 30/10/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 112 về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an.

Nghị quyết thông qua phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân, trong đó có lĩnh vực công tác cấp, quản lý Chứng minh nhân dân và đăng ký, quản lý cư trú, chứ không phải hoàn toàn “bỏ hẳn” việc dùng Chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu cũng như đăng ký nhân khẩu và làm Chứng minh nhân dân khi công dân đến độ tuổi. Ngay sau khi Nghị quyết số 112 được ban hành, nhiều cơ quan báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng, người dân và Công an địa phương chưa hiểu rõ về tinh thần Nghị quyết, dẫn đến túng lúng trong việc triển khai thực hiện.

Đại tá Nguyễn Văn Thắng- Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh) cho biết: “Do hiểu sai tinh thần Nghị quyết, nên từ khi Nghị quyết 112 được ban hành, số lượng người dân đến Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội để làm chứng minh giảm khoảng 80%. Đây là một chuyện hiểu lầm nghiêm trọng, bởi người dân chưa hiểu đúng, hiểu hết tinh thần của Nghị quyết 112/CP”…

Theo lộ trình, Bộ Công an sẽ tiến hành bãi bỏ các nhóm thủ tục hành chính về cấp, quản lý Chứng minh nhân dân và bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng sổ hộ khẩu và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân.

Tại Điều 2, Nghị quyết số 112 quy định: Giao Bộ Công an căn cứ nội dung phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính được Chính phủ thông qua tại Điều 1 Nghị quyết này, trong phạm vi thẩm quyền chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ thủ tục hành chính, giấy tờ công dân quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành phù hợp với thời điểm hoàn thành, vận hành của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Theo đó, việc thực hiện các nội dung liên quan đến công tác cấp, quản lý Chứng minh nhân dân; đăng ký, quản lý cư trú theo tinh thần Nghị quyết 112/CP sẽ được đề xuất khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Dự án sản xuất, cấp, quản lý Căn cước công dân được hoàn thành và đi vào hoạt động.

Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ được triển khai thực hiện từ năm 2017 và dự kiến đến năm 2020 thì hoàn thành. Còn Dự án sản xuất, cấp, quản lý Căn cước công dân theo quy định của Luật Căn cước công dân phải triển khai thực hiện để tổ chức cấp thẻ Căn cước công dân trong toàn quốc từ ngày 1/1/2020.

Hiện nay khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Dự án sản xuất, cấp, quản lý Căn cước công dân chưa hoàn thành và đi vào sử dụng thì công tác cấp, quản lý Chứng minh nhân dân và công tác đăng ký, quản lý cư trú vẫn thực hiện theo quy định của Luật cư trú và Nghị định về Chứng minh nhân dân…

Và cho đến thời điểm này tại tỉnh ta, đơn vị trúng thầu xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Tập đoàn Viễn thông quân đội) đã tiến hành hoàn tất công tác khảo sát đặt Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư của tỉnh, tại Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh) và tại Công an các huyện, các xã, phường, thị trấn…

Dương Đức Nhuận

Chuyên mục khác