Cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi: Liệu có khả thi

25/11/2017 06:57

​Bán rượu cho người dưới 18 tuổi là vi phạm quy định pháp luật về kinh doanh rượu. Đây là một trong những nội dung của Nghị định 105/2017/NĐ-CP của Chính phủ (ban hành ngày 14/9/2017) có hiệu lực từ 1/11/2017 quy định về kinh doanh rượu. Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực hiện quy định này rất khó…

Nghị định 105/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hoạt động kinh doanh rượu, bao gồm hoạt động sản xuất, nhập khẩu, phân phối, bán buôn, bán lẻ rượu; hoạt động bán rượu tiêu dùng tại chỗ. Trong đó có nội dung cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi, bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên qua mạng Internet, bán rượu bằng máy bán hàng tự động được các nhà quản lý, những người kinh doanh và người tiêu dùng quan tâm nhiều nhất.

Xét về mặt lợi ích, quy định này góp phần bảo vệ những người chưa thành niên trước tác hại của rượu. Tuy nhiên, nhiều người lại tỏ ra băn khoăn, hoài nghi về tính khả thi trong việc thực hiện quy định này. Bởi thực tế hiện nay, ở tỉnh ta, mặt hàng rượu được bày bán một cách tràn làn trên thị trường từ các cửa hàng chuyên kinh doanh rượu, cơ sở nấu rượu, đến siêu thị, cửa hàng tạp hóa, quán ăn, quán nước...; đặc biệt là loại rượu nấu thủ công. Ở đâu, khi nào và bất kỳ ai cũng có thể mua được rượu. Người bán hàng cũng không quan tâm xem đối tượng mua rượu là ai, chỉ cần người mua có nhu cầu là bán.

Chị Oanh (chủ một cửa hàng tạp hoá trên đường Phan Đình Phùng, thành phố Kon Tum) chia sẻ: Lâu nay ai đến mua thì tôi bán chứ không hề phân biệt tuổi tác. Ai có nhu cầu mua rượu thì mình bán thôi, chẳng lẽ bán rượu mà còn hỏi tuổi người mua. Chưa kể, nhiều gia đình thường có thói quen sai con cháu đi mua giùm thì chẳng lẽ mình không bán. Mới đây, tôi cũng nghe có quy định phải bán rượu cho người trên 18 tuổi, tôi nghĩ điều này thật khó bởi chẳng lẽ cứ khi nào có khách hàng là thanh niên đến mua rượu là bắt họ phải cho xem chứng minh nhân dân hay sao. Làm vậy thì ai đến mua hàng của mình nữa, khách hàng là “thượng đế”, họ có nhu cầu mua rượu thì phải bán thôi.

Với những người bán lẻ đã khó, với những chủ quán nhậu, cửa hàng ăn uống, việc kiểm soát độ tuổi của “thượng đế” càng khó khăn hơn. Theo khảo sát của phóng viên, những người bán hàng khi được hỏi đều tỏ ra băn khoăn bởi nếu khách hàng yêu cầu phục vụ rượu mà không bán thì không được, làm thế khác nào đuổi khách, mà bán thì vi phạm. Chưa kể, trong một nhóm khách hàng chỉ có vài người dưới 18 tuổi thì các chủ quán cũng không thể biết và kiểm soát được .

Rượu không phải là hàng cấm, nhất là các vùng nông thôn rượu vẫn thường được bán theo kiểu nhỏ lẻ, thậm chí là bán rong, bán dạo. Ở tỉnh ta, rất nhiều hộ nấu rượu, bán rượu thủ công không có đăng ký, không có giấy phép kinh doanh nên ngay cả chính quyền các địa phương cũng không biết ai bán rượu chứ chưa nói đến việc phát hiện và xử lý vi phạm. Lực lượng chức năng, chính quyền cơ sở càng không thể đi mật phục mọi lúc ở những nơi có bán rượu để kiểm tra…

Quy định cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi, đây không phải lần đầu tiên mới có. Trước đây, đã có một số nghị định quy định về hoạt động sản xuất kinh doanh rượu cũng đã đề cập đến quy định cấm bán rượu cho người chưa thành niên. Tuy vậy, đến nay, những quy định này vẫn chưa đi vào thực tiễn. Rõ ràng đây là vấn đề khó, nan giải. Nó không khác mấy so với quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng trước đây, cấm cứ cấm, hút cứ hút; không có ai xử lý và cũng chẳng có người nào bị xử phạt.

Vẫn biết, quy định cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi là để nhằm hạn chế tình trạng uống rượu bia trong thanh thiếu niên, góp phần ngăn chặn những hệ luỵ từ việc để trẻ em tiếp xúc nhiều với rượu. Đây là điều cần thiết, tuy nhiên, để ngăn chặn việc bán rượu cho người chưa thành niên và hạn chế việc sử dụng rượu trong đối tượng này, các cấp, các ngành cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, giáo dục để người dân từng bước thay đổi nhận thức đến hành động của mình; nếu chỉ chăm chăm áp dụng biện pháp hành chính thì chẳng khác nào “múc nước bằng rổ”…

Thiên Hương

Chuyên mục khác