“Cả giận mất khôn”, rơi vào vòng lao lý

07/06/2022 06:03

Đôi mắt đỏ hoe, bị cáo Đinh Văn Lực đưa đôi tay gầy guộc ôm chầm lấy con gái 3 tuổi. Mẹ, vợ, người thân ngồi bên cạnh, nước mắt giàn giụa. Tranh thủ phút giây nghỉ nghị án ngắn ngủi, họ tâm sự, nói với nhau rất nhiều điều. Trong ánh mắt thất thần bởi những suy nghĩ rối bời, bị cáo xin lỗi gia đình, xin lỗi người bị hại vì hành vi của chính mình. Nhưng giờ đây, ăn năn, hối hận cũng đã muộn màng, bị cáo phải chịu 13 năm tù về tội giết người.

Nhìn thấy bị cáo Đinh Văn Lực bước xuống xe, người thân, đứng từ xa đã òa khóc. “Khổ thân! Nó hiền lành vậy mà” - ở tuổi 77, mẹ của bị cáo như muốn ngã quỵ khi thấy đôi tay gầy còm của con trai trong chiếc còng số 8. Nhìn thấy mẹ, thấy con, thấy vợ và người thân nhưng không thể đến gần, tâm trạng rối bời, bị cáo cúi gằm mặt, che đi những giọt nước mắt lưng tròng.

Trước khi xảy ra sự việc, bị cáo Đinh Văn Lực chưa từng có tiền án, tiền sự. Bị cáo sinh sống đầm ấm với vợ và 4 người con ở xã Chư Hreng, thành phố Kon Tum. Ngày 28/6/2021, vì mâu thuẫn trước đó, bị cáo Đinh Văn Lực không cho con gái của chị dâu Nguyễn Thị Loan đặt nhờ giàn giáo bên nhà con trai của mình là Đinh Văn Quyền để tô tường. Thấy vậy, bà Loan sang nhà Quyền chửi bới. Có mặt tại nhà Quyền, liên tục nghe bà Loan chửi bới, tức giận, bị cáo Lực đã dùng dao rựa chém 2 nhát vào vùng cổ, đỉnh đầu của bà Loan. Vết chém sâu khiến bà Loan bị tổn thương 65% (tại thời điểm giám định).

Đứng trước vành móng ngựa, trả lời theo câu hỏi của hội đồng xét xử, bị cáo Đinh Văn Lực vẫn nghe rõ mồn một tiếng thút thít khóc của người thân, của hàng xóm phía dưới những hàng ghế dự khán. Rối bời bởi những suy nghĩ, lo toan trong lòng, bị cáo cúi đầu nhận tội. Hối hận vì “cả giận mất khôn”, bị cáo run run trình bày, mong nhận được sự khoan hồng của pháp luật.

Tức giận - ai cũng có lúc trải qua trạng thái như thế. Và thực tế, việc giữ bản thân mình tránh khỏi những cơn giận dữ chưa bao giờ là dễ dàng. Ông bà vẫn thường nói: “Một điều nhịn, chín điều lành”, việc cư xử hài hòa, bình tĩnh sẽ giúp mọi việc được giải quyết một cách êm xuôi, nhẹ nhàng. Chính bị cáo Đinh Văn Lực cũng tự nhận thấy rằng, nếu trong tình huống ấy, biết kiềm chế, biết nhẫn nhịn, cư xử hài hòa, thì giờ đây không phải đứng trước vành móng ngựa. 

Bị cáo Đinh Văn Lực hối hận vì hành vi mình gây ra. Ảnh: H.T

 

Tôi đã từng dự nhiều phiên tòa như thế. Nhiều bị cáo với đủ lứa tuổi, vì một phút nóng giận, thiếu kiềm chế đã ra tay sát thương, thậm chí sát hại người khác, tạo ra những tấm bi kịch đau lòng trong cuộc sống. Để rồi, sau sự việc, phải nhận lấy những hình phạt từ vài tháng, vài năm tù, thậm chí, tù chung thân; để lại nỗi đau đeo đẳng cho bản thân, cho gia đình, cho người bị hại. Đến khi bình tĩnh, hối hận thì đã muộn màng.

Đi tù, điều làm bị cáo Lực lo lắng nhất chính là gia đình. Bị cáo có 4 người con. Tuy nhiên, là trụ cột, là lao động chính trong gia đình, giờ bị cáo đi tù, gánh lo cơm, áo, gạo, tiền đè nặng lên vai người vợ. Cuộc sống đã khó khăn, nay lại càng khó hơn khi gia đình lại phải gánh hơn 100 triệu đồng tiền bồi thường thiệt hại và các khoản khác.

Bị cáo Đinh Văn Lực bị kết án 13 năm tù. Phiên tòa kết thúc nhưng nỗi đau vẫn hiện diện. Bước ra xe, bị cáo vẫn ngoái mắt nhìn về phía người thân. Nước mắt giàn giụa, mẹ, vợ và con bị cáo thẫn thờ trở về, đối diện với những khó khăn trong ngôi nhà thiếu vắng tiếng cười hạnh phúc.

Trong cuộc sống muôn màu muôn vẻ, không ai không tránh khỏi những xích mích, va chạm. Nhưng, bạo lực chưa bao giờ là lựa chọn đúng đắn trong mọi trường hợp. Bạo lực chỉ gây nên oán thù, tan đàn xẻ nghé, đau khổ cho chính mình và thương tâm cho người khác. Vụ án của của bị cáo Đinh Văn Lực tiếp tục là bài học đắt giá để mỗi người tự suy ngẫm, soi rọi, học cách kiểm soát cảm xúc của bản thân, để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

 Hoài Tiến

Chuyên mục khác