“Bóng ma” tín dụng đen và cuộc chiến chưa có hồi kết- Kỳ II: Vì sao khó dẹp nạn tín dụng đen?

12/06/2019 13:01

Không cần phải nói nhiều về những hậu quả khôn lường mà tín dụng đen đem lại cho đời sống người dân và xã hội. Câu hỏi đặt ra là: tín dụng đen hoành hành như vậy, phạm pháp như vậy, nhưng sao lại khó dẹp đến thế?

Tờ giấy biên nhận "ma"

Cuối cùng, sau rất nhiều lần năn nỉ ỉ ôi, cậu em "xã hội" cũng gật đầu đồng ý đưa tôi đi "mục sở thị" hoạt động của các đối tượng nằm trong đường dây tín dụng đen mà cậu quen biết.

Lần đầu tiên, tôi tận mắt chứng kiến... Địa điểm là một quán cà phê nằm kín đáo ven Tỉnh lộ 671, cách trụ sở UBND xã Đăk Cấm (thành phố Kon Tum) không xa.

Cậu em ấn tôi ngồi xuống cái bàn sát cửa, kín đáo hất đầu sang bàn bên cạnh, nơi có 2 thanh niên và một người đàn ông trung tuổi đang ngồi.

- Đó hả? Tôi thì thầm.

Cậu em đưa tay lên miệng: Suỵt! Hai thanh niên là người cho vay. Anh đừng có nhìn ngang nhìn dọc như thế, bình thường đi. Nhớ là không lén chụp ảnh đấy nhé. Chúng biết được thì chết.

Khác với hình dung của tôi, trong khi người đàn ông trung tuổi có nước da cháy nắng, dáng người khắc khổ, thì 2 thanh niên ăn mặc đàng hoàng, dáng người cao ráo, nói năng nhẹ nhàng, chứ không bặm trợn, ngổ ngáo. Ba người nói chuyện có vẻ thân tình lắm.

Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, cậu em cười, rỉ tai giải thích: Để điều hành đường dây tín dụng đen hiệu quả, ít bị cơ quan chức năng “sờ gáy”, những kẻ cầm đầu đã nghĩ ra cách đối phó, đó là chia "quân" ra làm hai nhóm. Một nhóm chuyên đi dụ dỗ, lôi kéo khách hàng, gọi là nhân viên tư vấn ấy, gồm những người có vẻ ngoài tử tế; nhóm còn lại dùng để đòi nợ, quy tụ những tay xăm trổ, ngổ ngáo, có máu mặt.

Tôi chú ý lắng nghe, thấy 2 thanh niên tư vấn rất tận tình cách vay, cách trả; về  sự thuận tiện, dễ dàng của hình thức "cho vay không cần thế chấp" này.

"Ai mà chẳng có lúc gặp khó khăn, chỉ cần có nhu cầu đều được tụi em đáp ứng hết. Chỉ cần cho biết địa chỉ nhà, trường học, nơi ở trọ rồi “alô là có tiền”- một thanh niên khoe.

Có một điều, từ đầu đến cuối, tôi phát hiện hai thanh niên khá mập mờ khi nói đến vấn đề lãi suất. Có lẽ đây là chiêu trò để người vay không cảnh giác. Chính vì vậy mà ai đã trót vay tiền của dân “xã hội đen” thì đường nào cũng chết, chúng có nhiều cách khiến anh không lối thoát, bị chúng “hút máu” đến cạn kiệt.

Cuộc bàn thảo nhanh chóng chấm dứt. Hai bên ký giấy, giao - nhận tiền rồi 2 thanh niên lên xe máy rời đi, không quên nhắc nhở "nhớ trả đúng hạn nhé, ông anh", bỏ lại người đàn ông trung tuổi đứng thẫn thờ với xấp tiền và tờ giấy biên nhận trên tay.

Phải vất vả lắm tôi mới thuyết phục được người đàn ông cho xem tờ giấy biên nhận.

Lạ lùng thay, không phải tờ biên nhận vay tiền bình thường, mà mang nội dung "ma": "Do có quen biết với lãnh đạo Công ty chuyên kinh doanh xe máy nên anh... nhờ tôi đứng ra mua dùm anh một chiếc xe máy mới hiệu Yamaha với số tiền đặt cọc trước là 15 triệu đồng. Và anh... hẹn 10 ngày sau sẽ hoàn trả số tiền 15 triệu đồng bên cho vay đã đặt dùm anh. Nếu đúng thời hạn, anh... không hoàn trả số tiền trên thì phải hoàn trả cho bên cho vay chiếc xe mới mang nhãn hiệu Yamaha..." - giấy biên nhận viết.

Cuối hợp đồng là câu “Tôi ký giấy này trong điều kiện tinh thần hoàn toàn tỉnh táo và tự nguyện, không bị ép buộc”.

Trên giấy biên nhận có chữ ký, lăn vân tay của người vay tiền.

Rõ ràng, người vay đã bị cuốn vào vòng xoáy ma quỷ, bởi không chỉ chịu lãi cắt cổ (tương đương 180%/năm), người vay có thể sẽ bị bắt đền một chiếc xe máy mới mà giá trị của nó ít nhất là gấp đôi số tiền đang vay, nếu đến hạn không thanh toán kịp số tiền đã vay.

Sau này tôi mới biết, tờ biên nhận kiểu này sẽ là "bảo bối" giúp các đối tượng né các cơ quan chức năng.

Tờ giấy biên nhận "cột chặt" con nợ nhưng lại giúp chủ nợ thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật. Ảnh: HL

 

Khó xử lý

"Trả không hết mà trốn không xong" là bi kịch mà đa số nạn nhân của tín dụng đen gặp phải.

Cứ như cậu em tiết lộ thì những đường dây này có cách săn lùng con nợ hiệu quả đến mức, không một con nợ nào xù nợ được khi chúng đã nắm được nơi ăn, chốn ở, chỗ làm việc, học hành.

Khi ấy, đội quân đòi nợ sẽ theo sát con nợ từng phút từng giây, liên tục gọi vào máy điện thoại của con nợ; thậm chí cho nạn nhân một trận bầm dập đến khi "nôn" ra tiền mới thôi.

Như vậy, không cần bàn cãi, hoạt động tín dụng đen chính là nguyên nhân phát sinh nhiều loại tội phạm xâm phạm đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm cần ngăn chặn.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, rất ít đối tượng cho vay theo kiểu tín dụng đen bị xử lý. Vì sao vậy?

Theo một cán bộ công an đã tốn nhiều thời gian, công sức đấu tranh với các nhóm tín dụng đen trên địa bàn thành phố Kon Tum, nguyên nhân thì có nhiều, nhưng tựu trung có 2 nguyên nhân chính: thứ nhất, luật pháp vẫn còn những kẽ hở; thứ hai, các đối tượng này có đủ mánh khóe để né các cơ quan thực thi pháp luật...

Còn nhớ, tại Kỳ họp thứ 7- HĐND tỉnh khóa XI (tháng 12/2018), vấn nạn tín dụng đen cũng làm nóng nghị trường. Trả lời chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh, Đại tá Nguyễn Công Văn - Giám đốc Công an tỉnh cũng xác nhận rằng, dù lực lượng chức năng đã rất nỗ lực trong đấu tranh, ngăn chặn tín dụng đen, nhưng hoạt động này vẫn chưa được xử lý hiệu quả.  

Theo Đại tá Văn, trong Bộ luật Hình sự 2015 có quy định mức lãi suất trần để xác định dấu hiệu của tội phạm cho vay nặng lãi. Cụ thể, tại Điều 201 quy định: Người nào cho vay lãi suất gấp năm lần mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự (tức là khoảng 8,33%/tháng trở lên), thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên là có dấu hiệu phạm tội cho vay nặng lãi, bị xử lý bằng hình phạt cải tạo không giam giữ; nếu thu lợi bất chính đến 100 triệu đồng thì hình phạt cao nhất là 3 năm tù, nhưng không được tạm giam.

Đây chính là kẽ hở để các đối tượng xấu lợi dụng. Vì trên thực tế, để che giấu mức lãi khủng khiếp, chủ đường dây tín dụng đen chia nhỏ số tiền cho vay, đồng thời không thể hiện trên giấy tờ vay mức lãi suất nhưng vẫn thu tiền lãi hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng; khi bắt giữ, lực lượng công an khó chứng minh được mức lãi này để xử lý.

Chủ các đường dây tín dụng đen cũng lách bằng cách ghi hợp đồng cho vay dưới hình thức khác, nên việc xử lý đối với hoạt động này không hề đơn giản. Thông thường chỉ khi các chủ nợ có hành vi vi phạm pháp luật khác như cưỡng đoạt, cướp, đánh, bắt giữ người trái pháp luật thì công an mới có thể xử lý về tội cho vay nặng lãi. Ngay cả khi chúng có hành vi ném chất bẩn vào nhà dân thì cũng chỉ bị xử lý hành chính.

Như trường hợp kể trên, mối quan hệ giữa người vay và người cho vay được thể hiện bằng "chiêu" mua giùm xe, ứng tiền đặt cọc trước 15 triệu đồng chứ không phải vay tiền; các vấn đề liên quan khác, như lãi suất, phạt vi phạm... đều được thỏa thuận miệng. Vì vậy, nếu mọi chuyện đổ bể, hoặc người vay có tố cáo lên cơ quan chức năng cũng không có căn cứ để xử lý hình sự.

Bên cạnh đó, cũng không thể bỏ qua một nguyên nhân đến từ chính các "con nợ".

Theo một cán bộ phường đã trực tiếp nhận đơn kêu cứu của công dân vì bị đòi nợ theo kiểu xã hội đen, một bộ phận người dân tự đưa mình vào tròng. Đó là các trường hợp không nắm phương thức, thủ đoạn hoạt động của tín dụng đen, hoặc có biết, nhưng vì nhu cầu cấp bách cần có tiền để xử lý giải quyết nhu cầu cá nhân nên vẫn chấp nhận vay nợ; nhiều thanh niên thua cờ bạc, nghiện hút nên đã đi vay nợ với lãi suất cao, không trả nổi, dần dần lâm vào tình trạng không thể chi trả...

HL

Kỳ cuối: Triệt bỏ tín dụng đen - Khó, nhưng vẫn có giải pháp

 

Chuyên mục khác