"Bóng ma" tín dụng đen và cuộc chiến chưa có hồi kết- Kỳ cuối: Triệt bỏ tín dụng đen: Khó, nhưng vẫn có giải pháp

13/06/2019 13:10

Dù bị "đánh" mạnh, không còn hoạt động công khai như trước, nhưng điều đáng lo ngại là độ "phủ sóng" của tín dụng đen vẫn ngày càng rộng, tiếp tục gây nhiều hệ lụy cho xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng, việc triệt bỏ tín dụng đen tuy rất khó, nhưng vẫn có giải pháp, nếu có sự phối hợp đồng bộ từ Trung ương, các bộ, ngành đến địa phương...

Đấu tranh quyết liệt

Trước khi viết bài này, chúng tôi đã tiến hành một cuộc điều tra xã hội học nho nhỏ, với khoảng 20 người, được lựa chọn từ nhiều thành phần xã hội, nhiều lứa tuổi khác nhau. Câu hỏi được đưa ra là: Có thể xử lý dứt điểm được nạn tín dụng đen hay không?

Và câu trả lời chúng tôi nhận được khá thống nhất: Rất khó, nhưng không phải không xử lý được, vì luật đã quy định rõ về các tội danh: cho vay nặng lãi, đe dọa người khác, xâm phạm chỗ ở của người khác... Quan trọng là cơ quan công an và chính quyền địa phương phải vào cuộc quyết liệt, xử lý đến nơi đến chốn những kẻ cho vay nặng lãi.

Liên quan đến vấn đề này, một lãnh đạo Công an thành phố Kon Tum nhận định, trong thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh, lực lượng Công an các cấp triển khai quyết liệt công tác đấu tranh, ngăn chặn hoạt động tín dụng đen trên địa bàn.

Theo đó, lực lượng Công an các cấp đã tăng cường các mặt công tác nghiệp vụ, nắm tình hình, rà soát lên danh sách và lập hồ sơ quản lý các đối tượng, băng nhóm tội phạm có tổ chức, có biểu hiện hoạt động tín dụng đen, các băng nhóm tội phạm lợi dụng hoạt động cho vay nặng lãi để hoạt động phạm tội; các băng nhóm hoạt động đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản; phối hợp với các đơn vị liên quan xác minh, làm rõ vai trò của các công ty, doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi nợ, hoạt động cấp tín dụng khác.

Đồng thời, làm tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố, điều tra đối với các hành vi của các đối tượng lợi dụng hình thức kinh doanh “tín dụng đen” xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cho quần chúng nhân dân phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm liên quan đến tín dụng để mọi người nâng cao tinh thần cảnh giác, tham gia tố giác các đối tượng có liên quan đến hoạt động tín dụng đen.

Theo thống kê của Công an tỉnh, tính từ tháng 6/2018 đến nay, lực lượng Công an các cấp đã tiến hành 30 lượt gọi hỏi, răn đe với khoảng 50 đối tượng cho vay nặng lãi; đấu tranh triệt xóa 4 cơ sở có nghi vấn hoạt động cho vay nặng lãi; khởi tố 3 vụ/4 bị can về hành vi “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” với số tiền cho vay hàng tỉ đồng. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh còn 9 cơ sở có hoạt động cho vay tài chính với 32 đối tượng hoạt động dưới hình thức cầm đồ (giảm 13 cơ sở và 18 đối tượng).

"So với các tỉnh trên địa bàn Tây Nguyên, Công an tỉnh Kon Tum đã và đang đấu tranh, xử lý hoạt động tín dụng đen quyết liệt nhất" - trong một báo cáo, Giám đốc Công an tỉnh Nguyễn Công Văn cho hay.

Cần có những giải pháp đồng bộ, căn cơ

Theo một luật sư ở Đoàn luật sư Kon Tum, một trong những giải pháp cần thiết, căn cơ, cần có sự vào cuộc từ Trung ương, là rà soát, sửa đổi những quy định không còn phù hợp với thực tế, tạo nên kẽ hở để các đối tượng vi phạm lách luật.

Trước hết, cần phải rà soát, sửa đổi các quy định xử phạt vi phạm hành chính liên quan tới vấn đề này cả về hành vi vi phạm cũng như mức phạt cho phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo tính răn đe. Cụ thể, về quy định xử phạt đối với hành vi cho vay nặng lãi, cần phải căn cứ theo hậu quả để nâng mức phạt lên, tránh bị lạc hậu so với tình hình thực tế.

"Mặt khác, chế tài xử lý hiện nay vẫn chưa tương xứng với tính chất, mức độ vi phạm và chưa đủ sức răn đe với loại tội phạm này, ví dụ như tại Điều 201- Bộ luật Hình sự 2015 quy định, mức phạt tiền đối với tội danh này cao nhất 1 tỉ đồng và mức phạt tù cao nhất 3 năm. Vì vậy, cần điều chỉnh tăng mức hình phạt đối với loại tội phạm này" - vị luật sư này nói.

Một giải pháp hết sức quan trọng là ngành Ngân hàng cần đẩy mạnh mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng của người dân, góp phần cùng các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đấu tranh đẩy lùi tín dụng đen.

Trao đổi với phóng viên Báo Kon Tum về vấn đề này, ông Dương Thanh Tùng - Trưởng phòng Tổng họp (Ngân hàng Nhà nước tỉnh Kon Tum) cho biết: Từ góc độ cơ quan quản lý, Ngân hàng Nhà nước cũng đang kỳ vọng với những giải pháp mở rộng tín dụng của ngành Ngân hàng và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị sẽ giúp người dân hiểu, nhận diện và dần bài trừ nạn tín dụng đen.

Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã chỉ đạo các ngân hàng, các tổ chức tín dụng triển khai quyết liệt các giải pháp để đẩy mạnh đầu tư tín dụng có hiệu quả phục vụ sản xuất nông nghiệp và các nhu cầu vốn phục vụ đời sống của người dân trên địa bàn; tiếp tục đa dạng hóa các hình thức cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, nhất là những nguồn vốn lành mạnh, để từ đó không có cơ hội cho tín dụng đen hoạt động.

Một số ngân hàng đang áp dụng các hình thức mới để có thể tiếp cận và tìm tới khách hàng, như triển khai xe ngân hàng lưu động; thành lập các tổ tiết kiệm và vay vốn tại từng thôn làng…

Điển hình là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đã triển khai Chương trình tín dụng tiêu dùng quy mô khoảng 5.000 tỷ đồng, món vay tiêu dùng tối đa 30 triệu đồng, thủ tục xét duyệt, giải ngân trong ngày .

Hay như Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (VBSP) đã nâng mức cho vay tối đa từ 50 triệu đồng/hộ lên 100 triệu đồng/hộ; thực hiện vay không phải đảm bảo tiền vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; kéo dài thời hạn cho vay từ 60 tháng lên tối đa 120 tháng đối với hộ nghèo; tăng cường cho vay liên kết thông qua tổ vay vốn, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh…

Mở rộng tín dụng, tạo cơ hội thuận lợi cho người dân tiếp cận vốn vay ngân hàng là một giải pháp hiệu quả để ngăn chặn tín dụng đen. Ảnh: DL

 

"Tuyên chiến" với tín dụng đen

Có thể nói, cùng với lực lượng Công an và chính quyền địa phương, ngành Ngân hàng đang "tuyên chiến" với nạn tín dụng đen theo chức năng và nhiệm vụ của mình.

"Để góp phần thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” và chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngành Ngân hàng cam kết triển khai quyết liệt các giải pháp để đẩy mạnh đầu tư tín dụng có hiệu quả phục vụ sản xuất nông nghiệp và các nhu cầu vốn phục vụ đời sống của người dân trên địa bàn nông thôn" - ông Dương Thanh Tùng cho hay.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước tỉnh tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng và ưu tiên tập trung vốn cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, kịp thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; tăng cường phối hợp với các ngành, địa phương triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng đặc thù trong lĩnh vực nông nghiệp.

Từ thực tế, nhiều người dân cần vay vốn, nhưng lại e ngại vì nghĩ rằng thủ tục ngân hàng rườm rà, mất thời gian, nên tìm đến tín dụng đen như một phao cứu sinh cấp bách, Ngân hàng Nhà nước tỉnh sẽ yêu cầu các tổ chức tín dụng và các ngân hàng chủ động đề xuất, triển khai các giải pháp cho vay linh hoạt, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của người dân cũng như doanh nghiệp; tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chính sách về tín dụng đến người nông dân một cách hiệu quả nhất; tiếp tục mở rộng mạng lưới của các tổ chức tín dụng, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn để mở rộng khả năng tiếp cận của người dân đối với các dịch vụ ngân hàng; tạo điều kiện cho việc phát triển các quỹ tín dụng nhân dân để tạo điều kiện cho người dân và hộ gia đình được tiếp cận dễ dàng hơn nguồn vốn tín dụng và các dịch vụ tín dụng chính thức.

Ông Dương Thanh Tùng khẳng định: Chúng tôi cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh và chính quyền địa phương các cấp trong đấu tranh, ngăn chặn vấn nạn tín dụng đen thông qua việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của các tổ chức tín dụng, nhất là các công ty tài chính để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi cấu kết, tiếp tay, thông đồng với các đối tượng, tổ chức tín dụng đen. 

Có thể nói, chưa bao giờ cuộc chiến với tín dụng đen lại được triển khai mạnh mẽ và đồng bộ như hiện nay. Lẽ tất nhiên, đây là cuộc chiến phức tạp, khó khăn và chưa có hồi kết. Tuy nhiên, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, "bóng ma tín dụng đen" từng len lỏi khắp ngõ ngách, phá nát biết bao nhiêu mái nhà êm ấm sẽ biến mất, trả lại sự yên bình cho từng khu phố, từng thôn làng...

Theo rà soát của ngành chức năng, hiện trên địa bàn tỉnh có 9 công ty (đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư) với các ngành nghề kinh doanh: “hoạt động cấp tín dụng khác”; “hoạt động trung gian tiền tệ khác”, chủ yếu ở thành phố Kon Tum (5 công ty); có 13 nhóm, với khoảng 30 đối tượng nghi vấn cho vay lãi nặng dưới hình thức dán tờ rơi quảng cáo. Phương thức, thủ đoạn hoạt động của các nhóm đối tượng này rất tinh vi, như cho vay tiền dưới hình thức cho thuê tài sản (ô tô, xe máy…); cho vay dưới hình thức tín chấp tiêu dùng...  P.V

HL

 

 

Chuyên mục khác