Ấu dâm, một tội trạng cần nghiêm trị trước pháp luật

12/04/2017 08:02

Trẻ em là nơi gửi gắm những ước mơ, niềm tin của gia đình và xã hội, là nguồn nhân lực đảm bảo cho sự phát triển bền vững của đất nước trong tương lai, là đối tượng cần được quan tâm bảo vệ nhiều hơn.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế của đất nước trên đà tăng trưởng mạnh, kéo theo sự phân hóa giàu nghèo ngày càng rõ rệt, tốc độ đô thị hóa nhanh, đan xen sự du nhập những ấn phẩm, phim ảnh... đồi trụy, đã dẫn đến hệ quả: có giá trị truyền thống dần bị xói mòn, tỷ lệ trẻ em bị bỏ rơi, bị lạm dụng và bóc lột ngày một cao hơn.

Trong thời gian vừa qua, vấn nạn ấu dâm trở thành tâm điểm cho sự quan tâm trên toàn đất nước Việt Nam, nhiều vụ việc dần bị vạch trần bởi truyền thông và mạng xã hội. Câu chuyện buồn đã âm thầm diễn ra từ hàng chục năm trước, nhưng cho tới bây giờ, xã hội mới thực sự để tâm để lên tiếng, để đấu tranh mạnh mẽ.

Cần hiểu rằng, ấu dâm không chỉ là bệnh lý, mà nó còn là sự rối loạn về nhân cách, sai lệch về nhận thức của con người. Ấu dâm cũng không phải là thứ bệnh mà con người sinh ra đã có sẵn, nó phụ thuộc lớn vào môi trường sống và những yếu tố sinh hoạt không lành mạnh.

Theo thống kê từ Bộ Lao động Thương binh và xã hội, trong 5 năm qua cả nước đã xảy  ra hàng ngàn vụ xâm hại tình dục trẻ em. Nếu trước đây, các vụ việc ấu dâm được phát hiện chủ yếu ở độ tuổi 13 đến 18, thì hiện nay chúng ta lại ngỡ ngàng khi phát hiện nhiều vụ việc xâm hại xảy ra ở lứa tuổi từ 5 đến 13.

Tất nhiên, đó mới là những con số thống kê, phần nổi của “tảng băng”, còn rất nhiều những vụ việc chưa bị tố giác bởi nhiều nguyên do...

Các vụ việc bị ém nhẹm, vì gia đình còn mang tư tưởng bảo thủ, họ dè dặt trong việc lên tiếng do lo sợ cho tương lai và thanh danh của con cái mình. Hoặc có những trường hợp đã đứng ra tố cáo, nhưng không được nhà chức trách xử lý nghiêm minh. Trên thực tế, có những vụ án đã được thụ lý rồi nhưng nó vẫn rơi vào im lặng, những kẻ thủ ác đã không phải trả giá cho hành động của mình.

Ở Việt Nam, pháp luật quy định, một đứa trẻ có khoảng 15 cơ quan để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Điều này làm cho bà Nguyễn Vân Anh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học về Giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên phải thốt lên: “Một đứa trẻ có 15 cơ quan bảo vệ, vậy mà tại sao khi con chúng ta bị xâm hại thì chúng ta không biết gọi đến đâu? Cá nhân tôi thấy điều này thật mỉa mai, chúng ta có lẽ không cần quá nhiều cơ quan như vậy. Chúng ta chỉ cần đến 1, 2 cơ quan nhưng thực sự làm.”

Thứ nữa, để chứng minh tội ấu dâm không phải là chuyện đơn giản, bởi vụ việc này có những đặc thù riêng. Chúng ta biết rằng, một trong những nguyên tắc của điều tra, đó là phải có chứng cứ phạm tội trực tiếp. Khi bị xâm hại, một đứa trẻ chưa có nhận thức đầy đủ có thể chỉ ra tên người A, người B; nhưng trách nhiệm chứng minh những người này có phạm tội hay không lại thuộc về cơ quan điều tra. Thậm chí, ngay cả khi kết quả giám định y khoa cho thấy rằng, đứa bé này bị tổn thương thì cũng chưa thể khẳng định rằng đứa bé đã bị xâm hại, bởi vết thương này có thể xuất phát từ tai nạn bên ngoài.

Từ những khó khăn trên, có thể thấy được một số thách thức trước mắt đối với hệ thống pháp luật Việt Nam trong việc bảo vệ quyền lợi cho trẻ em, mà nếu không khắc phục được những điều này, thì quyền lợi của những đứa trẻ nói chung và vấn nạn ấu dâm nói riêng sẽ còn bị bỏ ngỏ.

Hiện nay, pháp luật nước ta về các hành vi liên quan đến lạm dụng hay quấy rối tình dục vẫn còn chưa hoàn thiện. Khái niệm ấu dâm chưa được đề cập trong các điều luật. Các cơ quan nhà nước vẫn còn có sự nhập nhằng giữa phân định tội dâm ô và tội hiếp dâm nên dễ dẫn đến tình trạng bỏ sót, hạ thấp tội danh của tội phạm. Hoặc đối với hành vi quấy rối, theo quy định thì mới chỉ dừng lại ở mức vi phạm hành chính mà thôi.

Liên hệ với pháp luật các nước khác, chỉ cần gợi ý sex, dụ dỗ gạ gẫm, cho trẻ em xem các ấn phẩm đồi trụy thì đã có thể kết thành tội danh, việc gặp gỡ và dự tính có hành động dâm ô với trẻ vị thành niên cũng sẽ bị ra Tòa và chịu những bản án thích đáng. Luật sư Lê Văn Luân – chuyên gia về pháp luật hình sự cho rằng, một loạt những trường hợp có hành vi dâm ô ở Việt Nam có chứng cứ, có nhân chứng nhưng vẫn bế tắc chưa xử lý được. Luật hình sự của ta đang có “khoảng trống” trong bảo vệ trẻ em, đợi khi kẻ phạm tội xâm hại đến trẻ em mới giải quyết, đó là điều quá nguy hiểm.

Để giải quyết được điều này, không phải là chuyện trong một sớm một chiều. Giải pháp trước tiên và cũng là quan trọng nhất, chính là dạy cho trẻ em cảnh giác, khuyến khích các em chia sẻ nhiều hơn với gia đình. Dễ dàng nhận thấy những kẻ ấu dâm thường lạm dụng sự ngây thơ trong trắng của con trẻ, tập trung khai thác sự chia cắt giữa trẻ em và gia đình để che giấu hành vi suy đồi của mình.

Cùng với đó Nhà nước cần xây dựng và hoàn thiện pháp luật hơn nữa, xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội nhằm trừng trị thích đáng tội phạm ấu dâm và răn đe cứng rắn đối với mọi người.

Để có thể đầy lùi được căn bệnh mang tên ấu dâm, cần phải có sự chung tay góp sức của gia đình, các tổ chức đoàn thể, chính quyền và toàn xã hội. Chỉ khi tạo ra được môi trường trong sạch cho những đứa trẻ phát triển, thì khi đó, đất nước mới có tiền đề cho sự phát triển phồn vinh.

Thu Trang

Chuyên mục khác