08/05/2019 13:01
Sáng sớm, tại phòng tiêm chủng Safpo 32 Kon Tum (thành phố Kon Tum), chúng tôi bắt gặp hình ảnh một phụ nữ hớt hải dẫn con gái đi tiêm phòng dại. Cháu bé mặt tím tái, rụt rè sợ hãi, mãi mới dám xắn ống quần chỉ cho bác sĩ vết chó cắn bị bầm tím, đang còn vương máu. Người phụ nữ kể, chiều qua, trên đường đi học về, bé nhà chị bị chó nhà hàng xóm rượt theo cắn. Sợ con gặp nguy hiểm, sáng nay, chị phải dậy sớm để đưa con đi tiêm phòng.
Không riêng người mẹ này, theo quan sát của chúng tôi, chưa đầy 1 tiếng đồng hồ, hàng chục trường hợp cũng đến đăng ký tiêm phòng dại. Người già có, trẻ có, trung niên có, thậm chí vài cháu bé mới bi bô biết nói đã bị chó cắn.
Không chỉ bị chó cắn, còn có rất nhiều trường hợp bị tai nạn giao thông từ chó thả rông.
Theo Nghị định 90/2017/NĐ/CP của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y quy định, người nuôi chó phải đăng ký với UBND cấp xã, phường; nếu không đeo rọ mõm, không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng, chủ nuôi sẽ bị phạt từ 600.000-800.000 đồng; chủ nuôi không tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo cũng chịu mức phạt như trên và phạt từ mức 100.000 - 1.000.000 đồng nếu để chó thả rông gây thiệt hại cho người khác, đồng thời bắt và thiêu hủy chó thả rông nếu trong 72 giờ không có người nhận.
Nghị định trên có hiệu lực từ ngày 31/7/2017. Thế nhưng, nhiều nơi vẫn còn lúng túng: ai phạt, phạt ai? Một số địa phương thực hiện thí điểm đội săn bắt chó nhưng thực tế ở khu vực nông thôn người dân vẫn theo thói quen nuôi chó thả rông, không rọ mõm và không đăng ký với chính quyền địa phương. Hơn thế, ở những vùng sâu, vùng xa, người dân còn thờ ơ, chủ quan, không tiêm phòng dại cho chó, khiến tăng nguy cơ bị bệnh dại.
Không riêng khu vực nông thôn, ở thành phố, lượng người qua lại, xe cộ đông đúc nhưng nhiều người cũng chưa ý thức về những nguy hại trong việc thả rông chó. Đặc biệt, nhiều gia đình theo trào lưu nuôi chó dữ nhưng không có kinh nghiệm, lại không tuân thủ các quy định về chăn nuôi vật nuôi, trở thành ẩn họa khôn lường cho cộng đồng.
|
Người dân thiếu ý thức trong nuôi vật nuôi cộng thêm địa bàn rộng, dân cư phân tán nên việc quản lý đàn chó và công tác phòng chống bệnh dại gặp nhiều khó khăn. Hơn thế, các xã, phường không có lực lượng chuyên trách, không đủ chuyên môn nên vấn đề xử lý vi phạm cũng không đơn giản. Chính vì còn nhiều nguyên nhân tồn tại nên số người bị chó cắn và bị tai nạn từ chó thả rông ngày càng nhiều.
Mới đây, một bé trai 7 tuổi ở Hưng Yên tử vong sau khi bị đàn chó cắn khiến nhiều người không khỏi xót xa. Và đâu chỉ sự việc trên, theo thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), năm 2017, cả nước có 63 người chết vì bệnh dại và mỗi năm nước ta có khoảng 400.000 trường hợp bị chó cắn.
Riêng tỉnh ta, trong năm 2018, có 5 trường hợp bị tử vong do bệnh dại và trong quý I năm 2019 có 441 người tiêm vắc-xin phòng bệnh dại, tăng gần gấp đôi so với thời điểm cùng kỳ năm 2018. Đặc biệt, ngay trong tháng 4 này, một bé gái ở thành phố Kon Tum bị chính chó nhà nuôi cắn hàng chục vết quanh vùng đầu, cổ và cánh tay càng khiến nhiều người lo ngại.
Sự việc xảy ra, chủ của những đàn chó có thể bị phạt, đàn chó có thể bị bắt nhốt, thiêu hủy nhưng hậu quả để lại quá đau lòng.
Chó - loài động vật trung thành, là người bạn thân thiết của nhiều gia đình. Tuy nhiên, từ những sự việc trên, thiết nghĩ, người nuôi chó hãy ngưng chủ quan, hãy xích, rọ mõm chó, tránh để tình trạng chó chạy rông ngoài đường. Các cơ quan chức năng cũng nên nghiêm ngặt trong việc quản lý vật nuôi, tăng cường kiểm tra việc nuôi nhốt chó và xử lý những người nuôi chó không tuân thủ quy định, đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”.
BÌNH AN