Và tôi cũng đã từng năm bảy lần đến làm việc với xã Ngọc Yêu, huyện Tu Mơ Rông. Qua những lần đến rồi đi, tôi phát hiện ra một điều khá thú vị: Cho dù cuộc sống còn bộn bề khó khăn nhưng người dân nơi đây rất quan tâm đến sự học hành của con cháu - điều mà ở các xã khác rất hiếm thấy hoặc có nhưng ít quan tâm hơn.
|
|
Tinh thần hiếu học của học sinh xã Ngọc Yêu hơn 10 năm trước (ảnh trái)... và hiện nay (ảnh phải) |
Tỉnh Kon Tum có nhiều xã mà dân cư chủ yếu là người dân tộc thiểu số. Ở một số xã vùng sâu vùng xa, từ bao đời nay, cái ăn, cái mặc lo còn chưa nổi huống chi nói đến cái sự học hành. Cũng là một xã nghèo, thậm chí còn được xếp vào loại xã đặc biệt khó khăn, nhưng đối với xã Ngọc Yêu, người dân luôn quan tâm đến sự học của con cái. Truyền thống hiếu học này được truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác, từ hồi còn chiến tranh cho đến tận bây giờ.
Ông A Biên, 72 tuổi, thôn Long Láy 2, nhà có 7 người cháu đang theo học phổ thông tâm sự: “Thế hệ chúng tôi tham gia cách mạng đánh giặc ngoại xâm nên ít có điều kiện để học hành đến nơi đến chốn. Tôi nhận thấy việc học rất là quan trọng đối với tất cả mọi người. Học để biết cái chữ, biết kiến thức, biết khoa học kỹ thuật để áp dụng vào thực tế cuộc sống. Người có học thức biết cách cư xử lễ độ với mọi người, làm kinh tế giỏi hơn và hiệu quả hơn so với những người không có học. Bởi vậy, tôi luôn luôn dạy dỗ con cháu cố gắng học hành để sau này trở thành những người có ích cho gia đình và xã hội”.
Cùng chung suy nghĩ như ông Biên, bà Y Hiền (47 tuổi, thôn Ba Tu 3, nhà có 2 con và 2 cháu đang đi học) chia sẻ: “Trước đây, do nhà nghèo nên tôi không có điều kiện đi học. Tôi chỉ biết chữ khi theo học các lớp xóa mù chữ từ mười mấy năm về trước. Tôi nhận thức rằng nếu không có học thức thì bà con chúng tôi sẽ không làm nên cái gì cho ra trò ra trống cả. Và như thế, cái nghèo nàn, cái lạc hậu cứ đeo bám người dân mãi mà không thể nào dứt ra được. Vì vậy, tôi thường xuyên động viên con cháu phấn đấu chăm lo việc học hành, phải học đến nơi đến chốn, chí ít cũng phải hoàn thành xong chương trình THPT. Nếu học giỏi và gia đình có điều kiện thì ráng sức cho học cao hơn (trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học). Bằng không thì cũng đã trang bị đủ kiến thức để làm một nghề gì đó cho ra trò, đủ nuôi sống bản thân mà không phải ăn bám vào cha mẹ...!”.
Coi trọng sự học là một truyền thống tốt đẹp của cư dân vùng đất này, được truyền từ thế hệ ông bà, cha mẹ đến thế hệ con cháu. Y Hương, nhà ở thôn Ngọc Đo, học sinh lớp 8 Trường THCS xã Ngọc Yêu cho biết: “Ba mẹ em rất quan tâm đến việc học của con cái. Kinh tế gia đình cũng không khá giả gì so với bà con trong thôn nhưng ba mẹ em quyết tâm cho 3 chị em đi học đàng hoàng. Mấy chị em bảo ban nhau cùng cố gắng chăm học, phấn đấu học cho thật giỏi để không phụ công lao nuôi dạy của ba mẹ. Em nghĩ nếu học cho thật tốt thì sau này mình sẽ trở thành người có ích cho gia đình, cho cộng đồng và cho xã hội”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Duy Linh- Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Yêu cho rằng đa số người dân nơi đây đều nhận thức được sự nghiệp giáo dục là một vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với tương lai con người nên đã tạo điều kiện và thường xuyên khuyến khích, động viên con cháu đi học. Do vậy, tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi ra lớp hàng năm luôn đạt từ 99-100%. Năm học 2013-2014 vừa qua, có 369 học sinh theo học các trường trên địa bàn xã (chưa kể số học sinh theo học các trường THPT-DTNT, THCN, CĐ, ĐH); trong đó bậc mầm non có 80 em, bậc tiểu học 146 em, bậc THCS 143 em. Năm học 2014-2015 tới đây, dự kiến số lượng học sinh các bậc học tăng hơn 40 em so với năm học trước.
Nói về truyền thống hiếu học của người dân xã Ngọc Yêu, ông A Ngọc Mít- Bí thư Huyện ủy Tu Mơ Rông cho biết: “Là một người con của đồng bào Xê Đăng, tôi có điều kiện đi nhiều nơi, hiểu được các phong tục, tập quán của mỗi dân tộc bản địa sinh sống trên mảnh đất cực Bắc Tây Nguyên này. So với các xã khác trong tỉnh, người dân Ngọc Yêu quan tâm đến việc học hành của con cháu hơn. Bởi vậy, nói Ngọc Yêu là vùng đất có truyền thống hiếu học cũng không ngoa chút nào. Theo thống kê chưa đầy đủ, đến nay xã Ngọc Yêu có khoảng vài chục người đã tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng trong cả nước và hiện nay đang công tác tại các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện. Có người còn giữ các chức vụ quan trọng trong các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể các cấp...”.
Bài, ảnh: Cao Cường