Vun đắp cho những ước mơ

20/11/2016 17:59

Hơn 25 năm đứng lớp giảng dạy, cô giáo Y Thúy – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy) và Nguyễn Thị Thanh Tâm - giáo viên Trường Trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Tất Thành (thành phố Kon Tum) đã yêu thương, vun đắp cho ước mơ của bao thế hệ học trò được tỏa sáng.

Người mẹ thứ hai

Cô giáo Y Thúy – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy) luôn được học trò quý mến, phụ huynh tín nhiệm. Bởi lẽ hơn 25 giảng dạy và quản lý, cô Thúy không những luôn yêu thương học sinh, mà còn nhiệt tình dạy các em biết viết chữ đẹp, làm toán thông thạo và dạy văn hóa truyền  thống dân tộc.

 Cô Thúy không những yêu thương học sinh, mà còn nhiệt tình trong công tác giảng dạy. Ảnh: M.T

 

Cô Thúy kể, sinh ra và lớn lên ở xã Đăk Ruồng (huyện Kon Rẫy); ngày nhỏ, cô đã yêu thích nghề giáo. Năm 1978, vì hoàn cảnh khó khăn, cô Thúy đã bỏ học lớp 10, sau đó lập gia đình. Dù chăm lao động, nhưng cuộc sống vợ chồng trẻ quá khó khăn, thiếu thốn. Năm 1990, cô đã nỗ lực đi học lại chương trình phổ thông, sau đó học lấy bằng cao đẳng sư phạm. Từ năm 1992 đến 2013, cô dạy học ở Trường Tiểu học xã Đăk Ruồng, sau đó được bổ nhiệm Phó hiệu trưởng. Năm học 2013 – 2014, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản được thành lập mới ở xã Đăk Ruồng, cô được điều động về công tác với chức vụ hiệu trưởng.

Qua lời kể của các đồng nghiệp, cô Thúy luôn hòa đồng, nhiệt tình trong công tác. Cô không ngại khó khăn, dù ban ngày hay đêm vẫn đến từng nhà dân tuyên truyền, thuyết phục bà con cho trẻ em ra lớp học chữ. Gia đình nào chưa đưa trẻ ra lớp, hay các em đi rẫy phụ việc cho bố mẹ, cô cùng các cô giáo về làng nhờ thôn trưởng (hoặc già làng) kêu gọi bà con đến giúp đỡ, đổi ngày công lao động trên rẫy cho các gia đình có học sinh bỏ học. Thấy cô giáo nhiệt tình như thế, bố mẹ đã sắp xếp thời gian hợp lý, cho các con đến trường. Nhiều học sinh khó khăn không có  sách vở, áo trắng đến lớp, cô Thúy vận động để chăm lo cho các em. Cảm động bởi sự quan tâm của cô giáo, các gia đình tự giác đưa các cháu đến trường thường xuyên hơn. Đến năm học này, nhà trường có 237 em ra lớp, bố trí ở 3 điểm trường làng Kon Tuh, Kon Rlat và Kon Bdẻh. Trong đó, học sinh dân tộc thiểu số chiếm 99% và tỷ lệ chuyên cần của các em đạt gần 96%.

Thành tích giáo dục học sinh cũng có nhiều khởi sắc, như năm học đầu tiên 2013 – 2014 có 80 học sinh học lực yếu thì đến cuối năm học vừa qua chỉ còn 9 em chưa đạt yêu cầu về học lực. Theo cô Thúy, kinh nghiệm tích cực để dạy học sinh dân tộc thiểu số, các cô giáo đứng lớp thật sự kiên nhẫn, luôn ân cần với các em. Dạy các em một lần không hiểu, các cô sử dụng tiếng dân tộc địa phương giải thích, trò chuyện với học sinh. Có khi, đích thân cô hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm đến nhà các em, trò chuyện với phụ huynh, hướng dẫn làm góc học tập, nhắc nhở bà con quan tâm việc học của con em ở nhà. Nhiều giáo viên còn ở nhà dân, dạy thêm miễn phí cho học sinh, dần dà các em tiến bộ rõ nét. Nhiều học sinh đã mạnh dạn tham gia hội thi rèn luyện vở sạch chữ đẹp ở trường; thi biểu diễn văn nghệ đạt giải nhất toàn ngành giáo dục huyện Kon Rẫy; năm 2015, có 1 em tham gia thi kể chuyện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đạt giải nhì cấp huyện.

Cũng nhờ gần gũi với học sinh, biết các em thích tham gia các hoạt động dân ca dân vũ, cô đã vận động nghệ nhân, phụ huynh dạy đánh cồng chiêng – múa xoang cho học sinh. Đến nay, đội cồng chiêng nhí của trường thường xuyên tham gia nhiều hoạt động giao lưu, biểu diễn văn hóa - văn nghệ ở các địa phương.

Bản thân cô Thúy còn tham gia với các thầy cô giáo khác ở các tỉnh Tây Nguyên, nghiên cứu, biên soạn giáo trình và dạy tiếng Ba Na cho giáo viên, đội ngũ cán bộ và những ai có nhu cầu học tập tiếng địa phương. Quá trình tham gia giảng dạy, đưa học viên đi thực tế tìm hiểu đời sống văn hóa các dân tộc thiểu số, cô say mê sưu tầm các loại vật dụng sinh hoạt đời thường, các trang phục dân tộc và tham khảo người già về phục dựng lại nhiều lễ hội văn hóa dân tộc… Tất cả hiểu biết về văn hóa truyền thống, cô đã và đang tiếp tục truyền dạy cho học sinh qua chương trình giúp trẻ làm quen với chương trình học tiếng Ba Na, cũng như xây dựng phong trào “trường học thân thiện – học sinh tích cực” ở các điểm trường.

Những đóng góp của cô hiệu trưởng Y Thúy đã được Bộ trưởng – Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Trung ương trao tặng kỷ niệm chương vì sự nghiệp phát triển dân tộc năm học 2008-2009; Ủy ban nhân dân tỉnh tặng bằng khen có nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua cơ sở năm học 2011 – 2012 đến 2015-2016.

Khơi dậy niềm say mê toán học cho học sinh

5 trở lại đây, nhiều học sinh ở Trường Trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Tất Thành (thành phố Kon Tum) có đam mê toán học đã được phát hiện, bồi dưỡng và đạt nhiều giải thưởng học sinh giỏi cấp quốc gia. Đằng sau thành quả của các em là công lao đóng góp rất lớn của các thầy cô giáo trong trường, trong đó có cô Nguyễn Thị Thanh Tâm – Tổ trưởng chuyên môn Toán.

Hơn 25 năm đứng trên bục giảng, cô Tâm đã nhận được nhiều bằng khen, trong đó có danh hiệu “giáo viên tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi toán cấp quốc gia” 5 năm liền (2011 – 2016). Cô và các đồng nghiệp Tổ bộ môn toán bồi dưỡng, phát triển học sinh có năng khiếu tham dự nhiều cuộc thi học sinh giỏi các cấp và từ năm 2011 đến nay có 14 em đạt giải học sinh giỏi cấp quốc gia.

Cô Nguyễn Thị Thanh Tâm - giáo viên giỏi tiêu biểu tỉnh Kon Tum. Ảnh: M.T

 

Nói về thành quả của cá nhân đạt được hôm nay, cô Tâm cho rằng đó là nhờ sự quan tâm của Ban giám hiệu nhà trường và các cộng sự Tổ Toán luôn cổ vũ, hỗ trợ về chuyên môn giảng dạy học sinh chuyên. Cô Tâm nói: “Để phát hiện, bồi dưỡng một học sinh giỏi toán cấp quốc gia, đòi hỏi giáo viên phải có cả quá trình theo dõi và bồi dưỡng, phát huy tiềm năng sẵn có của các em. Đặc biệt, học sinh yêu thích môn toán sẽ có ý thức tự học rất cao. Các em luôn nỗ lực mày mò, tìm kiếm sự mới lạ, độc đáo trong cách vận dụng lý thuyết để giải quyết vấn đề bài toán đặt ra”.

Theo cô Tâm, những học sinh trên thường có đam mê nghiên cứu, ham muốn hiểu biết và tự thân vận động thu nạp kiến thức. Lúc này, các thầy cô giáo luôn là người bạn lớn đồng hành, chủ động quan tâm, gần gũi, khích lệ cho các em phát huy sở trường. Đồng thời, giáo viên cũng làm tốt công tác tư tưởng với phụ huynh, nhằm có tiếng nói chung trong việc hỗ trợ, động viên các em nuôi dưỡng niềm đam mê toán học, tham gia công tác bồi dưỡng, phát triển năng lực học chuyên lâu dài.

Là  cán bộ quản lý tổ bộ môn, cô Tâm luôn tạo mối quan hệ đoàn kết, tôn trọng ý kiến đóng góp về chuyên môn, kinh nghiệm giảng dạy chuyên từ các thành viên. Những định hướng tích cực về rèn luyện, bồi dưỡng chuyên cho học sinh do giáo viên đề xuất tích cực được chọn lọc, xây dựng kế hoạch thực hiện lâu dài.

Cô Tâm cho biết thêm, nhà trường luôn tạo điều kiện cho cán bộ giáo viên tham gia các đợt tập huấn và giao lưu với đội ngũ cán bộ giáo viên ở các trường trung học phổ thông chuyên, các trường đại học trong cả nước. Những cơ hội này, đã giúp giáo viên có thêm mối quan hệ để trao đổi kinh nghiệm, có thêm kiến thức, tài liệu, phương pháp ứng dụng đổi mới về giảng dạy, bồi dưỡng học sinh chuyên. Cô còn tự nghiên cứu, tự  tìm các tài liệu chuyên sâu về toán học trong và ngoài nước, để làm dày thêm nguồn kiến thức hiện có, đáp ứng yêu cầu học nâng cao dành cho học sinh giỏi hiện nay. Ngoài bồi dưỡng cho học sinh giỏi, cô Tâm đã kết nối nhiều học sinh giỏi các khóa học trước giúp các em lớp sau tổ chức buổi giao lưu, truyền đạt kinh nghiệm và tài liệu sách giáo khoa, phương pháp học tập chuyên tích cực. 

Trên con đường song hành cùng học sinh đam mê học toán, những nguồn kiến thức và kinh nghiệm của các thầy cô đã giúp các em dần có được các kỹ năng phân tích, tư duy tổng hợp, lô gíc và phát triển khả năng phản biện, trình bày, diễn đạt và giải quyết vấn đề mang tính chính xác về mặt khoa học…Cô cho rằng, đấy còn là yếu tố cơ bản giúp các em làm quen cho công tác xây dựng ý tưởng, thể hiện các bài viết nghiên cứu chuyên đề mang tính khoa học sau này.

Niềm đam mê toán học và nhiệt huyết “vì sự nghiệp phát triển nhiều tài năng toán học” cho nhà trường, cô Nguyễn Thị Thanh Tâm đã được nhiều đồng nghiệp, học sinh quý trọng, được các bậc phụ huynh tín nhiệm. Nhiều năm liền, cô đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Đặc biệt, đầu năm 2016, cô vinh dự là giáo viên đầu tiên của tỉnh Kon Tum nhận giải thưởng Lê Văn Thiêm, do Hội Toán học Việt Nam trao tặng cho nhà giáo “ Vì những đóng góp xuất sắc trong giảng dạy môn Toán”.

Mai Trâm

Chuyên mục khác