Tấm lòng nhân ái của vợ chồng chị Y Xai

27/08/2017 19:16

Ở xã Ngọc Tem (huyện Kon Plông), ai cũng quý mến Y Xai, bởi chị không chỉ là người cán bộ cơ sở tận tâm, trách nhiệm với công việc mà ở chị còn có tấm lòng nhân hậu, ấm áp tình người. Nhiều năm nay, hai vợ chồng chị đã cưu mang những mảnh đời khó khăn, không nơi nương tựa và xem họ như những người thân yêu của mình.

Chị Y Xai làm Chủ tịch Mặt trận ở xã Ngọc Tem (huyện Kon Plông). Chồng chị là anh A Chuốc trước đây cũng làm cán bộ xã nhưng đã nghỉ việc nhiều năm nay để về làm kinh tế gia đình.

Mới đây, đưa tôi đi “mục sở thị” ở thôn Điek Tem (xã Ngọc Tem), nhìn thấy nhà người quen có trồng trầu xanh, chị Y Xai vào xin ngắt mấy lá. Thấy tôi có vẻ tò mò, chị cười bảo: Chị hái cho bà cụ ở nhà.

Mẹ chị á? – tôi hỏi. Chị Y Xai nói nhỏ vào tai tôi: Không. Bà cụ được chị đưa về nuôi thôi…

Buổi trưa, chúng tôi trở về nhà chị Y Xai (ở thôn Đăk Lò 1, xã Ngọc Tem) để nghỉ ngơi. Xung quanh khu vườn nhà chị trồng nhiều cây cau khiến chúng tôi có cảm giác như đang ở giữa vùng quê đồng bằng miền Trung.

Mẹ con chị Y Xai têm trầu cho bà cụ Y Hẹ

 

Vừa tấm tắc khen sự ngăn nắp, gọn gàng trong ngôi nhà, tôi vừa đưa mắt tìm kiếm bà cụ nhai trầu mà chị Y Xai đã nói lúc sáng để chào hỏi. Như hiểu ý, chị vào bếp lấy ít thức ăn và không quên rửa lại mấy lá trầu xanh rồi gọi tôi đi cùng ra phía sau nhà.

Hai chị em leo lên một con dốc ngắn, thấp thoáng có căn nhà sàn làm bằng gỗ, chị bảo đây là nhà cũ của gia đình chị. Từ ngày vợ chồng chị xây dựng được căn nhà mới bên dưới, căn nhà này chị đã cho mẹ con bà cụ đến đây tá túc và chăm sóc không khác gì mẹ ruột của mình.

Cụ bà mà gia đình chị Y Xai cưu mang có tên là Y Hẹ, năm nay 83 tuổi. Bà ở thôn Đăk Chè, xã Ngọc Tem. Bà có hai người con gái. Con gái lớn ở cùng mẹ năm nay đã 62 tuổi, bị câm điếc bẩm sinh. Đứa con gái út đã chết cách đây mấy năm.

Đang ngồi trước cửa, nhìn thấy chị Y Xai lên nhà đưa trầu, bà cụ Y Hẹ giơ tay đón lấy mấy lá trầu xanh, trong mắt cụ tràn ngập niềm vui.

Bà Y Hẹ kể, cuộc đời bà truân chuyên lắm. Bà từng là thanh niên xung phong, tham gia mở đường Trường Sơn. Chồng bà tên A Thuân cũng là thanh niên xung phong. Thế nhưng, chiến tranh ác liệt, giấy tờ bị thất lạc nên đến nay vợ chồng bà cũng không làm được chế độ đối với người tham gia kháng chiến. Chồng bà chết cách đây đã mấy năm. Căn nhà tạm bợ của bà cũng dột nát không ở được. Lúc đứa con gái út còn sống, mẹ con bà đành dọn về ở chung với gia đình con gái út; nhưng sống không hợp với con rể nên mẹ con bà lại phải dọn đi nơi khác. Cứ thế, hai mẹ con đến tá túc hết nhà người bà con này rồi đến nhà người bà con khác, lâu ngày cũng chẳng còn ai muốn cho mẹ con bà ở nhờ nữa...

“Cuộc sống của hai mẹ con tôi tưởng chừng như bị dồn vào bước đường cùng, nếu như không có tấm lòng nhân hậu của vợ chồng Y Xai đưa về đây cưu mang. Y Xai thương và chăm sóc tôi không khác gì mẹ ruột của mình. Từ cái ăn cái mặc đến các vật dụng sinh hoạt của hai mẹ con tôi đều do vợ chồng Y Xai mua sắm, giúp đỡ” – bà Y Hẹ tâm sự.

Năm 2015, mẹ con bà Y Hẹ được Ngân hàng Công thương Kon Tum hỗ trợ 30 triệu đồng để làm lại căn nhà ván (trên nền nhà cũ của gia đình chị Y Xai). Để căn nhà khang trang, sạch đẹp và mát mẻ hơn, vợ chồng chị Y Xai còn góp thêm 6 triệu đồng giúp cho hai mẹ con bà mua ngói lợp nhà.

Bà Y Hẹ cho biết, từ ngày về đây ở, cuộc sống bà như được hồi sinh. Nhiều lúc bà cứ nghĩ cuộc đời bà giống như "câu chuyện cổ tích giữa đời thường".

Trên đường từ nhà bà cụ về, chị Y Xai còn khiến tôi bất ngờ hơn khi tiết lộ thêm thông tin là ngoài mẹ con bà cụ già, vợ chồng chị hiện còn có đứa con trai nuôi bị câm điếc bẩm sinh tên A Bình (sinh năm 1985).

Anh Chuốc – chồng chị Y Xai thương yêu A Bình như con ruột của mình. Anh A Chuốc cho biết, A Bình ở làng Điek Tem, xã Ngọc Tem. Bố mẹ của A Bình là A Hào - Y Diêm. Gia đình A Bình nghèo lắm, em là con thứ 2 trong gia đình có đến 5 anh chị em. Bố mất từ khi A Bình còn nhỏ, mẹ em cũng hay đau ốm bệnh tật. Năm 12 tuổi, trong một lần được mẹ dẫn đến nhà vợ chồng anh chơi, A Bình đã nằng nặc muốn được ở lại vì thấy ai trong gia đình này cũng đối xử tốt với mình. Thương con, mẹ A Bình không nỡ để con mình lại. Thế nhưng, vừa theo mẹ về đến nhà, A Bình đã chạy trở lại nhà của vợ chồng anh và ở lại đây cho đến bây giờ đã 20 năm.

Chị Y Xai cho biết thêm, A Bình ngoan lắm, bị đâm điếc bẩm sinh nhưng A Bình rất hiểu biết chuyện, siêng năng, chăm chỉ. Dù không ai sai bảo nhưng ngay từ khi còn nhỏ A Bình đã ý thức phụ giúp bố mẹ nuôi dọn dẹp nhà cửa rất gọn gàng. Lớn lên, A Bình phụ với bố mẹ nuôi làm ruộng rẫy. Không nói được nhưng mỗi mùa rẫy thấy bố mẹ đi làm về mệt, A Bình rất thương; có lúc vào buổi trưa, A Bình trốn bố mẹ lên phát dọn rẫy…

Ở trong gia đình, các con của anh A Chuốc và chị Y Xai ai cũng quý mến và xem A Bình không khác gì anh em ruột. Cả nhà đi đâu, làm gì cũng đều gọi A Bình đi cùng để em không bị mặc cảm với số phận và hoàn cảnh.

Chia sẻ với chúng tôi, anh A Chuốc và chị Y Xai đều cho rằng: Làm việc thiện thì không cần phải biết đến lý do gì mà chỉ biết xuất phát từ cái tâm và cũng không chờ đợi ai trả ơn mình; đó là truyền thống “lá lành đùm lá rách” mà cha ông ta ngày xưa nay đã dạy.

Chứng kiến hình ảnh Y Đường - con gái của vợ chồng chị Y Xai đang học Đại học Huế về nghỉ hè ngồi chải lại mái tóc, ôm bà Y Hẹ nựng nịu và nụ cười mãn nguyện của bà cụ, cùng nụ cười hồn nhiên của cậu thanh niên A Bình với người bố nuôi (anh A Chuốc) trên chiếc võng đong đưa bên hiên nhà, tôi càng trân quý tấm lòng nhân hậu của gia đình ở vùng Đông Trường Sơn này.

Bài, ảnh: Tú Quyên

Chuyên mục khác