Quyết không để cái nghèo đeo bám

13/12/2017 18:01

​Từ lâu, chị em phụ nữ ở làng Kon Hra Chót, phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum đều khâm phục cái tính chịu khó, hay lam hay làm của mấy mẹ con bà Y Trưm. Dù sống trong ngôi làng nội thành đất đai chật hẹp, người đông, nhưng với quỹ đất hạn hẹp đó, bằng chính nghề nông, gia đình bà chăm lo phát triển sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no, quyết không để cái nghèo đeo bám…

Trời chiều, theo chỉ dẫn của chị Đặng Thị Lý - Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Thống Nhất, chúng tôi ra khu bìa làng Kon Hra Chót - nơi mấy mẹ con bà Y Trưm trồng đủ thứ hoa màu để tìm hiểu gia đình "hay lam, hay làm" này.

Thời tiết đã vào Đông, những cơn gió về chiều cứ rin rít buốt cả thịt da. Trong mấy lớp áo lao động, bà Y Trưm và cô con gái đầu Y Tris ngồi cần mẫn cắt từng bó rau muống để sáng mai mang ra chợ sớm.

Bước sang tuổi 55, bà Y Trưm có gần 30 năm theo nghề trồng rau nên dường như bà đã quen với việc dãi dầu sương gió. Bà bảo, từ ngày gắn bó với cái nghề này thì mặc cho thời tiết thế nào, 3h sáng bà đã phải thức dậy ra ruộng rau thu hái để kịp mang ra chợ bỏ mối cho bạn hàng.

Chiều muộn, bà Y Trưm và con gái Y Tris tranh thủ cắt rau để sáng mai mang ra chợ sớm

 

Tỉ mỉ cắt, tỉa và bó từng bó rau muống, bà Y Trưm cho biết, trước đây, đất vùng ô nà này được bà con làng Kon Hra Chót trồng lúa, trồng mì. Nhận thấy nhu cầu thị trường và thu nhập từ nghề trồng rau của các hộ người Kinh gần đó cũng tăng thêm kha khá, bà con dân tộc thiểu số cũng học hỏi và làm theo. Cũng chính nghề trồng rau đã giúp bà Y Trưm nuôi 5 người con khôn lớn, không bị đói nghèo bủa vây.

Vén lại mái tóc, bà Y Trưm tự hào nói: Cũng nhờ học theo mẹ nghề trồng rau mà các con sau khi lập gia đình ra riêng cũng không bị đói nghèo.

Bà Y Trưm cho biết, sau khi con cái lập gia đình, bà đều chia cho chúng mỗi đứa vài sào đất để trồng rau. Nhận thấy quỹ đất hạn hẹp rất khó để phát triển kinh tế, bà khuyên các con cùng góp đất lại để làm ăn.

Bây giờ, giống như một nông trại thu nhỏ, khu vườn rộng hơn 1ha của gia đình bà Y Trưm và các con mình lúc nào cũng được dọn dẹp sạch sẽ, bao phủ màu xanh mướt của nhiều loại rau màu. Trung bình, mỗi năm gia đình bà trồng khoảng 4 vụ rau; hết xà lách, cà tím, lại chuyển sang trồng khổ qua, bầu, bí, dưa leo; mùa Tết thì bắp cải, cà chua, rau thơm… Thay vì thuê mướn nhân công, bà Y Trưm cùng các con của mình cùng nhau chăm sóc cho vườn rau của gia đình, từ lúc xuống giống đến khi thu hoạch.

Vườn rau của gia đình bà Y Trưm được trồng theo hướng an toàn, được chăm sóc thủ công và bón phân chuồng là chính để đảm bảo môi trường và sức khỏe cho người tiêu dùng. Để làm được điều này, bà Y Trưm cùng 3 người con góp tiền phát triển đàn bò (10 con) để vừa lấy sức cày kéo vừa lấy phân bón cho cây trồng. Nhìn đàn bò béo tốt và khu chuồng trại được dọn dẹp sạch sẽ chắc hẳn ai cũng phải trầm trồ.  

Chị Y Tris cho biết, nhờ có sự liên kết các thành viên trong gia đình để làm kinh tế, quỹ đất được tận dụng tối đa nên thu nhập cũng được nâng lên. Từ nghề trồng rau đã giúp mỗi gia đình nhỏ trong đại gia đình có thu nhập ổn định trung bình từ 6-7 triệu đồng/tháng.

Kể đến chuyện không muốn cái nghèo đeo bám, bà Y Trưm bảo: Có nhiều người trông chờ ỷ lại vào Nhà nước nên cứ muốn giữ mãi sổ hộ nghèo; còn với gia đình mình, tôi luôn khuyên các con có sức khỏe thì phải cố gắng lao động.

Đàn bò béo tốt của bà Y Trưm và những người con vừa phục vụ cày kéo và nhu cầu phân bón cho vườn rau

 

Bà Y Trưm nhớ lại cơn bão số 9 (năm 2009) đã phá tan hoang ruộng rau nên cuộc sống gia đình bà cũng gặp không ít khó khăn. Nhìn một số hộ do lười lao động nên nghèo đói lại được nhận hỗ trợ từ nhiều nguồn, trong khi gia đình bà đang gặp khó khăn nhưng không được hỗ trợ gì (vì không thuộc diện nghèo) bà cũng có bức xúc. Nhưng rồi bà Y Trưm lại nghĩ: Cái gì do chính mình làm ra thì mới bền vững, chứ của cho ăn rồi cũng hết. Vậy là, gia đình bà cố khôi phục lại mảnh vườn và động viên các con bắt tay vào xuống giống rau trở lại. Nhờ vậy gia đình bà nhanh chóng vượt qua khó khăn.

Bao nhiêu năm gắn với nghề trồng rau, bây giờ nếu một ngày phải nghỉ chân nghỉ tay bà Y Trưm thấy buồn lắm. Cũng giống như mẹ mình, các chị Y Tris, Y Trâm cũng là những người phụ nữ chăm chỉ, giỏi giang ở làng. Mới đây, được chồng gánh vác công việc ở vườn rau, chị Y Trâm đã xin vào làm công nhân Xí nghiệp May Kon Tum để kiếm thêm thu nhập, bởi chị cho rằng lớp người trẻ như chị cần phải biết vươn lên để làm giàu…

Ở làng, nhiều người bảo gia đình bà Y Trưm giàu có. Bà Y Trưm và các con của mình thì luôn khiêm tốn, nỗ lực làm ăn, vận động bà con dân làng cùng cố gắng để cái nghèo không đeo bám.

Bài, ảnh: Tú Quyên 

Chuyên mục khác