12/08/2023 14:09
“Đặt chân lên đất Kon Tum từ những năm 1990, tôi rất ấn tượng với vùng đất rộng lớn, đất đai trù phú của làng Tum, xã Ya Ly. Sau khi xuất ngũ, tôi quyết tâm bám trụ tại đây. Lúc đó tôi làm đơn xin huyện 5ha đất để khai hoang trồng cao su” - ông Bùi Văn Quyển nhớ lại những ngày đầu rời xa quê hương Mỹ Đức (thuộc tỉnh Hà Tây cũ) vào Kon Tum lập nghiệp.
Cây cao su của gia đình phát triển tốt, ông tiếp tục mở rộng diện tích, dần dà sau gần 10 năm, gia đình ông phát triển được 30ha. Là người có diện tích cao su nhiều nhất nhì huyện Sa Thầy, thu nhập ổn định, nhưng khi biết nông dân các tỉnh khác có thu nhập rất cao trong khi diện tích đất canh tác lại ít hơn rất nhiều, ông Quyển quyết định chuyển đổi cơ cấu cấu cây trồng.
|
“Đọc báo, nghe đài, tôi trăn trở mãi là vì sao chỉ với vài héc ta đất mà nông dân ở những nơi khác lại có thu nhập cao hơn hàng chục héc ta cao su của mình. Để giải đáp, tôi lặn lội đi nhiều tỉnh, thành phố để tìm hiểu và nhận ra, họ không độc canh một loại cây nên quyết định chặt bỏ bớt diện tích cao su lâu năm cho năng suất thấp sang trồng cây ăn quả” - ông Quyển cho biết.
Bà Dư Thị Thanh Vân - vợ ông Quyển kể lại: Ban đầu tôi phản đối, bởi nếu trồng cây mới, vừa tốn chi phí đầu tư, vừa mất nguồn thu mà phải đợi mấy năm nữa mới thu hoạch được. Rồi ông ấy đưa tôi sang Đăk Lăk tham quan học hỏi kinh nghiệm và thuyết phục tiếp, cuối cùng tôi cũng đồng ý với cách làm này.
Năm 2017, ông Quyển chuyển đổi 20ha cao su, cải tạo đất và trồng cây ăn quả, chủ lực là sầu riêng. Xác định chăm sóc sầu riêng theo phương thức hữu cơ nên ông không sử dụng phân bón hoá học.
Năm 2021, vườn sầu riêng hữu cơ cho thu hoạch bói 80 tấn và nhận được nhiều lời khen từ chính quyền, người thân, bạn bè, ông Quyền quyết định xây dựng tiêu chuẩn VietGAP cho sản phẩm sầu riêng của gia đình, sau đó tiếp tục tham dự Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), và được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Chưa dừng lại tại đó, ông tiếp tục lặn lội sang các tỉnh khác để học hỏi cách làm đưa sầu riêng xuất khẩu. Cuối cùng, ông chọn cách đăng ký mã số vùng trồng sầu riêng để được xuất khẩu sang Trung Quốc.
Theo ông, đăng ký mã vùng trồng là chuyện không hề dễ dàng bởi phải trải qua nhiều khâu kiểm tra trực tiếp rất nghiêm ngặt của Cục Bảo vệ thực vật, từ sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cách xử lý cỏ dại. Cuối năm 2022, diện tích sầu riêng của ông được cấp phép xuất khẩu sang Trung Quốc.
Tính đến nay, với diện tích 20ha sầu riêng, 10ha cao su đã đem lại cho gia đình ông Quyển lợi nhuận khoảng 2,2 tỷ đồng/năm. Không những vậy, mô hình kinh tế của ông còn giúp giải quyết việc làm thường xuyên cho 9 lao động và việc làm thời vụ cho 25 lao động.
Ông Lê Thanh Hải - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Sa Thầy cho biết: Với những nỗ lực của nông dân Bùi Văn Quyển, năm 2021, ông được công nhận đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Tháng 7 vừa qua, ông Quyển vinh dự được Hội Nông dân Việt Nam công nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2023. Không chỉ giỏi phát triển kinh tế gia đình, ông Quyển còn tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, đóng góp quỹ an sinh xã hội, quỹ Hỗ trợ nông dân của địa phương, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ các nông dân khác phát triển kinh tế.
Văn Tùng