Nông dân ham học, ham làm

07/05/2022 13:10

Người dân làng Plei Trum Đăk Choăh (phường Ngô Mây, thành phố Kon Tum) thường gọi anh A Linh (43 tuổi) là một nông dân ham học hỏi, tìm hiểu các kiến thức trồng trọt và chăn nuôi, từ đó áp dụng vào thực tế để triển khai những cách làm, mô hình hay, phát triển kinh tế gia đình.

Nghe nói đã lâu, nay tôi mới có dịp cùng cán bộ Hội Nông dân phường Ngô Mây đến thăm gia đình anh A Linh. Căn nhà khang trang của gia đình anh Linh nổi bật nhất xóm. Thấy chúng tôi đến, chị Y Hiền (vợ anh Linh) đon đả ra mời khách: Sáng giờ đi rẫy, vừa về đến nhà chồng tôi đã tranh thủ cho đàn dê đi ăn. Các anh ngồi chơi, để tôi gọi anh ấy về.

Về nhà, lau vội những giọt mồ hôi, anh Linh nở nụ cười thân thiện chào chúng tôi, nói: Cuối năm ngoái, qua tìm hiểu từ trên mạng và bạn bè, tôi nuôi thử nhiệm 4 con dê nái. Bây giờ, dê đã sinh sôi thành 8 con.

Vườn cao su là nguồn thu nhập chính của gia đình. Ảnh: VT

 

Bên cạnh nuôi dê, anh Linh còn triển khai nhiều mô hình khác nhau. Ngay từ năm 1997, khi chưa lập gia đình, anh mạnh dạn khuyên bố mẹ chuyển 1ha đất trồng mì sang trồng cao su; còn 2ha đất vẫn trồng mì. Nhờ vậy, khi anh cưới vợ vào năm 2004, được gia đình hỗ trợ, vợ chồng anh đã có nguồn thu nhập ổn định từ việc khai thác mủ cao su, đồng thời tiếp tục tích góp vốn từ việc trồng mì.

Năm 2007, vợ chồng anh sinh đứa con đầu lòng. Mỗi lần đi rẫy, vợ anh phải đưa con theo. Thấy cực con khổ mẹ, anh quyết định vay 15 triệu đồng từ Quỹ tín dụng xã Vinh Quang để mua chiếc máy xay xát cho vợ làm tại nhà, còn anh cáng đáng việc rẫy.

“Mua chiếc máy về, vợ chồng tôi ăn nên làm ra. Đến bây giờ, chiếc máy vẫn hoạt động tốt. Bình quân mỗi năm trừ mọi chi phí, vợ chồng tôi thu lãi hơn 70 triệu đồng từ xay xát và có thêm cám gạo để nuôi heo, gà và vịt” – anh Linh tâm sự.

Đến năm 2008, anh chị dùng số tiền tích góp và vay thêm 10 triệu đồng do Hội Nông dân xã Vinh Quang uỷ thác cho vay, để chuyển đổi 2ha đất trồng mì còn lại sang trồng 2ha cao su. Vốn có kinh nghiệm từ trước, nên việc trồng cao su đối với anh Linh tương đối thuận lợi. Vì vậy, vườn cao su gia đình anh phát triển tốt.

Năm 2009, tận dụng lượng cám gạo dôi dư từ việc xay xát, anh Linh phát triển mạnh việc chăn nuôi heo. Năm đầu, vợ chồng anh nuôi heo thịt với số lượng 17 con. Sau khi xuất chuồng, thấy việc nuôi heo thuận tiện, gia đình anh nuôi 4 con heo nái để vừa bán heo giống vừa nuôi heo thịt.

Chị Hiền kể lại: Gần 10 năm trước, có lần giá heo hơi lên 57 nghìn đồng/kg. Năm đấy, nhà tôi lãi ròng hơn trăm triệu đồng từ nuôi heo. Nhưng mấy năm gần đây, tình hình dịch bệnh thường xuyên xảy ra, do vậy, gia đình chỉ để lại hai con heo nái. Trừ các khoản chi phí, bình quân mỗi năm gia đình thu về gần 50 triệu đồng từ bán heo giống.

Đến đầu năm 2020, 1ha cao su trồng đầu tiên của gia đình anh Linh hết chu kỳ khai thác mủ. Sau khi tham gia lớp tập huấn kiến thức trồng cây ăn quả, đồng thời tìm hiểu thêm kiến thức trên mạng Internet, anh Linh mạnh dạn đầu tư phát triển 1ha cây ăn quả. Trước khi xuống giống, anh Linh xử lý đất theo đúng quy trình. Chính vì vậy, vườn cây ăn quả (sầu riêng, bưởi, mít Thái) của anh Linh đang phát triển tốt và mở ra nhiều hứa hẹn.

“Lúc mới trồng cây ăn quả tôi cũng lo, nhưng tôi nghĩ thấy người ta làm được mình cố gắng cũng sẽ làm được. Tôi tự học hỏi và bắt thêm hệ thống tưới béc tự động để vườn cây quanh năm đều sinh trưởng tốt” – anh Linh bộc bạch.

Cơ sở cung cấp gà, vịt giống của anh Linh hoạt động rất ổn định. Ảnh: VT

 

Cũng trong năm 2020, địa phương mở lớp tập huấn về kiến thức ấp nở và chăn nuôi gia cầm, anh Linh tham gia lớp học. Sau khi lớp tập huấn kết thúc, anh Linh đến các lò ấp trứng ở các huyện, thành phố tìm hiểu thêm. Bằng việc mua gà, vịt mới nở từ một cơ sở tại huyện Đăk Hà, anh Linh đưa vào chuồng úm (1.000 con/lứa úm) được tận dụng từ chuồng heo cũ của gia đình. Với cách làm này, cứ 2 tuần anh Linh lại xuất bán gà, vịt giống một lần, trừ mọi chi phí, mỗi năm thu về hơn 70 triệu đồng.

Chị Võ Thị Mỹ Nữ -  Chủ tịch Hội Nông dân phường Ngô Mây đánh giá: Anh A Linh là một hội viên gương mẫu, tích cực tham gia các lớp tập huấn do các cấp Hội Nông dân tổ chức, sau đó áp dụng vào thực tế, đưa ra những mô hình làm kinh tế hiệu quả. Nhờ biết tính toán trong làm ăn, tằn tiện trong chi tiêu, gia đình anh A Linh trở thành hộ có kinh tế khá ở địa phương.

Văn Tùng

Chuyên mục khác