Những người tiên phong trong tuyên truyền, vận động

09/01/2024 06:09

Trên khắp các thôn, làng của huyện biên giới Đăk Glei, những người có uy tín vẫn đang ngày đêm thầm lặng cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xây dựng cuộc sống ấm no, thôn, làng vững mạnh.

Năm nay đã 83 tuổi, song già A Bang - người có uy tín ở thôn Pêng Sal Pêng, xã Đăk Pék luôn nỗ lực tìm tòi, học hỏi về các mô hình phát triển sinh kế và hỗ trợ cộng đồng người Gié- Triêng tại địa phương vươn lên thoát nghèo. Đối với dân làng, già A Bang được xem như “cầu nối” giữa người dân với chính quyền địa phương và là tấm gương sáng giúp người dân có thêm ý chí vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Già A Bang (bên phải) tuyên truyền, hướng dẫn các hộ trong làng phát triển kinh tế. Ảnh: KN

 

Già A Bang chia sẻ, trước đây, cuộc sống của già và người Gié- Triêng tại thôn Pêng Sal Pêng còn nhiều thiếu thốn, gian khổ. Chính quyền địa phương đã nhiều lần tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao thu nhập. Để dân tin, dân làm theo, năm 2018, già đã tiên phong trong việc chuyển đổi 2ha diện tích trồng mì kém hiệu quả của gia đình sang trồng cây bời lời; đầu tư đào ao với diện tích hơn 500m2 để nuôi cá, vịt; chăn nuôi thêm bò. Nhờ đó, cuộc sống của già A Bang ngày càng phát triển, thu nhập ổn định.

Từ những thành công đó, già A Bang tích cực vận động con cái trong nhà và người dân trong thôn làm theo, hiện đã có gần 20 hộ dân làm theo với ước mơ làm giàu chính đáng. Điển hình trong đó là hộ gia đình anh A Vin trồng được 4ha cây bời lời, hơn 3ha rừng thông, kết hợp cùng việc chăn nuôi gia súc.

Anh A Vin cho biết: Nhờ có già A Bang tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, bà con nơi đây đã dần thay đổi cách nghĩ, xóa bỏ hủ tục. Bản thân tôi hiện nay đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi và không còn nuôi gia súc theo hướng thả rông trong rừng, thay vào đó là nuôi nhốt chuồng trại. Hiện mỗi năm gia đình thu về tiền lời gần 50 triệu đồng.

Ông A Hùng (bên trái) tuyên truyền, vận động bà con giáo dân sống tốt đời đẹp đạo. Ảnh: KN

 

Còn tại thôn Chung Năng, thị trấn Đăk Glei, ông A Hùng - người có uy tín chia sẻ, thôn Chung Năng có 309 hộ, gần 1.400 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Xơ Đăng và Gié- Triêng. Với đặc thù người dân trong thôn phần lớn theo đạo Tin lành, ông luôn tuyên truyền, vận động bà con sống tốt đời đẹp đạo, chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đoàn kết giữ vững an ninh trật tự trong thôn.

Trong giai đoạn 2023 - 2027, huyện Đăk Glei có 92 người có uy tín trong cộng đồng. Đội ngũ người có uy tín đã có nhiều đóng góp cùng cấp ủy, chính quyền, đoàn thể giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo vệ an ninh trật tự; vận động bà con nhân dân, các tín đồ tôn giáo tích cực tham gia lao động sản xuất, góp phần giảm nghèo bền vững và không nghe, không tin, không theo kẻ xấu kích động, xúi giục chống phá chế độ, phá hoại chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng, Nhà nước.

Trong năm 2023, đời sống kinh tế - xã hội của nhân dân các dân tộc huyện Đăk Glei tiếp tục được cải thiện; quốc phòng - an ninh được giữ vững, thể hiện sự đóng góp tích cực của nhân dân, đặc biệt là vai trò nòng cốt của người có uy tín trong việc hướng dẫn, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực thực hiện tốt đường lối, chủ trương, của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Người có uy tín thực sự là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước, các ngành chức năng với các tầng lớp nhân dân. Với những đóng góp thầm lặng, những người có uy tín đã và đang chung tay, góp sức cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương và đồng bào các dân tộc xây dựng huyện Đăk Glei ổn định và phát triển - bà Y Thanh, Chủ tịch UBND huyện Đăk Glei cho biết.

Khánh Ngân

Chuyên mục khác