Những “Gia đình văn hoá” tiêu biểu

14/12/2016 14:02

Ngày hội đại đoàn kết tháng 11 vừa qua, nhiều gương sáng gia đình văn hóa đã được tuyên dương trong đó có gia đình trẻ Nguyễn Xuân Mậu (xã Văn Lem, huyện Đăk Tô) và gia đình ông A Oan (xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà).

Tháng 11 vừa qua, các thôn, làng, tổ dân phố đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa trong “Ngày hội đại đoàn kết dân tộc”, nhiều gương sáng gia đình văn hóa đã được tuyên dương bởi tinh thần nỗ lực làm kinh tế giỏi và biết giúp đỡ hộ khó khăn, hộ nghèo cùng vươn lên. Tiêu biểu trong số những gia đình được tuyên dương có gia đình trẻ Nguyễn Xuân Mậu (xã Văn Lem, huyện Đăk Tô) và gia đình ông A Oan (xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà).      

Vợ chồng trẻ tự thân lập nghiệp    

Người dân thôn Tê Pen (xã Văn Lem, huyện Đăk Tô), ai ai cũng cảm phục vợ chồng trẻ Nguyễn Xuân Mậu và Y Phiên siêng năng, tự lực làm kinh tế giỏi. Gia đình anh Mậu còn giúp 3 hộ khác thoát nghèo năm 2015 và 2016. Vợ chồng anh đã trở thành tấm gương cho hơn 180 thanh niên trong độ tuổi lao động ở làng học tập, chia sẻ kinh nghiệm đầu tư làm ăn, đẩy lùi cái nghèo.

Anh Nguyễn Xuân Mậu vinh dự đại diện các gia đình văn hóa tiêu biểu thôn Tê Pen phát biểu trong ngày hội đại đoàn kết. Ảnh: M.T

 

Anh Mậu có quê ở tận tỉnh Nghệ An. Năm 2007, anh theo người thân vào xã Văn Lem lập nghiệp. Ở nơi sinh sống mới, anh Mậu chăm chỉ làm công trên rẫy cho bà con. Anh chi tiêu tiết kiệm, tích góp vốn thuê đất trồng 2ha mì cao sản.

Thấy anh chăm chỉ làm ăn, bà con trong làng giới thiệu Y Phiên – cô gái trẻ người đẹp nết trong thôn để mong anh có bạn đời chung tay lập nghiệp. Cuối năm 2009, anh lập gia đình với Y Phiên.

 “Lúc đầu mới cưới nhau, tôi dựng tạm căn nhà ở rẫy để 2 vợ chồng sinh sống. Sau một năm, vợ sinh con. Để con được đến trường, chăm sóc y tế… hai vợ chồng quyết định vay mượn tiền người thân mua đất làm căn nhà nhỏ trong thôn. Khi nợ tiền mọi người, tôi và vợ rất lo lắng, phải thay nhau đi làm thuê suốt” - anh Mậu nói.

Với sự chịu khó làm ăn, sau hơn 2 năm cưới nhau, vợ chồng anh đã trả xong khoản nợ xây nhà gần 30 triệu đồng. Xong nợ, từ nguồn thu của rẫy mì, vợ chồng anh mua 2 con trâu, bò sinh sản và dần dà phát triển thành 5 con. Gia đình đã bán bớt 2 con hơn 27 triệu đồng mua 1ha bời lời. Năm 2016, vợ chồng tiếp tục chắt chiu mua thêm 2ha mì kế cận rẫy nhà.

Ở tuổi 29, anh Mậu đã có 3ha cây trồng cho thu hoạch hơn 80 triệu đồng/năm và còn có cả đàn trâu bò. Anh cho biết, năm 2015, vợ chồng A Huân thuộc diện khó khăn, anh đã giao bò giống cho hộ này chăm sóc. Sau một năm, bò mẹ sinh sản được con bê. Anh Mậu đã tặng cho A Huân con bê này để làm vốn.

Năm 2016, anh Mậu còn giúp 2 hộ khác về cây giống và hướng dẫn kinh nghiệm chăm sóc, làm cỏ cho cây trồng, nhằm tăng năng suất thu hoạch. Đến nay, các hộ được anh hỗ trợ đã thoát nghèo.

Ngày hội đại đoàn kết tháng 11 vừa qua, gia đình anh là 1 trong 2 hộ được tuyên dương “Gia đình văn hóa” tiêu biểu 3 năm liền và được UBND xã Văn Lem tặng giấy khen.

Giúp nhiều hộ thoát nghèo

Ở xã Đăk Ui (huyện Đăk Hà), ông A Oan là Trưởng thôn 5B gương mẫu, huy động nhân dân tham gia tích cực phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. A Oan còn giúp đỡ nhiều hộ khó khăn cùng làm ăn có hiệu quả, thoát nghèo ở làng.

A Oan cho biết: Hiện nay, gia đình tôi có 5 con bò, trồng được 4ha cà phê cho năng suất 5 tấn tươi/năm, trồng 5ha mì và 5 sào lúa. Tổng thu nhập của gia đình gần 180 triệu đồng/năm.

Ông A Oan được tuyên dương gia đình văn hóa tiêu biểu ở khu dân cư. Ảnh: M.T

 

Ông nhớ lại, năm 1985, khi vợ chồng ông lập gia đình, cha mẹ đôi bên cho 2ha đất trồng mì và bời lời. Kinh tế chỉ đủ trang trải cuộc sống gia đình. Đến năm 1990, trong thôn vận động chuyển dịch cây mì sang trồng cà phê, gia đình đã làm theo. Lúc này, gia đình đã nhận được sự hỗ trợ từ nguồn vốn xóa đói giảm nghèo, để mua heo và chăn thả gia cầm.

Năm 1994, thấy ông là người tích cực tham gia các phong trào quần chúng ở làng, nhân dân đã tín nhiệm bầu ông làm trưởng thôn 5B. Với vai trò này, A Oan đã đi đầu chăm sóc 2ha cà phê của gia đình, siêng năng đi làm công tăng thu nhập, quyết thoát nghèo.

Đến năm 1996, vườn cà phê của gia đình bắt đầu cho thu hoạch và ông tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo ở thôn. Từ đó đến nay, vườn cà phê mang về cho gia đình ông hơn 10 tấn quả tươi, cho thu nhập 80 triệu đồng/năm. Năm 2014, ông sử dụng tiền tích cóp được mua thêm 2ha cà phê và 5,5ha đất trồng mì, lúa. Tổng diện tích cây trồng của gia đình hiện có 9,5ha.   

Là trưởng thôn, vào ngày thứ Hai đầu tuần chào cờ tại nhà rông, ông thường nhắc nhở bà con đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Ông vận động bà con quan tâm các hộ neo đơn, chính sách, hộ có người già mất sức lao động đang gặp khó khăn cần hỗ trợ ngày công và nguyên vật liệu (đá, sỏi, cây gỗ…) để sửa chữa nhà ở, thu hoạch lúa trên ruộng…

Những hộ dân nào có người thân đau ốm, khó khăn về nguồn vốn làm kinh tế, ông cũng thường xuyên động viên họ, đồng thời đề xuất lên Ban Công tác mặt trận thôn và UBND xã Đăk Ui ưu tiên nguồn vốn vay, chính sách hỗ trợ khác dành cho đối tượng nghèo, nhằm tạo cơ hội cải thiện cuộc sống, tăng thu nhập.

Ông vui vẻ nói: Sau khi vận động bà con giúp đỡ các hộ khó khăn, tôi cũng tự xoay xở có gì giúp nấy. Tôi sẵn sàng cho mượn ngày công lao động, mượn bò kéo xe chở lúa, hoặc ai hỏi về kinh nghiệm chăm sóc cây cà phê thì đến vườn cây chỉ cặn kẽ từng việc, để mọi người cùng làm ăn tốt lên.

Năm 2016, ông đã xin nghỉ làm trưởng thôn và bà con vẫn tín nhiệm ông làm cán bộ công tác mặt trận.

Nhận xét về ông A Oan – Trưởng thôn mới (năm 2016) A Đang khẳng định: Ông A Oan rất có uy tín ở cộng đồng. Những năm làm trưởng thôn, ông đã giúp 10 hộ dân thoát nghèo và được tặng nhiều giấy khen, bằng khen các cấp. Trong ngày hội đại đoàn kết dân tộc năm nay, ông vinh dự được UBND xã Đăk Ui tuyên dương “Gia đình văn hóa” tiêu biểu nhiều năm liền, là người uy tín ở cơ sở được đề xuất lên huyện, tỉnh tiếp tục khen thưởng, nêu gương.

Mai Trâm

Chuyên mục khác