Những "đại thụ" làng Đăk Đe

28/11/2023 13:21

Những năm qua, 2 già làng A Ling (83 tuổi) và A Thiu (66 tuổi) được dân làng Đăk Đe (xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy) xem như “đại thụ” của làng vì có nhiều đóng góp trong công tác tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh.

Trở lại Đăk Đe sau nhiều năm, chúng tôi khá bất ngờ khi ngôi làng giờ đây khang trang, sạch đẹp hơn. Một người dân trong làng cho chúng tôi biết, đường làng sạch, đảm bảo vệ sinh một phần có sự đóng góp của ông A Ling và ông A Thiu.

Theo ông A Ling, trước đây, Đăk Đe là làng đặc biệt khó khăn của xã, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, có nhiều tuyến đường đất, dẫn đến việc đi lại của người dân gặp khó khăn, nhất là thời điểm mưa lớn. Lúc đó, ông đã cùng ông A Thiu dành nhiều thời gian tuyên truyền, vận động bà con đóng góp kinh phí hơn 70 triệu đồng, góp 200 ngày công lao động để làm đường. Đến nay, 100% tuyến đường nội làng được bê tông hóa.

Ông A Ling (bên trái) và ông A Thiu (bên phải) đến nhà dân để tuyên truyền chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ảnh: MV

 

Bên cạnh đó, trong làng, số lượng trâu, bò được nuôi khá nhiều nên có lúc phân bò rơi vãi trên đường, mất vệ sinh. Ông A Ling đã chi tiền cá nhân để mua 4 xe rùa hỗ trợ làng thu dọn phân bò trên đường. “Tôi không giàu có gì, nhưng với mong muốn đường sá được sạch đẹp nên ủng hộ. Bây giờ nhìn đường sá sạch sẽ, tôi rất vui mừng”- ông A Ling nói.

Với các vụ việc xích mích, mâu thuẫn, tranh chấp, ông A Ling và ông A Thiu đều có mặt kịp thời hòa giải, góp phần hạn chế tình trạng khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp. Ngoài ra, 2 ông còn phối hợp với  trưởng thôn cho thanh thiếu niên trong làng ký bản cam kết không vi phạm pháp luật, gây rối mất trật tự. Vì thế, thời gian qua các tình trạng trên đều giảm rõ rệt.

Hai ông còn vận động bà con xóa bỏ hủ tục, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình. “Nếu như trước đây, mỗi khi đau ốm, các hộ gia đình trong làng thường gọi thầy cúng. Nhưng sau khi chúng tôi tuyên truyền, giải thích bà con đã hiểu và mỗi lần ốm đau đều tìm đến các cơ sở y tế để được khám, chữa bệnh”- ông A Thiu chia sẻ.

Nhiều năm qua, với khả năng đánh cồng chiêng, đan lát giỏi, ông A Thiu và ông A Ling còn tổ chức các lớp hướng dẫn, truyền dạy cho thanh thiếu niên trong làng gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp.

Hai già làng cùng bàn bạc và kiểm tra người dân đang làm nhà rông. Ảnh: MV

 

Từ khi làng Đăk Đe được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND huyện Sa Thầy lựa chọn để thành lập câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa gắn với phát triển du lịch của đồng bào dân tộc Xơ Đăng (nhánh Hà Lăng) thì ngày càng đông thanh thiếu niên trong làng đến nhà rông tập luyện cồng chiêng, múa xoang vào buổi tối cuối tuần. Từ đó, những năm nay, Đăk Đe là làng đóng góp nhiều nghệ nhân cho xã tham gia biểu diễn tại chương trình, ngày hội của huyện, tỉnh và đạt thành tích tốt.

Không những thế, ông A Thiu còn được biết đến bởi những đóng góp trong việc giúp người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả. Năm 2010, ông mạnh dạn mua giống cà phê, cao su về trồng. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật nên từ năm 2014 đến nay, năng suất cây trồng tăng cao, mỗi năm gia đình ông thu nhập hơn 100 triệu đồng. Để bà con trong làng làm theo, ông đã vận động từng hộ dân mua các giống cây mới có năng suất cao như cà phê, sầu riêng, cao su. Thấy được hiệu quả thiết thực, người dân trong làng đã đồng loạt làm theo. Từ 2-3 hộ trồng cà phê, cao su năm 2010, đến nay, thôn đã có hơn 50 hộ trồng cho thu nhập ổn định, nhiều hộ thoát nghèo bền vững. 

Với sự góp sức của ông A Ling và ông A Thiu, đời sống của người dân làng Đăk Đe ngày càng khởi sắc. Làng có hơn 200 hộ với gần 900 khẩu, đều là người Hà Lăng thì hiện làng chỉ còn 42 hộ nghèo, giảm 17 hộ so với năm 2022, tỷ lệ hộ khá, giàu chiếm 30%. Chất lượng giáo dục được nâng cao, hàng năm, làng có tỷ lệ học sinh đến lớp ở các trường tiểu học và trung học cơ sở đều đúng độ tuổi và được phổ cập 100%.

Bà Y Chít - Phó Chủ tịch UBND xã Rờ Kơi cho biết, ông A Ling và ông A Thiu có đóng góp rất lớn trong việc xây dựng nông thôn mới, cũng là người đi đầu trong việc tuyên truyền xóa bỏ các hủ tục trong làng. Nhờ đó, đời sống, văn hóa người dân ở làng Đăk Đe tiến bộ, tình trạng vi phạm pháp luật giảm rõ rệt.

Mai Vàng

Chuyên mục khác